Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ to tiếng về vụ biếm họa Tổng thống Erdogan

Vũ Anh Tuấn |

Mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bước vào một cao trào xung đột mới sau khi tuần báo châm biếm Charlie Hebdo của Pháp đăng bức tranh biếm họa của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Ngay sau khi bức tranh được đăng tải, các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi đây là nỗ lực của Pháp nhằm “truyền bá sự phân biệt chủng tộc và thù hận trong văn hóa”.

Trong một tuyên bố trên Twitter, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng, việc xuất bản liên quan đến Tổng thống Erdogan trên tạp chí Pháp là không tôn trọng bất kỳ tín ngưỡng, sự thiêng liêng và giá trị nào. Theo ông, cuộc tấn công vào quyền cá nhân không phải là sự hài hước và tự do biểu đạt.

Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun cho rằng, sự ra mắt của ấn phẩm này nhằm truyền bá sự phân biệt chủng tộc và thù hận trong văn hóa.

Bức biếm họa trên trang bìa của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngồi trên ghế bành, mặc áo phông trắng và quần lót, tay cầm đồ uống đóng hộp, bên cạnh là một phụ nữ đội khăn trùm đầu kiểu Hồi giáo.

Ngay sau khi bức tranh được xuất bản, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một cuộc điều tra đối với những người điều hành Charlie Hebdo.

Trong khi đó, đáp trả những chỉ trích, Pháp tuyên bố sẽ không nhượng bộ “sự đe dọa” từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal nói: "Về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, điều đơn giản và rõ ràng mà tôi muốn nói là, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ có những lời lẽ đe dọa, Pháp sẽ không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc và các giá trị của mình. Đó là về quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản."

Những diễn biến này đánh dấu căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO. Trước đó, trong tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng đã tranh cãi về vụ một giáo viên người Pháp bị sát hại sau khi cho học sinh xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammad, trong một bài học về quyền tự do ngôn luận.

Tổng thống Pháp Macron khẳng định không thu hồi những bức tranh về nhà tiên tri Mohammad, không nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan, đồng thời phát động chiến dịch truy quét các đối tượng được cho là theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên toàn quốc, đóng cửa một số hiệp hội và nhà thờ Hồi giáo. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng, Tổng thống Pháp đang gặp vấn đề trong phát ngôn.

Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng trong thời gian gần đây liên quan nhiều vấn đề như tình hình Syrai, Lybia, việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thăm dò khí đốt trên biển Địa Trung Hải xung đột lợi ích với Cộng hòa Síp và Hy Lạp và vấn đề Hồi giáo.

Chính vì vậy, những tranh cãi mới nhất liên quan đến hình ảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trên tạp chí của Pháp chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO này được đẩy thêm một nấc mới.

Để giải quyết bất đồng giữa hai quốc gia này, chắc chắn trong thời gian tới, EU sẽ còn nhiều việc phải làm bởi Pháp là một quốc gia quan trọng trong khối và châu Âu cũng không thể mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đóng vai trò quân sự ở Libya và là điểm xuất phát cho những người di cư vào châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại