Ông nghĩ sao về bản án mà TAND TP Tuy Hòa vừa tuyên vào chiều 3-4?
Khi HĐXX tuyên án, gia đình người bị hại có phản ứng, la ó không đồng tình, nhất là phần bồi thường dân sự. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng có vẻ không đồng tình. Dư luận đa chiều, chỗ nói nhẹ, chỗ bảo xử vậy là vừa. Vụ án này hết sức phức tạp, nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực.
Mục tiêu của việc xét xử là ra một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bản án này có đáp ứng được những điều đó không?
Nghiêm minh không có nghĩa là xử nặng. Nghiêm minh là đúng pháp luật. Quan điểm tội này tội kia giữa viện và tòa, có sự ràng buộc, khống chế nhau, tòa xử trong phạm vi truy tố. Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?).
Vậy theo ông, bản án của vụ án 5 công an dùng nhục hình gây chấn động này có nghiêm minh?
Tôi nói rồi, với người này thì cho là nghiêm, người kia cho là vừa, người khác lại nói nhẹ. Về dư luận, tôi thấy vụ này vậy là cũng được chứ không đến nỗi. Thật ra, tại tòa có một vài vấn đề, ví dụ bị cáo Thành khai đánh 2-3 cái mà đầu Ngô Thanh Kiều tới 11 vết thương, vậy những vết thương đó do ai gây ra? Tòa trả hồ sơ rồi mà họ đâu có làm ra. Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt. Cái này mình đã trả rồi mà người ta (VKSND TP Tuy Hòa - PV) không làm thì chỉ xử theo truy tố đó thôi. Ôm rơm nặng bụng.
TAND TP Tuy Hòa đã từng trả hồ sơ để đề nghị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” nhưng vì VKSND không đồng ý nên tòa không xử tội này. Sao không trả hồ sơ nhiều lần như quy định pháp luật để làm rõ tội danh?
Theo nguyên tắc, nghiên cứu kỹ rồi trả một lần. Trả tối đa 2 lần, cái nào trả rồi người ta không làm thì thôi. VKSND không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của VKS, chứ chuyện gì phải căng thẳng. Có nguyên tắc là làm việc mà không hài lòng thì kiến nghị lên cấp trên để xử lý, còn cấp trên nữa mà. Vụ này nhạy cảm, xét xử có nhiều cấp, thời gian xem xét cũng lâu, nếu trả đi trả lại thì bất lợi. Với lại có trả hồ sơ cũng khó điều tra ra. 70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?
Không làm rõ hết, phải chăng là bỏ lọt tội phạm?
Bỏ lọt hả? Có cái cũng đành vậy chứ. Ở đây, phải chăng mấy anh nói bỏ lọt ông Hoàn (Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa - PV)? Ông Hoàn có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, ông này bị xử lý hành chính rồi. Mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một hình thức thôi chứ. Tôi thấy ông Hoàn bị xử lý hành chính ở mức độ đó (cảnh cáo - PV) không phải là nhẹ, quá sức đau rồi.
Ông bảo xử lý hình sự và xử lý hành chính phải chọn một, vậy vì sao hình thức xử lý nặng hơn không chọn mà chọn nhẹ hơn? Rõ ràng ông Hoàn có các dấu hiệu vi phạm luật pháp.
Hỏi mấy ông công an chứ hỏi tôi, sao tôi trả lời? Ít ra muốn khởi tố tại tòa phải kiến nghị thu hồi quyết định kỷ luật hành chính chứ không là vi phạm pháp luật đấy.
Trong bản án đề cập ông Hoàn vi phạm bắt giữ người trái pháp luật và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng VKSND không truy tố nên tòa không xét. HĐXX vẫn có quyền khởi tố tại tòa mà?
Do anh em cấp dưới, chứ ông Hoàn chỉ phân công, đâu phải việc gì cũng đi kiểm tra. Còn việc khởi tố tại tòa, luật quy định vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi. Lâu nay có chuyện là cho tòa được quyền khởi tố vụ án tại tòa, tòa cũng khởi tố nhiều nhưng chẳng có vụ nào được xử lý cho có kết quả. Ở đây là mình làm cho hết trách nhiệm thôi.
Vậy theo ông, tòa đã làm hết trách nhiệm chưa?
Tôi thấy là đã làm hết trách nhiệm. Diễn biến vụ án còn có những việc chưa rõ nhưng trả hồ sơ mà khả năng làm không được nữa thì tôi nghĩ cũng không nên trả làm gì, kéo dài thêm thời gian, gây dư luận không tốt, làm đau khổ người khác. Cuối cùng suy nghĩ thôi, xét xử còn có phúc thẩm…
Nói vậy chẳng phải cấp sơ thẩm “đá bóng” lên cấp phúc thẩm?
Cấp nào sai thì kiểm điểm chết chứ. Nhưng giờ họ khai lòng vòng vậy thì làm sao tìm ra.
Đánh chết người mà chỉ chịu từ án treo đến 5 năm tù. Ông thấy thế nào?
Vụ này tôi thấy không nhẹ, công an mất bao nhiêu lực lượng đó là quá đau. Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Mấy ông công an này cũng dở, không chừng đến phúc thẩm lại xì ra nữa vì mấy bị cáo so bì nhau sao cùng đánh mà người thì giam, người thì treo, người khung 3, người khung 1.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):
Thiếu công bằng, trái luật
Theo tôi, mức án TAND TP Tuy Hòa tuyên đối với các bị cáo không tương xứng với khung hình phạt của điều luật mà VKSND TP Tuy Hòa truy tố và TAND TP Tuy Hòa xét xử; trái Bộ Luật Hình sự và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Việc truy tố và xét xử 5 cán bộ công an về tội “Dùng nhục hình” không thuyết phục, tội “Giết người” mới chính xác. Bởi lẽ, về mặt khách quan của tội phạm, nếu dùng hung khí tác động vào những bộ phận trọng yếu của nạn nhân như vùng đầu, ngực, bụng…, luật buộc phải biết và phải nhận thức được là nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện.
Ngoài ra, việc dùng dùi cui đánh nạn nhân phải được xem là dùng hung khí nguy hiểm. Các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cũng bỏ lọt tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
Bản án TAND TP Tuy Hòa xác định ông Lê Đức Hoàn và các cán bộ công an khác có dấu hiệu phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và do VKS không truy tố nên không xét. Nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm, không thuyết phục và trái luật. Bởi lẽ, vụ án có đồng phạm và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có trách nhiệm của ông Hoàn và các cán bộ công an khác. Khái niệm “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” chỉ dùng trong trường hợp người thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả cho xã hội không lớn.
Trong quá trình xét xử, tòa án xét thấy việc VKS không truy tố là bỏ lọt tội phạm thì phải trả điều tra bổ sung, nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, HĐXX vẫn có thể khởi tố tại tòa nếu có đủ căn cứ xét thấy có tội phạm hoặc người phạm tội hoặc ít ra cũng cần phải yêu cầu VKS khởi tố trong bản án.
Tóm lại, bản án này cần bị hủy để điều tra, xét xử lại; các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên cần rút hồ sơ lên để điều tra, truy tố, xét xử để vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa):
Tòa tự “trói tay”
Theo dõi phiên tòa, tôi thấy nếu các yêu cầu điều tra bổ sung được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật thì các bị cáo và đối tượng khác sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về các tội “Dùng nhục hình”, “Cố ý gây thương tích”, “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án phức tạp và nghiêm trọng này phải do VKSND tỉnh Phú Yên thực hành quyền công tố tại TAND tỉnh Phú Yên mới đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.
Việc tòa cấp sơ thẩm áp dụng ngay giới hạn xét xử để “trói tay” mình, bỏ qua những tình tiết có thật đã được xét hỏi công khai tại phiên tòa để rồi phán quyết như vậy là chưa làm hết trách nhiệm mà luật tố tụng đã trao quyền cho HĐXX.
Tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật, không chạy theo dư luận nhưng cũng không nên coi thường dư luận và công luận. Một khi phán quyết của tòa án không căn cứ kết quả tranh tụng theo Hiến pháp và pháp luật thì những người tham gia tố tụng và dư luận xã hội phản ứng gay gắt là điều đương nhiên.