LTS: Trong bốn bức tường của chốn biệt giam lạnh lẽo, nơi không có hoa mai cũng chẳng có hoa đào thì tử tù- những người đang đối diện với sự rình rập của thần chết nghênh xuân, đón Tết thế nào?
Khi thực hiện bài viết về cái Tết của những tử tù, tôi đã bị ám ảnh bởi lời thư chúc tết của một bé gái dành cho cha mình, người đang chờ ngày ra pháp trường tại Trại tạm giam Công an TP. Hải Phòng.
Tử tù đó là Vũ Bá Khanh, kẻ từng 2 lần phạm tội giết người.
Tử tù thèm khát cuộc sống từng phút từng giây, thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tôi, Khanh bảo, y sẵn sàng đổi tất cả những ngày tháng còn lại chỉ để lấy một lần được ôm cô con gái thân yêu của mình.
Tử tù mang hai án giết người
Khanh sinh năm 1969, thế nhưng năm 1989, khi mới 19 tuổi, Khanh đã vướng vào tội giết người.
Lần ấy, sửa đường điện, bố của Khanh đã xích mích với người hàng xóm. Thấy bố bị người khác bắt nạt, Khanh chạy về cầm luôn quả lựu đạn ra quăng mà chẳng nghĩ ngợi gì.
Lựu đạn nổ, tuy không có ai thiệt mạng nhưng với thói côn đồ hung hãn đó, Khanh đã bị bắt và bị truy tố bởi tội danh giết người.
Lần ấy, Khanh lĩnh án tù 13 năm đằng đẵng.
Thụ án xong, trở về với xã hội, biết cái giá phải trả khi phải sống trong chốn lao tù, Khanh đã quyết chí làm lại cuộc đời.
Khanh lấy vợ và chăm chỉ làm việc như bao người dân lam lũ khác. Thế nhưng, như có “bóng ma tội lỗi” theo mình, Khanh đã lại mắc phải sai lầm. Và, sai lầm này đã kết thúc tất cả những ảo vọng đẹp đẽ mà Khanh đã vạch ra cho mình.
Tử tù Vũ Bá Khanh kể lại quãng đời tội lỗi của mình.
Năm 2002, sau khi ra tù một năm, một buổi nhậu say, Khanh lại gây lộn đánh nhau. Lần ấy, Khanh đã chính thức giết người bằng những cú đâm điên loạn. Gây án xong, Khanh hốt hoảng bỏ trốn.
Hôm trò chuyện với tôi, Khanh bảo, hành động bỏ trốn của Khanh là một sai lầm. Nếu không bỏ trốn mà đi đầu thú, biết đâu Khanh lại thoát khỏi tội chết.
Thời gian đó, bởi thương người vợ mới cưới lại đang mang bầu, sợ không có ai bao bọc, nuôi dưỡng nên Khanh mới quyết định vậy.
Khanh tút một mạch lên Lạng Sơn, làm cửu vạn và vẫn đều đặn gửi tiền về cho vợ. Chừng hơn năm sau, nhớ vợ, muốn thấy mặt đứa con gái mới sinh của mình, Khanh đã mò về Hải Phòng.
Khi đấy, thấy tình hình có vẻ yên, Khanh đã thở phào nhẹ nhõm.
Khanh thay đổi liên tiếp những địa điểm gặp vợ con và kỳ lạ hơn, trong những lần thăm gặp kiểu Ngưu Lang, Chức Nữ đó, vợ Khanh đã lại có mang để rồi hạ sinh cho Khanh một cậu con trai kháu khỉnh.
Thay hình đổi dạng, trốn nã ngay tại nhà mình
Cuộc sống chui lủi, trốn tránh pháp luật chỉ toàn là sự thấp thỏm, sợ hãi.
Thấy cuộc sống như vậy quá đỗi kinh khủng, lại thêm thấy dư luận không quan tâm nhiều đến vụ án đó nữa, Khanh quyết định… thay đổi dung mạo những mong được sống yên bình với vợ con.
Khanh vào Huế, rồi vào thành phố Hồ Chí Minh, cật lực làm thuê để kiếm tiền thẩm mĩ lại khuôn mặt, tẩy sạch những đặc điểm nhận dạng mà công an đang dựa vào đó để phát lệnh truy nã.
Công cuộc lột xác của Khanh hoàn hảo đến độ khi quay lại Hải Phòng, chính những người họ hàng của Khanh cũng chẳng thể nhận ra. Từ đó, Khanh ung dung sống với vợ con mình.
Hằng ngày, Khanh vẫn đưa đón con đi học hệt như những ông bố mẫn cán, chăm chỉ khác.
Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, Khanh vẫn không thoát được tai mắt của người dân. Vậy là một buổi, trên đường đưa con đi học, Khanh đã bị bắt sau gần 7 năm trốn nã ở… ngay tại nhà mình.
Đầu năm 2009, với những tội lỗi mà mình đã gây ra, Khanh đã phải nhận bản án tử hình.
Trong câu chuyện chớp nhoáng với chúng tôi tại khu biệt giam, Khanh luôn miệng nhắc tới hai đứa con của mình.
Ngày Khanh bị bắt, vợ Khanh đã nói dối chúng rằng ba chúng đi làm xa, chưa về thăm các con được. Thế nhưng, khi Khanh phải lĩnh án tử hình thì vợ Khanh không thể giấu chúng nữa.
Thương chồng, biết chồng nhớ các con nhiều lắm nên vợ Khanh phải đưa các con vào trại thăm Khanh mỗi khi được phép. Tuy nhiên, vợ Khanh cũng không dám nói với các con của mình rằng, ba chúng phạm tội tày đình, phải trả giá cho tội ác bằng cái chết.
Trong mắt bọn trẻ, Khanh vẫn là người cha tuyệt vời, hết mực thương yêu các con.
Bởi kính trọng, yêu thương ba nên khi Khanh vắng nhà, bọn trẻ thấy hụt hẫng, nhất là cô con gái cả, cháu Vũ Khánh H., thời điểm chúng tôi gặp Khanh, cháu mới vừa tròn 9 tuổi. Khanh bảo, ở nhà, hai bố con quấn nhau lắm.
Thế nên, khi vào đây, không phút giây nào Khanh không nhớ tới con.
H. cũng vậy, cô bé nhớ ba, nhớ những ngày gia đình còn xum tụ bên nhau. Nhớ mỗi lần ba đi xa về là có quà cho hai chị em. Quà đơn giản lắm, khi chỉ là con búp bê bé xíu, khi chỉ là hộp bút chì màu.
Lời chúc Tết như dao cứa, kim châm
Nhớ con, hằng đêm, dưới ánh điện tối nhờ, Khanh lấy thư của con ra đọc. Những nét chữ thơ ngây của cô bé chưa đầy 10 tuổi đầu đó đã giúp Khanh quên đi sợ hãi.
Tuy nhiên, cứ lần giở những trang thư ấy, cứ thấy hình bóng của con hiện lên trong đầu thì dù có cố kìm nén nhưng nước mắt Khanh vẫn cứ ứa ra.
Thơ ngây, qua trang giấy học trò, H. nói tất cả những điều mình mong muốn với ba mình. Những lời thơ ngây đáng yêu đó, như ngàn mũi dao, cứa vào tâm can khiến Khanh tê tái.
Bức tranh "gia đình xum họp" của con gái Khanh gửi vào chốn biệt giam.
Có bận, cô con cái rượu của Khanh biên thư cho để khoe thành tích học tập của mình. Ngay đầu thư, sau lời thăm hỏi, H. viết:
Ba à, ba muốn biết điểm thi của con không? Nếu ba muốn biết, thì con nói ngay đây: Tiếng Việt 9,75, toán 9”. Thế đấy ba ạ, con còn được đi thi văn nghệ cấp thành phố nữa.
Từ lớp 1 đến nay chưa lần nào con không được đi thi văn nghệ cả… Nếu ba thấy vui thì con sẽ cố gắng hơn nữa.
Sau đây con sẽ hát tặng ba bài hát: Đi học về. Và bây giờ con xin được hát. Đi học về là đi học về. Em vào nhà em chào cha mẹ. Cha em khen rằng em rất ngoan. Mẹ âu yếm hôi đôi má em… Ba ơi, con hát xong rồi, con hát hay không, ba khen con đi nhé…”.
Cố kìm nước mắt, Khanh bảo, lá thư ấy, dù đọc đến cả nghìn lần, nhưng cứ đọc đến đoạn này là Khanh lại nước mắt lã chã.
Con gái Khanh có khiếu văn nghệ, trước ở nhà thường hát cho Khanh nghe và Khanh cũng động viên, khen con nhiều lắm.
Thế nhưng, khi ở hai “thế giới” khác biệt, mong muốn bé mọn là được hát cho ba nghe cũng không còn nữa. Tuy nhiên, vẫn muốn cha khen, H đã nghẹn ngào hát bằng cách viết lên giấy như thế…
Ngày sinh nhật con gái yêu, Khanh nhớ lắm nhưng chẳng thể có quà cho con được. Nỗi tủi hổ, đau đớn, xót thương con nhân lên bội phần khi gần đến ngày đó, Khanh nhận được thư của con.
“… Ba ơi, mẹ mệt lắm, một tuần nay mẹ chỉ ăn một ít cơm thôi. Em Cối (tên gọi ở nhà của con trai Khanh) khi đêm ngủ em ấy mơ về ba, mồm em nói “ba ơi, ba ơi” đấy ba ạ.
Đố ba biết ngày 18 tháng 1 là ngày gì ba nhỉ? Đó là ngày sinh nhật mọt bé gái tên H., con gái ba đấy ba ạ.
Ba à, em Cối hay bắt nạt con lắm. À, ba à, con thích chú gấu bông (H. vẽ luôn hình gấu bông) và một con chim bồ câu (vẽ hình chim bồ câu). Những hình con vẽ là quà ba tặng con trong ngày sinh nhật đấy!”…
Trung tá Phạm Ngọc Tươi, Giám thị Trại tạm giam Công an TP.Hải Phòng bảo câu chuyện của Khanh khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Tâm sự với chúng tôi, tử tù này nghẹn ngào bảo, trong cả tập thư con gái Khanh gửi, không lá thư nào không có câu: “Con mong ba sớm trở về!”.
Đau đớn hơn, không biết có linh cảm gì không mà mấy bận Tết đến, xuân sang, H. đã gửi cho cha mình lời chúc: “Con chúc ba sống lâu trăm tuổi!”.
Khanh bảo, lời chúc Tết ấy của cô con gái ngây thơ khiến Khanh thấy tâm can mình nhói buốt.
“Sống lâu trăm tuổi, điều ấy có thể đến với bất cứ ai chứ không thể đến với tôi được”, tội nhân khoác trên mình án tử nghẹn ngào.
Có lần, H. gửi vào cho Khanh bức tranh H vẽ. Bức tranh có 4 người. Nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng H. đã ghi tên 4 thành viên trong gia đình dưới chân mỗi nhân vật mình vẽ.
Bốn người nắm tay nhau, dưới bầu trời đầy mây và nắng. Khanh bảo, bức tranh của con gái đã khiến Khanh nhiều đêm mất ngủ.
Trò chuyện, Khanh bảo, thư của con gái là tài sản vô giá của Khanh. Khi bị đưa đi hành quyết, Khanh chỉ có một mong muốn tột cùng ấy là xin các cán bộ quản giáo hãy đốt những lá thư đó để “gửi” lại cho Khanh.
Khanh muốn ở dưới suối vàng, Khanh không phải sống trong lạnh lẽo, cô đơn. Và, khi có những lá thư đó ở bên, thấy được hình bóng vợ con, chắc chắn, linh hồn Khanh sẽ không thể lầm bước, lạc đường như ở cõi dương gian này nữa.
Tử tù Vũ Bá Khanh phải “trả án” vào cuối năm 2013. Theo thân nhân của tử tù này, sau khi bị thi hành án, gia đình đã đón thi thể Khanh về và tiến hành hỏa táng. Tuy không có sự dậy dỗ của cha nhưng hai người con của Khanh rất chăm ngoan, học giỏi.