Chiều 13/8, cơ quan an ninh đã mời hai đối tượng Vũ Hương Thảo (SN 1991, trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nghiêm Thùy Trang (SN 1984, trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lên làm việc về hành vi phát tán thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebok: “Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 14/8, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, hành vi thông tin sai sự thật của hai đối tượng là vô cùng nguy hiểm.
"Chúng ta đều biết rằng cả thế giới đang tìm mọi cách để khống chế được căn bệnh vô cùng nguy hiểm đó là dịch Ebola và theo các tổ chức y tế thế giới thì căn bệnh có khả năng gây tử vong rất cao lên đến 90% và đang có dấu hiệu bùng phát dữ dội. Do vậy, đây là vấn đề hết sức được quan tâm và lo lắng của mọi người dân trong nước và trên toàn thế giới.
Thực tế, Facebook là một mạng xã hội hiện nay có lượng người tham gia chơi rất lớn và đây là một trang có sự tương tác qua lại giữa những người chơi với nhau có sức lan truyền thông tin rất nhanh và không thể kiểm chứng được.
Bởi lẽ những thông tin trên đó đều do người chơi tự cập nhật và truyền tải thông tin lên đó cho bạn bè cùng xem, vì thế khi thông tin đến với người nhận thì họ chỉ tiếp nhận thông tin trong một trạng thái rất bị động, không thể có cơ sở để kiểm chứng thông tin, với những thông tin thất thiệt như trong trường hợp này thì có thể có người tin, có người không tin.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo
Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó thì với những thông tin gây sự chú ý của cả thế giới như trên thì sức lan tỏa của nó chắc chắn là không kiểm soát được.
Có thể, mục đích của 2 người đưa những thông tin đó lên Facebook là nhằm gây sự chú ý (câu like) hoặc để cảnh báo tất cả mọi người về dịch bệnh này. Nhưng xét về góc độ pháp lí hay về các khía cạnh khác thì tôi cho rằng hành vi thông tin sai sự thật đó là vô cùng nguy hiểm.
Vì nếu thông tin này bị lan truyền ra toàn thế giới thì tác hại của cả nền kinh tế của chúng ta sẽ bị hạn chế một cách rõ rệt do sự hạn chế về vấn đề giao thương qua lại giữa các cá nhân và doanh nghiệp hay ngành du lịch của chúng ta cũng sẽ bị đóng cửa do không có khách du lịch nào dám đặt chân đến một vùng đất đang có người mắc dịch Ebola.
Đối với người dân trong nước thì tâm lí bất an gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động sinh hoạt như ăn, uống, làm việc, học tập, vui chơi giải trí..., bên cạnh đó với nguồn tin thất thiệt như thế này thì sẽ bị các phần tử xấu lợi dụng để kích động người dân gây mất an ninh trật tự", luật sư Thảo nhấn mạnh.
Theo luật sư Thảo, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà hai đối tượng này gây ra mà cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Với hành vi tung tin của 2 cô gái trên, xét về góc độ pháp lí theo tôi cần phải căn cứ vào các qui định của pháp luật và căn cứ vào mục đích và động cơ tung tin cũng như sự tác hại của sự việc đó như thế nào với toàn xã hội.
Hiện nay đối với hành vi này sẽ tùy theo mức độ nhẹ thì bị xử phạt hành chính theo nghị định 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2014, nếu nặng có thể bị xử lí hình sự theo điều 226 BLHS SĐBS năm 2009 có khung hình phạt cao nhất từ 2 năm - 7 năm tù.
Thông qua sự việc đáng tiếc này, Luật sư Thảo cũng bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác đối với các thông tin lan truyền trên các trang mạng xã hội vì mục đích của nó cũng vô cùng phức tạp, nhất là các trang mạng xã hội như Facebook. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với một số người thích đưa thông tin giật gân, trái sự thật nhằm câu like... nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lí trách nhiệm hình sự".
Điều 226 BLHS SĐBS năm 2009
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”. và được hướng dẫn bởi điều 8 của Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC như sau: Về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226 Bộ luật hình sự)
1. Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet quy định tại điểm b khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự được hiểu là người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của mình để thực hiện hành vi phạm tội.
2. Cần lưu ý, trường hợp xác định hậu quả phi vật chất có thể dựa vào cách đánh giá về ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tùy vào từng điều kiện cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự thuộc một trong những trường hợp sau:
a) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
b) Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức;
4. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự (tuy tính chất, mức độ hành vi khác nhau nhưng có cùng khung hình phạt) thuộc một trong những trường hợp sau:
a) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên;
b) Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến việc cơ quan, tổ chức bị xâm phạm giải thể hoặc phá sản".
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA