(Ảnh minh họa: OMFIF)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) dự kiến tỷ trọng của Pháp trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ giảm xuống 1,98% vào năm 2029, so với mức 2,2% được các nhà phân tích IMF ghi nhận vào năm 2023.
Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ duy trì ở mức trên 4% cho đến năm 2029, với nợ công dự kiến sẽ vượt quá 115% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ủy ban châu Âu trước đây đã dự báo những xung đột tiềm ẩn với các quy định tài chính của EU khi phản ứng với kế hoạch ngân sách năm 2024 của Pháp, nhấn mạnh rằng triển vọng hiện tại có nguy cơ khiến các cơ quan xếp hạng toàn cầu điều chỉnh theo hướng tiêu cực.
Theo cơ sở dữ liệu được tổ chức này cập nhật vào đầu tháng 4, Anh - quốc gia có tỷ trọng GDP toàn cầu trên cơ sở PPP vào năm 2029 dự kiến sẽ chiếm 2,2% - sẽ được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được dự đoán sẽ chiếm vị trí thứ 9 với mức 2,09% trong 5 năm tới.
Năm quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế toàn cầu sẽ là Trung Quốc, dự kiến sẽ chiếm 19,48% GDP thế giới đến năm 2029, Mỹ (14,72%), Ấn Độ (9,23%), Nhật Bản (3,21%) và Indonesia (2,79%). Top 10 dự kiến cũng sẽ bao gồm Đức (2,77%), Nga (2,71%) và Brazil (2,19%).
Đầu tháng 4 này, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm hiện tại, kết luận rằng nền kinh tế thế giới đã chứng tỏ "khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên". Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 3,2% trong năm 2024, tăng khiêm tốn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 1. Năm 2025, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng ở mức tương tự là 3,2%.