Vì sao chung cư 93 Lò Đúc liên tục có sai phạm mà không bị xử lý?

Minh Huế |

(Soha.vn) - Phải chăng có một thế lực nào đó “chống lưng” nên Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô mới ngày càng "tự tin" tiếp tục sai phạm một cách có hệ thống?

Cơi nới trái phép, thu tiền tùy tiện

Theo phản ánh của người dân, từ khi bắt đầu xây dựng tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc vào năm 2003 và đưa vào sử dụng đến nay, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô liên tục xâm phạm tới quyền sở hữu chung, lợi ích chính đáng của toàn thể cư dân trong tòa nhà.

Cụ thể, trong quá trình xây dựng, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã không tuân theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, không tuân thủ giấy phép xây dựng đã được cấp mà tự ý cơi nới các phòng, các tầng trong tòa nhà.

Theo biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng của Sở Xây dựng TP Hà Nội ngày 06/9/2006, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã vi phạm các quy định về: quản lý dự án, nghiệm thu kỹ thuật, không có biên bản định vị công trình, không có biên bản lấy mẫu thí nghiệm bê tông, thép, gạch và không có kết quả thí nghiệm vữa xây... Hợp đồng thu phế thải đã hết hạn ngày 01/6/2006 và chưa xuất trình bảo hiểm trong quá trình thi công.

Ngoài ra, theo bản vẽ trên tầng áp mái có khu vực để trồng cây xanh, là nơi thư giãn của các hộ dân. Tuy nhiên, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã xây dựng thành nhà ở, để bán cho các hộ dân.

Rất nhiều lần họp bàn nhưng cuối cùng Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô vẫn phớt lờ
Rất nhiều lần họp bàn nhưng cuối cùng Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô vẫn phớt lờ

Đáng ngạc nhiên là Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã liên tục có những sai phạm nêu trên trong suốt nhiều năm nhưng chưa một lần bị xử lý. Do đó, quyền, lợi ích hợp pháp của các cư dân nơi đây vẫn liên tiếp bị xâm phạm.

Không những thế, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô còn chiếm toàn bộ phần diện tích thuộc sở hữu chung tại tầng hầm B1, B2 của các cư dân trong khu chung cư 93 Lò Đúc, không cho cư dân để xe mà lấy chỗ để trông giữ xe cho khách đến các văn phòng và nhân viên của các văn phòng trong tòa nhà. Cư dân trong tòa nhà thì phải gửi xe nơi khác. Tầng hầm B2 thì Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã bán cho các hộ dân có ô tô làm chỗ để xe riêng.

Bất bình hơn là hàng tháng Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô vẫn thu tiền trông xe của dân với giá vé cao hơn so với quy định của Thành phố Hà Nội. Thành phố quy định phí xe máy là 45.000đồng/xe/tháng, nhưng Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã thu 100.000đồng/xe/tháng. Xe ô tô nếu để ngoài sân quy định là 600.000đồng/xe/tháng – thực thu là 1.200.000 đồng/xe/tháng đến 1.500.000đ/xe/tháng. Xe ô tô gửi trong hầm quy định là 1.250.000đồng/xe/tháng – thực thu 1.500.000đ đến 1.800.000 đồng/xe/tháng.

Theo phản ánh của người dân, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã thu tiền xây dựng hệ thống gas trung tâm ngay khi các hộ dân mua căn hộ tại tòa nhà này từ năm 2005. Mặc dù các hộ dân trong tòa nhà này đã nộp đầy đủ khoản tiền xây dựng hệ thống gas là 12.500.000đ (Mười hai triệu năm trăm nghìn đồng cho một hộ gia đình). Theo ước tính tổng số tiền tất cả các hộ dân đã nộp lên đến hàng tỉ đồng, nhưng đến nay, hệ thống gas này vẫn chưa được hoàn thiện. Các hộ dân trong khu chung cư vẫn phải đi mua gas để sử dụng với giá rất cao (do nhân viên vận chuyển gas phải đi cầu thang bộ, không được sử dụng thang máy). Vậy số tiền lãi do Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đang giữ từ khoản tiền thu của dân bao năm nay ai được hưởng, số tiền phải bù vào mỗi lần mua gas của các hộ dân nơi đây ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho họ?

Nếu có hỏa hoạn sẽ không có lối thoát

Đó là so sánh hơi "dại miệng" của người dân ở chung cư này. Theo họ, nếu không có sự đấu tranh quyết liệt của một số người dân nơi đây thì Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã bịt lối thoát hiểm của họ.

Đó là vụ xây dựng năm 2012 mà hậu quả là sau đó, 5 cư dân nơi đây bị truy tố tội Hủy hoại tài sản. Vào thời điểm đó, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã vi phạm quy định về an toàn PCCC trong tòa nhà, vì đã bịt lối thoát hiểm tại tầng G khi xây dựng bức tường chắn cầu thang bộ từ tầng 1 lên tầng 7 của tòa nhà. Bên cạnh đó, họ còn bịt luôn lối thoát hiểm dưới tầng hầm B1, bịt lối thoát hiểm lên tầng thượng. Cả khu chung cư không có loa báo cháy, không có phương án di chuyển khẩn cấp. Và nếu không có cư dân quyết liệt phản đối thì chắc chắn, phần xây dựng này không bị phá đi. Vì vụ xây sai quy định này, 5 cư dân quyết đấu tranh và có hành động ngăn cản người xây, họ bị truy tố và đang kêu oan.

Cư dân nơi đây bức xúc cả về chuyện sử dụng cầu thang. Có thời điểm, bảo vệ chắn cầu thang của dân, không cho họ đi để phục vụ dân văn phòng (thời điểm đó đã có quy định dân văn phòng được đi thang máy riêng). Vì bị "lấn sân", cư dân nơi đây phải đấu tranh, cuối dùng mới dành được thang máy của chính mình.

Với những sai phạm trên, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, những hành vi sai phạm này của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô phải bị truy tố về “Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Một câu hỏi đặt ra là, thế lực nào đã “chống lưng” cho Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô “tung hoành” các sai phạm của mình trong suốt bao nhiêu năm, khiến cho cuộc sống của hàng ngàn người dân ở chung cư này không được yên ả?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại