>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM
Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong trường hợp ông Chấn bị oan sai.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lĩnh án chung thân với tội danh giết người từ năm 2003. Mới đây, sau 10 năm, hung thủ Lý Nguyễn Chung (SN 1988, cùng trú ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) chịu ra đầu thú, ông Chấn được tha tù.
Đối với trường hợp Lý Nguyễn Chung, luật sư Nguyễn Anh Thơm nói rõ, Chung giấu tội lỗi, không trình báo hành vi phạm tội của mình trong suốt 10 năm qua không bị coi là tình tiết tăng nặng khi xét xử.
Niềm vui của gia đình ông Chấn khi ông được tha tù sau 10 năm lĩnh án chung thân.
Điều 10 Bộ luật TTHS qui định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị H. vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Trong trường hợp này, việc Chung ra trình diện, khai báo rõ ràng hành vi phạm tội của mình và CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội thì khi xét xử, Chung sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm p, khoản 1 điều 46 BLHS và tình tiết “tự thú” được qui định tại điểm O khoản 1 điều 46 BLHS.
Trong trường hợp, đối tượng Chung phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là Giết người và Cướp tài sản thì anh ta sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình.
Luật sư thấy rằng, việc ra trình báo của Chung cũng là tình tiết tích cực được pháp luật ghi nhận và dẫn tới việc ông Chấn được minh oan.
Án oan 10 năm, bồi thường thế nào?
Ông Chấn được tha sau 10 năm ngồi tù, ông Thơm cho hay, nếu ông Chấn bị oan sai, căn cứ qui định tại Điều 32, BLHS thì Tòa án cấp phúc thẩm TAND Tối cao là cơ quan xét xử cuối cùng tuyên án bị cáo phạm tội với hình phạt tù chung thân là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Trả lời trên Dân trí, Luật sư Vi Văn Diện, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc xác định mức bồi thường do tổn thất tinh thần cho ông Nguyễn Thanh Chấn trước hết sẽ do các bên (ông Chấn và cơ quan có trách nhiệm bồi thường) tự thương lượng thỏa thuận.
Tuy nhiên, tại khoản 1, điều 5 Nghị Quyết 388 thì ông Chấn sẽ được bồi thường khoảng trên dưới 520 triệu đồng nếu tính từ ngày 29/9/2003 đến ngày 04/11/2013.
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tính chi tiết từng tháng, 29 ngày hay 31 ngày, tiền lương tối thiểu của tháng chia ra để tính từng ngày thì chỉ được chia cho 22 ngày làm việc chứ không được chia cho tổng số ngày trong cả tháng.
Được biết, ngày mai (6/11), vụ án sẽ được Hội đồng thẩm phán TANDTC đưa ra xét xử tái thẩm.
Điều 32, BLHS quy định trách nhiệm bồi thường của Toà án nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự:
Toà án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
a) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
b) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;
c) Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.