Nạn nhân là người biết bơi
Liên quan vụ việc anh Trần Đức Ngân (sinh năm 1992, trú thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) tử vong trên sông Đáy sau 3 ngày mất tích, người nhà nạn nhân cho rằng, có thể anh này bị đánh trọng thương, lại uống nhiều rượu bia, nên mới bị đuối nước.
Anh T (sinh năm 1990, trú huyện Hoài Đức, Hà Nội), bạn đồng ngũ của nạn nhân - người bơi theo nhưng không cứu được Ngân, kể lại sự việc, sau khi đưa tang bạn.
Theo T., khoảng 19h30 ngày 20/8, T. cùng khoảng 10 thanh niên khác (trong đó có Ngân), cùng trú ở huyện Hoài Đức, rủ nhau họp mặt, đi nhậu ở địa bàn thôn Lai Xá, xã Kim Chung, kỷ niệm 1 năm ngày xuất ngũ.
Đến 22h30, cả nhóm rủ nhau tới hát tại quán karaoke Đảo Mây II (thôn Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức). Cả nhóm gọi thêm 2 két bia uống và hát. Đến khoảng 1h ngày 21/8, T. ra ngoài đi vệ sinh. Khi quay vào trong, T. thấy cả nhóm bạn đang đứng thanh toán tiền. Lúc này, giữa chủ quán và Trần Đức Ngân xảy ra to tiếng.
“Em nghe trước đó Ngân làm vỡ màn hình trong phòng hát nên chủ quán tên Lợi bắt quỳ xuống xin lỗi. Ngân nói xin lỗi nhưng không quỳ. Lập tức, chủ quán gọi điện cho hai thanh niên đến, trong đó một người cầm theo con dao phay. Chủ quán bắt khóa chặt cửa, không cho ai ra ngoài. Hai bên tiếp tục to tiếng” – T. kể.
Theo T., chủ quán có cầm chai bia dọa đánh Ngân, sau đó dùng tay đấm vào mặt Ngân. Ngân hoảng sợ, trèo lên bờ rào vượt ra ngoài, bị trượt ngã. Sợ bạn nguy hiểm, T. vượt rào theo Ngân.
Ngân chạy ra bơi qua sông Đáy. T. bơi theo sau nhưng không kịp, chỉ nghe tiếng Ngân gọi với lại: “T. ơi! T. ơi!”. Do sợ nước sâu, không bơi được qua sông nên T. đành quay lại vào bờ. Sau đó, hai người bạn khác là S. và L. cũng bơi tìm một đoạn nhưng không thấy Ngân.
Theo T., Ngân biết bơi và rất khỏe mạnh, bình thường có thể bơi qua khúc sông đó. Người dân địa phương cũng cho hay, khúc sông Đáy chảy qua khu vực này chỗ sâu nhất chưa đầy 3m.
Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Vân Côn có mặt ngay sau đó, lập bản tường trình, lấy lời khai của những người liên quan. T. và những người bạn được đưa về công an xã làm việc.
Sáng hôm sau, người nhà nạn nhân nhận được tin báo liền thuê thợ lặn chia thành nhiều mũi, tìm Ngân trên sông Đáy nhưng không thấy. Đến 10h ngày 23/4, người nhà nạn nhân nhận tin thợ lặn tìm thấy thi thể của Ngân nổi trên sông Đáy, ngay phía sau khu vực quán Karaoke nhóm bạn hát trước đó.
Người nhà nạn nhân: “Chết do bị đánh!”
Khoảng 14h30 ngày 23/8, sau khi cơ quan chức năng tiến hành xong các thủ tục khám nghiệm tử thi, thi thể nạn nhân Trần Đức Ngân được bàn giao cho gia đình mang về địa phương mai táng.
Nước mắt ngắn dài, xót thương đứa cháu mới xuất ngũ được 1 năm, nay lại đột ngột qua đời, bà Lê Thị Hà (54 tuổi, bác ruột nạn nhân) cho biết: Bố mẹ Ngân sinh được 4 con trai, Ngân là con cả. Sau khi học xong cấp 3, Ngân đi nghĩa vụ quân sự, đến tháng 8/2012 xuất ngũ. Ngân mới xin được việc làm thêm ở một cửa hàng sửa chữa đồ điện gia dụng trong xã.
Ông Trần Công Thực (SN 1968) – một bác khác của nạn nhân cho biết thêm, theo thông tin ban đầu từ cán bộ khám nghiệm pháp y chiều 23/8, nạn nhân bị bầm tím vùng đỉnh đầu, thái dương; ở mặt có vết xước da; từ cổ trở xuống tứ chi bình thường, xương không bị gãy.
Tuy nhiên, theo ông Thực, quan sát bằng mắt thường, ông và người nhà đều thấy nạn nhân bị nhiều vết bầm tím trên cả lưng và cánh tay.
Người nhà nạn nhân cho rằng, có thể anh Ngân bị đánh trọng thương nên khi bơi xuống sông mới đuối nước. Theo họ, nếu bảo nạn nhân chết nhiều ngày nên bị tím khắp người thì không đúng vì ở đây, chỉ bầm tím ở một số chỗ trên cơ thể, không lan toàn thân.
Gia đình nạn nhân mong muốn cơ quan chức năng làm việc công minh, điều tra chính xác nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong. Nếu đúng Ngân bị đánh thì phải tìm ra hung thủ, xử đúng người, đúng tội.