Pháp thử sức làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Iraq và người Kurd

Phạm Hà |

Việc chấp nhận vai trò hòa giải của Pháp là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 29/9 chấp nhận lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Paris vào ngày mùng 5/10 để thảo luận về cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd.

Việc chấp nhận vai trò hòa giải của Pháp là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd đang tác động lớn đến sự ổn định của khu vực, kéo theo những hệ lụy nguy hiểm đối với các quốc gia láng giềng.

Tổng thống Pháp trước đó đề xuất làm giảm căng thẳng giữa chính quyền Baghdad và khu vực người Kurd tại phía bắc Iraq.

Tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, văn phòng Tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, trong khi vẫn công nhận quyền của người Kurd. Pháp cũng kêu gọi chính quyền Baghdad và khu vực người Kurd tránh gia tăng căng thẳng, ưu tiên cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Trong bối cảnh bất ổn sau cuộc trưng cầu ý dân của khu vực người Kurd đang có tác động lớn đến tình hình khu vực, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đối phó với IS của chính phủ Iraq thời gian gần đây, rõ ràng với tuyên bố “Iraq vẫn cần phải được thống nhất” sẽ là đảm bảo chắc chắn nhất đối với chính phủ Iraq và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Haider al-Abadi

Căng thẳng gia tăng không chỉ giữa khu vực người Kurd với chính quyền Baghdad mà còn cả với các quốc gia láng giềng của Iraq sau cuộc trưng cầu ý dân độc lập gây tranh cãi vừa qua, với những cảnh báo có thể tác động lớn đến sự ổn định khu vực.

Liên Hợp Quốc mới đây đề nghị đứng ra giúp "giải quyết vấn đề" giữa chính phủ trung ương và chính quyền khu tự trị người Kurd. Tuy nhiên, đề xuất hòa giải của Pháp lần này được đánh giá cao hơn khi trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, Pháp đã có những tuyên bố khá trung lập. Trong khi nhiều nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd tại Iraq, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố ủng hộ sự thống nhất của Iraq, nhưng cũng ủng hộ quyền của người Kurd trong khuôn khổ Hiến pháp Iraq.

“Khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra thì tôi mong muốn nó sẽ giúp hướng đến việc có đại diện lớn hơn của người Kurd trong chính phủ cũng như trong khuôn khổ Hiến pháp của Iraq. Iraq cần sự ổn định chính trị và lãnh thổ, và tôi cũng mong muốn một chính phủ của thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vững mạnh” - Ông Macron khẳng định.

Không ngừng ca ngợi vai trò của người Kurd trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tổng thống Macron còn nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử của Pháp với khu vực người Kurd.

Thực tế là chính quyền người Kurd cũng đang phải đối mặt với những hậu quả lớn sau cuộc bỏ phiếu độc lập. Đến nay, được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, chính phủ Iraq yêu cầu người Kurd hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua hoặc đối mặt với các biện pháp trừng phạt, bị quốc tế cô lập cũng như nguy cơ can thiệp quân sự tại khu vực này.

Tiếp sau Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Iran hôm qua đã ban hành lệnh cấm mọi hoạt động vận chuyển qua lại các sản phẩm dầu mỏ với khu vực người Kurd nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập vừa diễn ra tại đây.

Với nguy cơ đối mặt với sự cô lập và trừng phạt sắp tới, lãnh đạo chính quyền khu tự trị người Kurd đều hiểu rằng, cuộc trưng cầu ý dân sẽ không thể giúp khu vực này trở thành một nhà nước độc lập nếu không nhận được sự ủng hộ quốc tế, vì vậy, ngồi xuống bàn đàm phán là lựa chọn tốt nhất cho chính quyền vào thời điểm hiện nay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại