Vườn cần sa tươi tốt giữa Sài Gòn: Chỉ xử phạt hành chính

Việt Văn |

(Soha.vn) - Liên quan đến khu vườn cần sa tươi tốt giữa Sài Gòn, ngày 17/6, Công an quận Thủ Đức cho biết chỉ xử phạt hành chính đối với ông Đoàn Minh Hùng (55 tuổi, ngụ Thủ Đức).

Thông tin trên được một vị lãnh đạo Công an quận Thủ Đức xác nhận, vì cho rằng ông Hùng chỉ mới vi phạm lần đầu. Đồng thời, công an quận cũng đang tiến hành điều tra làm rõ đối tượng đã cung cấp hạt giống cho ông Hùng trồng.

Như chúng tôi đã thông tin, khoảng 14h chiều 11/6, qua tuần tra địa bàn, Công an phường Hiệp Bình Phước phát hiện tại bãi đất trống trong phần đất thổ mộ của ông Đoàn Minh Hùng (cuối con hẻm 716 QL13, khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước) có trồng hàng chục cây cần sa tươi.

Do ông Hùng vi phạm lần đầu nên công an chỉ xử phạt hành chính.

Do ông Hùng vi phạm lần đầu nên công an chỉ xử phạt hành chính sau khi phát hiện khu vườn nhà ông này trồng cần sa

Sau đó, công an kiểm tra và phát hiện tại bãi đất này, ông Hùng đã trồng 26 cây cần sa, trong đó có những cây cao đến gần 2,5m. Ngoài ra, công an cũng phát hiện trong nhà ông Hùng có 11 cây cần sa khô đã thu hoạch. Do đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn số cần sa trên để tiến hành xử lý.

Theo lời khai của ông Hùng tại cơ quan công an, ông Hùng khai nhận vì do bị bệnh đau dạ dày và thấp khớp từ nhiều năm nên đã mua hạt cần sa từ một người dân tộc (chưa rõ lai lịch), rồi đem về trồng tại mảnh đất này với mục đích trị bệnh.

Liên quan đến việc ông Hùng chỉ bị xử lý hành chính, theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng văn phòng luật sư Thạch Thảo cho biết, với hành vi của ông Đoàn Minh Hùng như báo chí đã thông tin, căn cứ vào điều 192 BLHS hiện hành thì ông Hùng chỉ bị xử lý hành chính là đúng.

“Với hành vi mới lần đầu vi phạm và mục đích trồng là để chữa bệnh cho cá nhân mình, không nhằm mục đích kinh doanh lợi nhuận thì trong trường hợp này các cơ quan chức năng có thể tiêu huỷ và tiến hành nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ do hành vi của đối tượng thực hiện”, luật sư Thảo nhận định.

Trong vụ việc này, luật sự Thảo cũng cho rằng trách nhiệm hình sự của người cung cấp hạt giống cho ông Hùng trồng cũng được xem xét: “Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS”.

Theo qui định của pháp luật hình sự hiện hành thì hành vi trồng cây thuốc phiện sẽ bị điều chỉnh bởi điều 192 BLHS, cụ thể như sau:

Điều 192. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Tái phạm tội này.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

 

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

 

Và theo thông tư liên tịch số 17/2007/ TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192):

1.1. “Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.

1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 192 của BLHS là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).

1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.

1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại