“Rối” ngay trước khi xét xử
Với chức danh Giám đốc Phòng giao dịch, chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, bằng thủ đoạn rất đơn giản là giả chứng từ. Đã qua hơn 2 năm, từ khi khởi tố, đến nay vụ án bắt đầu được đưa ra xét xử với rất nhiều vấn đề pháp lý còn đang tranh cãi, nhiều vấn đề dư luận đặt ra chưa được giải đáp như: Huyền Như có phạm tội tham ô không, Huyền Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng nơi Huyền Như làm việc, tại sao Huyền Như dễ dàng rút tiền như vậy, tiền chiếm đoạt được đi đâu, đã thu hồi triệt để chưa …?
Phiên tòa sơ thẩm được bắt đầu từ ngày 06/01/2014. Tuy nhiên, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân TP.HCM, các cá nhân, tổ chức gửi tiền vào Ngân hàng Công thương trong vụ án đều được xác định là nguyên đơn dân sự, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền. Ngân hàng Công thương, là đơn vị bị nhiều tổ chức yêu cầu phải chịu trách nhiệm, phải hoàn trả tiền, là nơi mà Huyền Như thực hiện hầu hết hành vi phạm tội thì được xác định tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do được Huyền Như chi trả tiền.
Dưới đây là quan điểm riêng của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, người có rất nhiều kinh nghiệm về thực tiễn và lý luận trong lĩnh vực này:
Huỳnh Thị Huyền Như có phạm tội tham ô không?
Trong vụ án này, các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như làm giả giấy tờ để họ chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ định của Như, sau đó Như chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Cáo trạng truy tố là chính xác.
Tuy nhiên, đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại Ngân hàng Công thương từ một hợp đồng hợp pháp. Sau đó, Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ Ngân hàng Công thương thì hành vi của Huyền Như không là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà hành vi này có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Bởi lẽ:
Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nói chung và Ngân hàng Công Thương nói riêng, thì Ngân hàng Công thương phải có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng khoản tiền này và có nghĩa vụ trả gốc, lãi cho khách hàng theo thỏa thuận với khách hàng.
"Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản", ông Đinh Văn Quế cho biết.
Ngân hàng Công Thương là doanh nghiệp vốn chủ yếu của Nhà nước; Huyền Như được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Công Thương, có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ. Do có chức vụ, quyền hạn này nên đương nhiên Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Ngân hàng Công thương.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm,lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội tham ô tài sản. Tham ô chính là “trộm cắp, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm...chiếm đoạt tài sản” của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý.
Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng công thương do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội tham ô tài sản, chứ không phải là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản.
Về tư cách nguyên đơn và trách nhiệm dân sự của ngân hàng
Huyền Như bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có tiền của nhiều khách hàng gửi vào Ngân hàng Công Thương, theo hợp đồng tiền gửi.
Theo pháp luật dân sự cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sau khi số tiền này gửi vào tài khoản của Ngân hàng Công Thương tuy chủ sở hữu vẫn là khách hàng gửi tiền, nhưng quyền quản lý (chiếm hữu và sử dụng) thuộc Ngân hàng Công Thương chứ không thuộc khách hàng gửi tiền nữa.Ngân hàng Công Thương phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro về tiền gửi của khách. Nếu số tiền này bị người khác chiếm đoạt thì Ngân hàng Công Thương là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và tham gia tố tụng với tư cách là “nguyên đơn dân sự”.
"Nếu phần dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì Ngân hàng Công Thương tham gia với hai tư cách: là nguyên đơn dân sự đối với hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời là bị đơn dân sự đối với khách hàng có tiền gửi vào Ngân hàng Công thương bị Huyền Như chiếm đoạt", ông Đinh Văn Quế nói.
Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 04/VKSTC-V1 Ngày 23/02/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã khẳng định:“Với việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý đối với số tiền này thuộc về Ngân hàng Công Thương”. Khẳng định này là chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với quy định của luật dân sự và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Nếu Ngân hàng Công Thương để người khác chiếm đoạt hoặc bị thất thoát số tiền này thì Ngân hàng Công Thương phải bồi thường cho khách hàng.
Trong trường hợp này, nếu phần dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự thì Ngân hàng Công Thương tham gia với hai tư cách: là nguyên đơn dân sự đối với hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời là bị đơn dân sự đối với khách hàng có tiền gửi vào Ngân hàng Công thương bị Huyền Như chiếm đoạt. Lúc này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tiền gửi vào Ngân hàng Công thương trở thành nguyên đơn dân sự đối với bị đơn dân sự là Ngân hàng Công Thương.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì Ngân hàng Công thương là một pháp nhân, các Văn phòng đại diện, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng Công thương có nhiệm vụ đại diện của Ngân hàng Công thương.Ngân hàng Công thươngcó các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh xác lập, thực hiện. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.Việc cho rằng Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm đối với số tiền mà khách hàng gửi vào hệ thống ngân hàng là trái pháp luật, gây mất lòng tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng, gây hoang mang, lo ngại cho khách hàng khi có gửi tiền vào ngân hàng.
Về việc thu hồi tiền do Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt
Số tiền gần 5.000 tỷ đồng Huyền Như đã chiếm đoạt là vật chứng của vụ án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì vật chứng phải được thu hồi kịp thời, đầy đủ; vật chứng là tiền bạc thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt thì trả lại cho chủ sở hữu.
Mọi giao dịch về số tiền gần 5.000 tỷ đồng sau khi Huyền Nhưđã chiếm đoạt đều là giao dịch bất hợp pháp, số tiền bị Huyền Nhưchiếm đoạt dù đem trả nợ ngân hàng, trả nợ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, thậm chí dùng tiền đó làm từ thiện thì đều phải được thu hồi trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Theo Cáo trạng (trang 3), trong tổng số tiền mà bị cáo Huyền Như chiếm đoạt, Như đã trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân là 1.262.674.060.000 đồng (Phụ lục 2 phần II); trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân là 42.606.893.666 đồng (Phụ lục 2 phần III); trả nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng, ngoài hợp đồng cho 4 công ty là 925.057.113.2914 đồng (Phụ lục 1), còn 1.240.963.608.194 đồng Như khai trả tiền mặt cho các đối tượng cho vay lãi nặng khác và các đối tượng nhận tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, chi tiêu cá nhân. Nếu kết luận này là chính xác thì việc thu hồi không phải không thực hiện được, vì các khoản huy động và chi trả đều có địa chỉ và được lưu trên hệ thống ngân hàng. Cơ quan điều tra chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi vật chứng ở các địa chỉ đã được xác định là chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
"Việc cho rằng Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm đối với số tiền mà khách hàng gửi vào hệ thống ngân hàng là trái pháp luật, gây mất lòng tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng, gây hoang mang, lo ngại cho khách hàng khi có gửi tiền vào ngân hàng", ông Đinh Văn Quế.
Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao)