Thảm án lúc rạng sáng
Sáng 5/2/2012, anh Nguyễn Duy Chiến (43 tuổi ở phường Đề Thám, TP.Cao Bằng) thấy vợ là Hoàng Thị Vấn đang nằm quằn quại dưới nền nhà, ôm đầu kêu cứu. Anh Chiến tri hô hàng xóm nhờ đưa Vấn đi cấp cứu. Tỉnh lại, người phụ nữ này cho biết có kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà định giết chị, cướp tài sản.
Sực nhớ đến mẹ là bà Triệu Thị Tiền (75 tuổi), anh Chiến đang ở nhà phát hiện xác mẹ được giấu dưới hộp carton đựng mì tôm, trên đầu, mặt có nhiều thương. Kết luận giám định pháp y xác định nạn nhân bị sát hại do búa đinh, gây vỡ hộp sọ.
Hiện trường của vụ án là ngay tầng 1 của gia đình nạn nhân. Khi vụ án được phát hiện, cơ quan công an xác định không có dấu hiệu bị cạy phá cửa nên loại trừ khả năng kẻ gian đột nhập từ bên ngoài vào trong giết người.
Vợ chồng Chiến trở thành nghi ngờ chính. Bị triệu tập, Vấn khai bản thân là hung thủ giết mẹ chồng, tạo hiện trường giả. Vấn khai, sáng hôm đó khi trở dậy xuống nhà dưới gặp mẹ chồng ở dưới sân. Bà Tiền nói Vấn về việc sinh thêm con trai. Vấn không đồng ý vì đã 45 tuổi nên hai người xảy ra cãi cọ. Cho rằng con dâu hỗn láo, bà mẹ chồng 75 tuổi (chỉ cao khoảng 1m45) vung tay tát vào mặt Vấn.
Sẵn nỗi ấm ức bấy lâu, Vấn lấy búa đinh ở chạn bát quay ra đập vào đầu bà Tiền. Vấn quăng búa ra sau chạn bát, lấy đoạn dây điện ở chiếc quạt cũ quấn vào cổ bà Tiền, kéo xác nạn nhân đến giấu dưới những thùng mì tôm. Vấn còn xịt dầu gội đầu, đi găng tay lau sạch vết máu dưới nền nhà.
Sau đó, người con dâu lên tầng 2 thay quần áo khác rồi quay trở lại giường vờ ngủ. Một lúc sau, khi chồng gọi, Vấn giả bộ, cầm cọc tiền và chìa khóa cửa xuống dưới nhà. Vấn bỏ cọc tiền vào két, ngồi giữa gian hàng và lấy dao tự rạch vào đầu. Anh Chiến đi xuống nên tri hô và đưa Vấn đi cấp cứu.
Căn cứ vào lời khai nhận tội của Vấn, xét thấy phù hợp với dấu vết thu thập được tại hiện trường, Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố, bắt tạm giam Vấn để điều tra về hành vi Giết người.
Nguyễn Duy Chiến cũng bị khởi tố về hành vi che giấu tội phạm, nhưng sau đó được miễn trách nhiệm hình sự.
Hình minh họa
Nghi án vẫn còn sát thủ giấu mặt?
Ngày 2/1, TAND tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm vụ án. Vấn kêu oan và cho rằng trước đó bị ép cung, thiếu hiểu biết nên mới nhận tội.
Ông Nguyễn Ngọc (bố chồng Vấn) là đại điện cho người bị hại và anh Chiến cũng khẳng định Vấn bị oan, đồng thời nghi ngờ thủ phạm là người khác. Tuy nhiên, TAND tỉnh Cao Bằng vẫn tuyên mức án tù chung thần dành cho Vấn.
Tại phiên tòa phúc thẩm vào cuối tháng 6/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội nhận định: Quá trình điều tra xét xử vụ án, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót nghiêm trọng nên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, việc án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại hoàn toàn không có nghĩa là do bị cáo Vấn bị kết án oan. Hy vọng quá trình điều tra lại sẽ “giải mã” được những ẩn ức của vụ án.
Án sơ thẩm sai phạm nghiêm trọng cả về nội dung lẫn tố tụng
... Bị cáo Vấn khai đã dùng dây điện siết cổ nạn nhân đến khi nhìn thấy vết lằn màu đỏ mới bỏ tay ra. Nhưng bản ảnh tử thi lại thể hiện cổ nạn nhân không có vết lằn đỏ nào, cũng không xác định cụ thể dây điện được buộc trước hay sau khi nạn nhân chết.
Bị cáo bị kết tội có hành vi xốc nách kéo lê nạn nhân từ sân vào nơi giấu xác nhưng hồ sơ vụ án không làm rõ xốc nách ngửa hay sấp, có vết trầy xước ở gót chân hay mũi chân nạn nhân?. Cơ quan điều tra thu giữ được 19 đồ vật (trong đó có con dao nhọn cán vàng, dao nhọn cán đen, búa đinh) để trưng cầu giám định và chỉ có dấu vết đường vân tay của bị cáo trên hộp miến; dao và búa được coi là hung khí không có dấu vết của Vấn.
Hiện trường vụ án thu thập được vết đế giày đỏ thạch cao nhưng lại không giám định dấu vết này; Biên bản khám nghiệm hiện trường có nét chữ bị sửa chữa, mà không có điều tra viên ký xác nhận, trong khi đây là thay đổi về bản chất.
Đáng nói, lời khai của nhân chứng mâu thuẫn với bị cáo về thời gian gây án. Vấn khai, giết bà Tiền xong thì lôi vào gầm cầu thang lấp các thùng mì tôm lên. Nhưng bản ảnh thì vị trí tử thi bị giấu lại không phải ở đây?. Đặc biệt, biên bản nghị án chỉ có 3/3 thành viên biểu quyết, trong khi HĐXX cấp sơ thẩm có 5 thành viên.
Những sai lầm, thiếu sót trên là rất nghiêm trọng, cả về nội dung lẫn tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần phải hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu, đảm bảo cho quy trình tố tụng chặt chẽ, khách quan, minh bạch.
(Trích bản án phúc thẩm của TAND Tối Cao)