Vụ kiện đòi nhà cho thuê tại 79 Tây Sơn: Kháng nghị bất thường của Viện kiểm sát cấp cao

Hà Châu |

Mặc dù các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên buộc bị đơn phải trả lại nhà cho nguyên đơn tại 79 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, nhưng bản án sau nhiều năm vẫn không được thi hành.

Mòn mỏi chờ công lý được thực thi

Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thu Vững (SN 1953, trú tại 75 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) cùng người thân bức xúc cho biết là đã mệt mỏi, dần mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật trong vụ án mà bà và người thân theo đuổi hơn 8 năm nay.

Theo bà Vững trình bày thì nhà đất tại số 79 phố Tây Sơn có nguồn gốc là của ông Ngô Đức Hiển. Năm 1951 bố bà là ông Nguyễn Văn Sửu thuê ngôi nhà này của ông Hiển để ở.

Quá trình ở đó, nhà bị xuống cấp do chiến tranh, bố bà Vững có xây dựng, sửa chữa để ở, vấn đề này được chính người chủ cũ khi giao đất đã khẳng định trong hồ sơ rằng:” Nhà ở trên đất là do cụ Sửu xây dựng để ở và đề nghị cơ quan Nhà nước xem xét..”.

Năm 1963 thực hiện chính sách cải tạo quản lý nhà đất theo Thông tư 73/TTg của Chính phủ, ông Hiển đã hiến ngôi nhà này cho Nhà nước quản lý. Ngày 21/5/1963 bố bà Vững là ông Nguyễn Văn Sửu đã có đơn xin sử dụng căn nhà trên (nay là 79 Tây Sơn) và được Sở Quản lý nhà đất Hà Nội (cũ) phê duyệt, xác định rõ chủ sở hữu là ông Nguyễn Văn Sửu.

Năm 1955 bố mẹ bà Vững thương gia cảnh nghèo khó không có chỗ ở của người bạn tên là Ngô Gia Hồng nên cho gia đình ông Hồng đến ở nhờ một phần ngôi nhà cùng với gia đình.

Trong thời gian này, bố của Nguyên đơn cùng họ hàng là người dân lao động đã dành góp mua được một ngôi nhà nhỏ tại 75 phố Tây Sơn.

Đến năm 1963 thì cả gia đình chuyển dần đồ đạc sang nhà số 75 Tây Sơn, sau khi Nhà nước giao sử dụng được 1 năm ( 14/7/1964) thì bố của Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Sửu cùng với bố của Bị đơn có làm Đơn xin thuê và thuê lại nhà gửi tới Phòng quản lý nhà cửa Hà Nội, đơn này có chữ ký của cả hai bên và được chấp nhận.

Sau khi đã có văn bản cho thuê nhà được chính quyền chấp nhận, gia đình bà mới chuyển hẳn về nhà 75 phố Tấy Sơn. Chứng cứ này do Tòa án tự thu thập nên khách quan, xác thực và hợp pháp.

Sau đó bố mẹ bà Vững có thu tiền thuê nhà của gia đình ông Ngô Gia Hồng nhưng với số tiền rất ít vì thương gia cảnh của bạn nghèo khó.

Văn bản của TAND Tối cao khẳng định không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm
Văn bản của TAND Tối cao khẳng định không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm

Đến năm 1989 ông Ngô Gia Hồng mất và con trai ông Hồng là Ngô Gia Lâm tiếp tục sinh sống ở ngôi nhà thuê trên.

Sau năm 2001, do có nhu cầu lấy lại chỗ ở, bà Vững và người thân trong gia đình yêu cầu ông Ngô Gia Lâm trả lại nhà đất nhưng ông Lâm từ chối mặc dù trong các văn bản có xác nhân của UBND phường Quang Trung hay giữa hai gia đình ông Lâm đều thừa nhận và ghi rõ, ký xác nhận:’Ngôi nhà 79 Phố Tây Sơn là của Bố tôi thuê của ông Nguyễn Văn Sửu, sau này ông Sửu cho tôi ở nhờ, gia đình tôi có sửa chữa, cải tạo để sử dụng”.

Không còn cách nào khác, năm 2008 các con của ông Nguyễn Văn Sửu khởi kiện ra tòa, đòi lại nhà đất tại 79 Tây Sơn và được TAND quận Đống Đa thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên, phải mất tới 6 năm xác minh nguồn gốc, căn cứ pháp lý nhà đất tại 79 Tây Sơn và đến đầu năm 2014 vụ án mới được đưa ra xét xử.

Rất nhiều văn bản trả lời tòa án sau đó của Sở TNMT Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đều khẳng định rõ là: “nhà đất tại 49 Thái Hà ấp cũ, nay là 79 Tây Sơn có trong danh sách diện Nhà nước quản lý theo Thông tư 73/TTg, ông Ngô Đức Hiển có đơn giao qua Nhà nước quản lý; Ông Nguyễn Văn Sửu được Sở quản lý nhà đất Hà Nội duyệt cho sử dụng, quản lý vào ngày 31/7/1963, trên đất có Bất động sản là 01 Nhà gạch, 01 nhà gạch lợp lá của ông Nguyễn Văn Sửu”.

Từ các căn cứ pháp lý hợp pháp, tại bản án số 01/2014/DSST (ngày 25/3/2014) của TAND quận Đống Đa đã buộc ông Lâm và những người đang sử dụng nhà đất tại số 79 Tây Sơn phải trả lại toàn bộ nhà đất (diện tích 53,85 m2) cho các con của ông Sửu là bà Nguyễn Thu Vững, Nguyễn Thị Cư, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Thị Kỷ. HĐXX cũng xác định giá trị ngôi nhà này là trên 53 triệu đồng.

Không chấp nhận phán quyết trên, ông Lâm có kháng cáo. Ngày 3/7/2014 TAND Hà Nội xử phúc thẩm vụ án này.

Với những căn cứ pháp lý vững chắc về nguồn gốc nhà 79 Tây Sơn được các cơ quan hữu trách về quản lý nhà đất của Hà Nội xác nhận, HĐXX cấp Phúc thẩm tuyên buộc ông Lâm và những người đang sử dụng nhà đất cùng những người có tên trong hộ khẩu thường trú tại 79 Tây Sơn phải chuyển đi để trả lại toàn bộ nhà đất tại địa chỉ trên cho nguyên đơn.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Vững và những người con khác của ông Nguyễn Văn Sửu bức xúc cho biết là họ đã rất vui mừng khi sau gần chục năm trời theo kiện, bằng các bản án đúng pháp luật, minh bạch họ có thể đòi lại được tài sản chính đáng của cha ông.

Nhưng sau bản án phúc thẩm đến nay có tới 6 lần tạm hoãn thi hành án vì những lý do “trên trời rơi xuống” của các cơ quan thực thi pháp luật. “Điều này đang làm cho người dân chúng tôi hoang mang, mất lòng tin”- bà Vững bức xúc nói.

Và bản kháng nghị bất thường

Cụ thể, khi cơ quan thi hành án quận Đống Đa đang làm các thủ tục thi hành bản án trên thì ngày 25 tháng 7 năm 2015 TAND Tối cao đã có Công văn đề nghị hoãn thi hành án gửi tới Chi cục Thi hành án quận Đống Đa để có thời gian xem xét Đơn khiếu nại của Bị đơn là ông Ngô Gia Lâm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các Đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau gần 1 năm nghiên cứu hồ sơ một cách thấu đáo, khách quan và đúng pháp luật, cũng từng ấy thời gian mà từng ngày các con của ông Nguyễn Văn Sửu mòn mỏi chờ công lý được thực thi, ngày 25/1/2016 TAND Tối cao có Thông báo số 19 do Thẩm phán Trần Văn Cò, Thừa Lệnh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ký về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bị đơn Ngô Gia Lâm.

Bản kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Hà Nội được ký chỉ sau 01 ngày sau khi TAND Tối cao có văn bản trả lời bị đơn là không có căn cứ để kháng nghị Giám đốc thẩm
Bản kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Hà Nội được ký chỉ sau 01 ngày sau khi TAND Tối cao có văn bản trả lời bị đơn là không có căn cứ để kháng nghị Giám đốc thẩm

Tại văn bản này, TAND Tối cao khẳng định: “Ngày 4/7/1963 cụ Sửu có Giấy xin sử dụng đất và ngày 31/7/1963 Sở Quản lý nhà đất Hà Nội đồng ý cho cụ Sửu được sử dụng nhà đất là thể hiện Nhà nước đã trực tiếp quản lý đất đai và phân phối sử dụng đất, giao cho cụ Sửu là người đang trực tiếp sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất để ở theo Thông tư 73/TTg của Chính phủ là đúng đối tượng người được sử dụng.

Việc tòa án cấp Sơ thẩm và Phúc thẩm buộc gia đình ông (Ngô Gia Lâm) phải giao trả căn nhà này cho đồng nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”.

“TAND Tối cao xét thấy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên (bản án phúc thẩm của TAND Hà Nội tuyên buộc ông Ngô Gia Lâm phải trả lại nhà tại 79 Tây Sơn, PV) ”- văn bản số 19 ghi rõ.

Nhưng tưởng sau văn bản này thì công lý sẽ được thực thi thì niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau đó một ngày, ngày 26/1/2016 vụ án này một lần nữa bị "phanh" lại bởi kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (VKSND).

Theo đó, ngày 26/1/2016, ông Lê Hồng Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội ký kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2016/KN-DS đối với bản án phúc thẩm của vụ án 79 Tây Sơn.

Kháng nghị này đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận Đống Đa và bản án phúc thẩm của TAND Hà Nội, giao hồ sơ cho TAND quận Đống Đa giải quyết sơ thẩm lại theo quy định.

Tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Nói về kháng nghị này của VKSND Cấp cao tại Hà Nội, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định là có dấu hiệu bất thường, không minh bạch.

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp thì: “Khi TAND Tối cao đã rút hồ sơ để xem xét thì VKSND Cấp cao không có hồ sơ vụ án, tôi quá ngạc nhiên vì tại sao chỉ cần có 1 lá đơn trong hồ sơ kiểm sát mà có thể hoãn trong khi có hàng chục ngàn vụ án khác đã quá lâu mà chưa được xem xét, đây là vấn đề bất thường và chưa có tiền lệ khi VKS và TAND chỉ có 3 cấp như trước đây.

Đồng thời văn bản yêu cầu hoãn Thi hành án đó lại ký trước khi Quyết định cưỡng chế lần thứ 6 đã được Chi cục Thi hành án và các cơ quan khác với gần 200 con người đã tiến hành họp bàn kế hoạch rất nhiều lần và ấn định ngày cưỡng chế là ngày 17/11/2015, nhưng thời gian mà Chi cục Thi hành án nhận được văn bản chỉ 1 ngày trước khi cưỡng chế.

Nay TAND Tối cao đã trả lời là không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm theo đơn khiếu nại của bị đơn vậy tại sao chỉ sau 01 ngày VKSND Cấp cao tại Hà Nội lại ra được kháng nghị nhanh như vậy?”.

Theo luật sư phân tích thì trong công văn trả lời bị đơn (số 19/TANDTC-VGĐKT II) TAND Tối cao đã xác định rõ việc thực hiện chính sách đất đai là đúng đối tượng, phù hợp với các quy định của pháp luật, không có căn cứ để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm.

“Kháng nghị ngày 26/1/2016 của VKSND Cấp cao tại Hà Nội là bất thường, vô lý và không đúng pháp luật, không đúng với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, sao chép gần như toàn bộ nội dung trình bày của bị đơn là ông Ngô Gia Lâm tại bản án sơ thẩm cũng như kháng cáo của ông Lâm tại cấp phúc thẩm.

Trong kháng nghị chỉ kháng nghị về nội dung mà không kháng nghị về phần tố tụng, đồng thời đưa ra các yêu cầu không có tiền lệ và không phù hợp pháp luật về đất đai. Nội dung kháng nghị mâu thuẫn, không nhất quán, sai trái với sự thật khách quan của vụ án và không đúng pháp luật.

Nghị quyết số 23/2003/QH11 đã quy định rất rõ là :”Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày1/7/1991.

Nếu nhận thức sai như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, tức là sẽ xét lại lịch sử, điều này gây bất ổn xã hội nghiêm trọng. ” – luật sư Thiệp nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại