Việc Hải quân Pháp dẫn đầu và tiến tới hối thúc khối EU tham gia tuần tra Biển Đông là một diễn biến rất đáng chú ý.
Ngoài việc bảo vệ lợi ích đất nước, Pháp còn muốn nhân cơ hội này chứng tỏ vị thế của một cường quốc có ảnh hưởng trên toàn cầu, đồng thời không loại trừ mục đích giới thiệu, quảng bá vũ khí tới các khách hàng tiềm năng.
Sự xuất hiện của khinh hạm lớp La Fayette chứ không phải FREMM có lẽ mang đầy ẩn ý, khi đây là lớp tàu chiến cỡ 3.000 tấn rất được ưa chuộng trong khu vực và cũng từng được nhắc tới như một ứng viên sáng giá dành cho Hải quân Việt Nam.
Khinh hạm RSS Formidable số hiệu 68 của Hải quân Singapore, một biến thể của La Fayette
Theo một vài nhận định về xu thế phát triển của Hải quân Việt Nam, sau khi hoàn thành việc trang bị các tàu hộ vệ tên lửa 2.000 tấn thì vào giai đoạn sau 2020, chúng ta có thể tiến tới mua sắm những lớp khinh hạm lớn hơn, có lượng giãn nước trên 3.000 tấn được vũ trang mạnh.
Nếu kế hoạch này được triển khai, rất ít khả năng Việt Nam sẽ tìm tới đối tác truyền thống là Nga do họ hiện không có sản phẩm đúng yêu cầu. Hơn nữa năng lực ngành đóng tàu đang đi xuống, thời gian thi công chậm trễ, vướng mắc với nguồn cung cấp động cơ... được coi là những rào cản lớn khiến Nga dễ bị "loại từ vòng gửi xe".
Trong khi các ứng viên như khác Kamotar của Ấn Độ chưa chứng minh được năng lực tác chiến, hay DW 3000F của Hàn Quốc vẫn còn nằm trên giấy thì có lẽ không còn lựa chọn nào tỏ ra phù hợp hơn La Fayette - một sản phẩm của Tập đoàn DCNS.
Một biến thể khác của La Fayette, khinh hạm ROCN Kang Ding số hiệu 1202 của Hải quân Đài Loan
Cần nhắc lại rằng với thương vụ SIGMA 9814, Hải quân Việt Nam rõ ràng đã thể hiện ý định muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để tránh phụ thuộc vào Nga, đối tác Hà Lan Damen được lựa chọn do đã có mối liên kết thân tình từ nhiều năm nay.
Đáng tiếc rằng đây là một cơ sở tư nhân, chỉ phụ trách phần đóng tàu mà không chịu trách nhiệm được đối với các hệ thống tác chiến cũng như vũ khí đi kèm (phần lớn do Pháp sản xuất), cho nên dự án hiện vẫn đang bị treo.
Rút kinh nghiệm từ bài học quá khứ, khả năng cao là chúng ta sẽ tìm tới các cơ sở đóng tàu quốc doanh, những tập đoàn quốc phòng lớn của châu Âu để đặt hàng nhằm tạo sự đồng bộ. Trong trường hợp đã đặt niềm tin và quyết "chốt" vũ khí Pháp, lựa chọn tối ưu của Việt Nam nên là DCNS của Pháp thay vì Fincantieri của Ý.
Khinh hạm La Fayette (F710) của Hải quân Cộng hòa Pháp
La Fayette có kích cỡ phù rất hợp yêu cầu của Hải quân Việt Nam, đã chứng minh được độ tin cậy trong nhiều lực lượng hải quân thế giới. Bên cạnh đó là thiết kế tiên tiến, vũ khí khí tài cực mạnh, đảm bảo sau nhiều năm nữa vẫn là một trong những lớp khinh hạm tốt nhất hành tinh.
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với châu Âu nói chung và với Pháp nói riêng đang ngày càng diễn biến tốt đẹp, Pháp đã ngỏ ý sẵn sàng bán cho chúng ta nhiều loại vũ khí hiện đại như tàu tuần tra lớp Gowind, pháo tự hành CAESAR hay tên lửa Exocet, VL-MICA...
Với động thái mới nhất, liệu La Fayette có lọt vào "mắt xanh" của Việt Nam, đặc biệt khi vũ khí Pháp rất hay giành được hợp đồng lớn sau khi trải qua thực chiến (trường hợp tên lửa Exocet hay tiêm kích Rafale), câu trả lời sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới.