Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) mới nhận được một chai Trà xanh 0 độ.
Chai nước còn nguyên nắp, có nhiều váng lợn cợn dù hạn sử dụng của nó vẫn còn đến tháng 10/2016.
Anh Công sẽ tư vấn cho người mang đến cách xử lý vụ việc, được đúc rút từ vụ án "con ruồi nửa tỷ" mà anh đã theo dõi rất kỹ từ khi nó diễn ra cho đến bây giờ.
Luật sư Nguyễn Thành Công đang chụp lại chai nước có lợn cợn
Và đây là quan điểm của anh Công, về vụ án "con ruồi nửa tỷ"
Hình sự hoá dân sự
Theo công bố tại phiên xét xử, kết luận giám định không xác định được nguyên nhân có con ruồi trong chai nước.
Nói khác, không có cơ sở để kết luận con ruồi có phải do Minh bỏ vào chai nước hay không.
Đây là điểm cơ bản để xác định là “thủ đoạn” nhằm uy hiếp tinh thần người khác trong tội danh cưỡng đoạt tài sản quy định tại Đ.135 BLHS.
Việc Minh nói rằng sẽ phát 5.000 tờ rơi và đưa thông tin đến báo chí mà CQĐT lẫn VKS, Tòa án xác định đây là hành vi đe dọa là chưa thỏa đáng.
Việc đưa thông tin đến báo chí nếu muốn đăng tải thì cơ quan báo chí có Luật báo chí điều chỉnh nên chắc chắn biết phải thực hiện các thủ tục nào để truyền thông nội dung này đến công chúng.
Vì vậy không thể xem lời nói đưa thông tin đến báo chí là sự đe dọa của Minh đối với THP.
Bởi cứ đưa thông tin đến báo chí là hành vi đe dọa người khác thì báo chí trở thành “ông kẹ” hay “xã hội đen” trong quan hệ với xã hội?
Còn việc nói phát 5.000 tờ rơi thì cũng chỉ là lời nói và chưa có cơ sở để xác định Minh có làm hay không trong thực tế.
Như vậy kết luận của các cơ quan tố tụng khi quy kết Minh thực hiện sự đe dọa bằng 2 ý trên là không đúng quy định về xác định cấu thành tội phạm về hành vi khách quan trong tội danh này.
Minh là người đang sở hữu chai nước có con ruồi thì được xem là chủ sở hữu tài sản và được quyền bán chai nước đó với giá bất kỳ.
THP mua chai nước với giá trị nào thì đó là sự thỏa thuận dân sự căn cứ trên ý chí của các bên.
Bản chất của việc THP mua chai nước là nhằm mua sự “im lặng” của Minh, đây là ý nghĩa sâu xa mà bên mua mong muốn đạt được.
Phục vụ cho mục đích nào của bên mua đi nữa thì bên bán cũng không có nghĩa vụ phải biết.
Như vậy rõ ràng giao dịch của hai bên là thuận mua vừa bán, thỏa mãn quy định của pháp luật dân sự về thỏa thuận giao dịch dân sự hợp pháp.
Còn xem xét ở góc độ nghiêm khắc hơn, việc đe dọa phát hành 5.000 tờ rơi có thể xem là vi phạm nguyên tắc trấn áp lý trí bằng đe dọa để bên kia phải chấp nhận giao dịch, vi phạm vào Đ.132 BLDS - giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa.
Thực tế hiện đang có thông tin thêm về vụ của bà Hà tại Trảng Dài, Biên Hòa cũng bị CA bắt quả tang khi THP giao tiền nhưng sau đó không bị truy cứu TNHS do có đủ cơ sở xác định giữa hai bên là giao dịch dân sự theo văn bản của Công An Tp.Biên Hòa.
Về tổng thể, hai vụ việc này hoàn toàn giống nhau nhưng cách giải quyết thì khác nhau do có bên thứ 3 là Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai nên đã “minh bạch” hơn trong yêu cầu từ người bị hại là bà Thu Hà.
Về phía THP, cũng với cách chấp nhận đàm phán và hỗ trợ tiền cho người đang sở hữu các sản phẩm có lỗi rồi báo CA để bắt quả tang. Rõ ràng hành vi này là sai trái, vi phạm pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh.
Chai nước đã có nhiều lợn cợn dù hạn sử dụng còn đến 11 tháng
Có dấu hiệu "sai dây chuyền"?
Trở lại vụ án của Minh, vì việc hình sự hóa quan hệ dân sự nên khi CQĐT bắt quả tang và khởi tố vụ án với các dấu hiệu nêu trên là chưa đúng theo quy định của pháp luật về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.
Việc bắt quả tang qua sự bố trí lực lượng công an khi hai bên thực hiện giao dịch giao tiền và giao chai nước về phía Cơ quan chức năng là không sai vì hoạt động này được thực hiện theo sự tố cáo của THP, vào thời điểm đó họ tự xác định là bị hại.
Vì vậy họ sẽ có sự tố cáo, trình bày khác với thực tế khách quan diễn biến vụ việc nên CQĐT theo sự tố cáo ấy mà thực hiện việc bắt quả tang.
Tuy nhiên sau đó, khi đã tập hợp đầy đủ các thông tin liên quan để chuẩn bị cho việc khởi tố thì CQĐT phải xác định lại trên cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu theo quy định pháp luật về tội danh, hành vi khách quan và cấu thành tội phạm.
Rõ ràng ở đây, phía CQĐT đã đánh giá và nhận định không đúng để thực hiện việc khởi tố vụ án và VKS đã phê chuẩn quyết định khởi tố cũng không đúng, tất nhiên phía Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử với bản án khẳng định hành vi của Minh là tội phạm đã đánh giá sai.
Rõ ràng ở đây, nếu phía CQĐT đã đánh giá và nhận định không đúng để thực hiện việc khởi tố vụ án và VKS căn cứ vào đánh giá đó nên đã phê chuẩn quyết định khởi tố cũng không đúng, và cuối cùng là phía Tòa án cấp sơ thẩm cũng đánh giá sai.
Nếu toàn bộ quy trình giải quyết của vụ án này là sai như nhận định chủ quan của tôi thì sẽ “phiền phức” đến rất nhiều các cơ quan tố tụng.
Tất cả đang chờ đón kết quả của phiên tòa Phúc thẩm và cũng có thể từ cấp Cơ quan bảo vệ pháp luật cao hơn với nhận định toàn diện, đúng pháp luật, đúng các nguyên tắc xác định tội phạm và quan hệ dân sự.
Câu chuyện có thể rất dài và có nhiều “đáp án” khác nhau nhưng điều quan trọng ở góc độ doanh nghiệp đang vướng khủng hoảng thì THP sẽ và phải vượt qua khủng hoảng bằng cách nào là sự khéo léo và bản lĩnh của những người đứng đầu.
Về phía người dân thì rất cần tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật cơ bản để ứng phó phù hợp với tình huống mà mình đối diện. Đặc biệt không nên giải quyết sự vụ theo cách bất hợp pháp mà có thể chuốc họa vào thân.
Chúng ta có thể đặt ra vấn đề, nếu giao dịch của Minh và THP hoàn thành, Minh có số tiền 500 triệu, THP quẳng chai nước vào sọt rác thì liệu trong lô hàng với cả triệu chai nước khác từ THP có an toàn cho sức khỏe của người dùng?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hậu quả mà nguyên nhân là từ các chai nước kia?