Hai bị can Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú tại phường Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đưa ra xét xử tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
2 bị cáo trước vành móng ngựa.
Sáng nay, đại diện của bị hại Trần Thị Thu Hà (26 tuổi, quê Phú Thọ - mẹ cháu bé Phạm Gia Bảo) có mặt tại phiên tòa. Bố của bị hại Vũ Xuân Trường (31 tuổi, quê Tuyên Quang) tiếp tục vắng mặt.
Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Phạm Thị Nguyệt khai, quen biết Nguyễn Thị Thanh Trang vào tháng 8/2012, đó là thời điểm Nguyệt đưa một cháu bé bị nhiễm HIV vào gửi nhờ ở chùa Bồ Đề.
Cuối năm 2013, trong một lần trao đổi, Nguyệt có nhờ Trang tìm giúp cho “chị gái” là Đặng Thị Hương Giang một cháu trai khỏe mạnh.
Một thời gian sau, Trang thông báo về trường hợp cháu Phạm Gia Bảo - được một người làm thiện nguyện ở chùa Bồ Đề nhận làm con nuôi và đặt tên là Cù Nguyên Công.
Theo lời khai của Nguyệt, trường hợp của cháu Bảo đã được sự đồng ý của mẹ đẻ, đồng thời cháu bé cũng không được ghi tên vào sổ theo dõi của chùa Bồ Đề.
Ngày 1/1/2014, Nguyệt nhờ chị Hương Giang tiếp nhận cháu Gia Bảo khi cháu bé được đưa về gia đình của Trang tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Khi tiếp nhận cháu Gia Bảo, Nguyệt không làm bất kỳ thủ tục pháp lý gì mà chỉ cầm một tờ giấy xác nhận cho con của chị Trần Thị Thu Hà - mẹ cháu Gia Bảo.
Nguyệt cho hay, chị ta hoàn toàn không biết và không có bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với chị Trần Thị Thu Hà.
“Nuôi cháu Phạm Gia Bảo được 1 tháng, bị cáo mới biết chị Hà”, Hà khai.
Theo hồ sơ vụ án, ngoài cháu Phạm Gia Bảo được Nguyệt nhận nuôi từ tháng 1/2014, bị cáo này còn nhận nuôi 2 cháu nhỏ tên Phạm Đức Anh (nhận nuôi từ tháng 1/2012) và Phạm Gia Hân (nhận nuôi từ tháng 6/2013).
Bị cáo Nguyệt
Về việc nhận nuôi trẻ, trả lời HĐXX, Nguyệt khai rằng, do xuất phát từ cái “tâm” thương trẻ bị bỏ rơi.
Lúc này, chủ tọa đặt câu hỏi dồn dập, việc nhận nuôi trẻ bị cáo lấy đâu tiền trang trải cuộc sống? Nguyệt khai rằng, ngoài buổi sáng bán hàng, buổi tối chị ta còn nhận hàng quần áo về may.
Thu nhập mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhờ sự giúp đỡ của bạn trai.
Điều đáng ngạc nhiên, khi công bố hồ sơ vụ án tại tòa, HĐXX cho biết, Nguyệt còn có 2 con đẻ với người chồng không đăng ký kết hôn.
Sống với nhau có 2 mặt con, năm 2000, Nguyệt bỏ đi, hai đứa con phải về ở với bà nội.
Năm 2011, bố mất, hai con của Nguyệt lại về ở với bà ngoại. Suốt thời gian đó cho đến nay, Nguyệt không hề chu cấp gì cho các con.
Ngoài ra, HĐXX vặn hỏi về việc Nguyệt sinh năm 1970, khai sinh với cái tên Phạm Thị Tân Nguyệt, đến năm 2011, Nguyệt đi làm lại chứng minh nhân dân với tên Phạm Thị Nguyệt và năm sinh là… 1979.
Đáng chú ý, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2012 - 2014, bị cáo khai sống với hai người đàn ông.
Cụ thể là ông Phạm Văn H. và Nguyễn Văn V. Bị cáo Nguyệt khai sống chung với ông H. từ năm 2012, đến năm 2014 chị ta kết hôn với Nguyễn Văn V. Chị ta cho rằng, đấy là một phút nông nổi.
Trước tòa, hai người “chồng hờ” của Nguyệt là anh Nguyễn Văn V. và Phạm Đức H. đều thừa nhận do mình quá tin tưởng nên đã để Nguyệt lừa dối.
Ở với ai, Nguyệt đều nói những đứa trẻ mình nuôi là con của họ, từ đó buộc hai anh V. và H. phải gửi tiền để Nguyệt chăm các con.
“Màn kịch” của Nguyệt khá hoàn hảo vì cả hai người “chồng hờ” của Nguyệt thường xuyên đi công tác vắng nhà.
Nguyệt dựng chuyện mình mang bầu, rồi đẻ con nhưng không cho hai anh này về gặp vì “đỡ các anh phải đi lại khó khăn”.
Sau những khoảng thời gian đi công tác về, nghe Nguyệt nói đó là con mình, cả hai người đàn ông chưa vợ, chưa con này đều gật đầu tin tưởng, hàng tháng chu cấp tiền để Nguyệt nuôi con.
Được nêu đề nghị của mình trước tòa, anh V. và anh H. đều mong muốn HĐXX giúp mình “đòi lại” số tiền đã gửi cho Phạm Thị Nguyệt.
Phiên toà sẽ tiếp tục vào ngày mai.