Sau phiên tòa, các chiến sĩ công an phải một phen vất vả mới đưa được Minh lên xe để trở về trại giam.
Hôm nay (9.4), Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại TPHCM trong phiên xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù đối với Trần Văn Minh (51 tuổi, quê Hải Dương) về tội “giết người”.
Theo cáo trạng, ngày 2.10.2009, Minh đến thuê phòng trọ số 1 ở phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM) của bà Trang Thị Mỹ Lệ. Hôm sau, Minh ra quán tạp hóa mua 6 chai bia về phòng trọ uống.
Chiều cùng ngày, Huỳnh Tấn Thiện (con trai bà Lệ) đến phòng chị N.T.A.N (người thuê phòng trọ số 3) ngồi chơi. Sau khi “cưa” hết mấy chai bia, lợi dụng lúc anh Thiện vào rửa mặt trong nhà vệ sinh thì Minh bất ngờ nổi cơn “dê xồm”, xông đến ôm chặt chị N.
Đang rửa mặt thì anh Thiện nghe tiếng chị N phản ứng với Minh nên chạy ra để can thiệp. Bị "quê độ", Minh đi về phòng trọ của mình, vừa đi vừa chửi bới ồn ào cả xóm trọ.
Nghe tiếng ồn ào do Minh gây ra, bà Lệ khuyên bảo Minh rồi nói là lên gác ngủ đi. Khi bà Lệ vừa quay lưng đi thì nghe tiếng chị N kêu lên là Minh đã đâm chết anh Thiện rồi. Vừa nghe tiếng kêu của chị N thì bà Lệ thấy Minh toan bỏ chạy nên bà lao đến xô ngã Minh xuống đất, hô hoán mọi người xung quanh bắt giữ Minh để giao công an.
Trên đường bị dẫn giải đến cơ quan công an, y liên tục hô hoán, chống cự hòng trốn thoát. Thấy thái độ chống đối quyết liệt của y, một số người dân đã đánh y, gây thương tích 36% vĩnh viễn.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra thì Minh có phục vụ trong ngành công an 17 năm, sau đó vi phạm rồi bị tước quân tịch. Khi gây án, y đang làm bảo vệ cho một siêu thị trên địa bàn TPHCM.
Tại phiên toà phúc thẩm, Minh lại liên tục kêu oan, tự mình tranh luận trước tòa. Khi bị HĐXX đưa ra những chứng cứ buộc tội thì Minh nói rằng mình bị ép cung. Tuy nhiên, với những nhân chứng, vật chứng và kết quả của cơ quan điều tra đã chứng minh rằng bị cáo Minh đã phạm tội “giết người”.
Khi tòa tuyên bác đơn kháng cáo kêu oan, giữ nguyên án sơ thẩm thì Minh lại quay ra chống đối với lực lượng dẫn giải, làm cho các chiến sĩ công an phải một phen vất vả mới đưa được y lên xe để trở về trại giam.