Thượng tá công an kể về Khánh "Trắng", Nguyễn Đức Nghĩa

28 năm truy bắt tội phạm với những màn đấu súng như trong phim, hay âm thầm tìm ra chân tướng của Khánh “Trắng”, lặn lội giữa đêm bắt Nguyễn Đức Nghĩa… với thượng tá Đào Anh Tuấn đó là công việc thường nhật.

Mới 45 tuổi nhưng thượng tá Đào Anh Tuấn (Phòng truy nã tội phạm công an Hà Nội) đã có 28 năm làm cảnh sát, trong đó hầu hết thời gian dành cho việc truy bắt, điều tra những kẻ phạm tội nguy hiểm.

Tốt nghiệp học trung học cảnh sát, anh tiếp tục học khoa Điều tra tội phạm hệ đại học. "Tôi lăn lộn 5 năm với công việc của một cảnh sát cơ động rồi chuyển sang Phòng tham mưu cảnh sát và giúp việc cho Đại tá Vũ Đình Hoành, khi đó là Phó giám đốc công an thành phố”, anh Tuấn cho biết.

Phó phòng truy nã tội phạm, Thượng tá Đào Anh Tuấn.

Thời gian làm việc dưới quyền của đại tá Hoành, cảnh sát trẻ Đào Anh Tuấn học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống tội phạm. Anh bảo, điều đó giúp nhiều cho cuộc chiến chống tội phạm sau này của anh. 

Năm 1992, Đội cảnh sát đặc nhiệm thành phố được thành lập, với sức trẻ và sự ham học hỏi, anh được đại tá Hoành giới thiệu về để tham gia trực tiếp phòng chống tội phạm.

Ông Nguyễn Thanh Hùng (hiện là đại tá, Trưởng phòng truy nã) khi đó với quân hàm đại úy là đội trưởng, trực tiếp chỉ huy anh Tuấn. Lần đầu được tham gia trực tiếp công việc của lính trinh sát đặc nhiệm, anh Tuấn bảo không khỏi bỡ ngỡ. 

"Học trong sách vở và thực tiễn vốn không giống nhau nhưng tôi cũng đã có được nhiều chỉ bảo của đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng”, anh chia sẻ. Cùng hàng chục trinh sát trẻ của Đội đặc nhiệm khi đó, anh tham gia đấu tranh bắt tội phạm cướp giật.

Nhắc tới những ngày đầu tham gia chiến đấu với tội phạm, anh vẫn nhớ như in vụ bắt Nguyễn Quốc Trung (Thi Sách, Hải Dương) năm 1994. Trung trốn trại tạm giam của công an tỉnh Lạng Sơn rồi về Hà Nội. Thời gian bỏ trốn, hắn gây ra 30 vụ cướp liên tỉnh Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Riêng ở Hà Nội, tên này thực hiện hai vụ trọng án cướp, giết.

Hắn cướp xe máy tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở ngoại ô Hà Nội. Mặc dù không có sự truy đuổi của nạn nhân nhưng hắn vẫn ném quả lựu đạn vào cửa hàng làm cháu bé 4 tuổi tử vong. 

Sau khi xác định Trung chính là hung thủ, Đội đặc nhiệm tung quân truy bắt. Biết tin Trung trốn ở huyện Việt Yên (Bắc Giang), anh Tuấn cùng nhiều trinh sát dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng lên tận căn nhà tên này cố thủ.

Khi cảnh sát tấn công, Trung trốn trong thùng gạo. “Vừa mở nắp thùng, hắn nhổm dậy, tung ngay một quả lựu đạn vào lực lượng chúng tôi”, anh Tuấn nhớ lại. Mọi người nhanh chóng thoát thân nhưng quả lựu đạn làm tan xác cả đàn chó, còn Trung cố thủ trong nhà. Hắn ném tới 4 quả lựu đạn và liên tiếp nổ súng. 

Cuộc đấu súng kéo dài suốt 2 tiếng, sau khi hắn bị trúng đạn, gục chết tại chỗ. “Lần đầu tiên được trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu giáp lá cà với loại tội phạm nguy hiểm, lúc đó sống chết không ai biết nên trinh sát trẻ như chúng tôi không khỏi bồi hồi”, anh Tuấn tâm sự.

Nhưng vụ án mang đậm dấu ấn của cảnh sát đặc nhiệm Đào Anh Tuấn là vụ Dương Văn Khánh (Khánh “Trắng”), trùm xã hội đen khét tiếng đất Hà Thành những năm 90. Khánh “Trắng” là tay giang hồ chuyên bảo kê các bến bãi ở chợ Long Biên và gây nên nỗi khiếp đảm với các tiểu thương. Hắn và đàn em tự cho quyền thu tiền bến bãi và sẵn sàng “xử đẹp” với những người chống đối mình.

Năm 1991, do mâu thuẫn với một người đàn ông tên Đạt trên phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Khánh “Trắng” đã đâm chết anh này. Là nghi can chính của vụ án, nhưng Khánh “Trắng” lại trở thành người làm chứng. 

Hắn có đàn em Dũng “Phở” (24 tuổi) đứng ra nhận tội thay. Vụ án được khép lại với mức án tuyên cho Dũng “Phở” là một năm tù vì “giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng”. Không lâu sau, tên này ung dung ra tù.

Trinh sát đặc nhiệm trẻ Đào Anh Tuấn (cầm lái, bên phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp .

Thời điểm đó, Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng, trên đường chở trung úy Tuấn ra Bờ Hồ và rỉ tai giao nhiệm vụ: “Khánh là kẻ lộng hành, em phải nghiên cứu thế nào để đưa tội lỗi của tên này ra trước pháp luật”. Nhận được chỉ thị của sếp, trinh sát Tuấn đã âm thầm dựng chân dung của gã giang hồ Khánh “Trắng” và dựng lại vụ án giết người của tên trùm xã hội đen này.

Anh tiếp xúc với mẹ của nạn nhân Đạt và người phụ nữ mất con đã kể lại những bức xúc “không bày tỏ được cùng ai”. Bà phải bán cả nhà để đi kêu oan khắp nơi. “Bản án đã có hiệu lực nhưng tôi kiên quyết không bỏ cuộc. Tôi là người thích lẽ phải và ưa tìm ra chân lý, sự thật nên muốn chiến đấu đến cùng”, anh Tuấn cho biết.

Nhiều năm kiên trì, một ngày cuối tháng 5/1996, anh phát hiện Khánh “Trắng” cho một người đàn ông tên Mạnh ở phố Kim Mã (quận Ba Đình) vay nặng lãi. Do vỡ nợ nên anh Mạnh không trả được tiền cho Khánh “Trắng” dù đã bán 2 khách sạn ở số 71D và 71E Kim Mã. 

Khánh dẫn theo khoảng 60 đàn em cùng một số chủ nợ của ông Mạnh đến cưỡng chế, siết nợ tại hai khách sạn này mặc cho chủ mới giải thích đã mua và không liên quan đến con nợ của hắn. Khánh “Trắng” còn lập biên bản vụ "cưỡng chế" với sự chứng kiến của cảnh sát khu vực.

Ngay sau vụ “cưỡng chế” của trùm Khánh “Trắng”, trinh sát Tuấn xuống hiện trường thu thập thông tin, chụp hình, quay clip. “May mắn tôi thu được tờ biên bản Khánh tự lập về việc siết nợ hắn đưa lại một bản cho chủ mới của hai khách sạn. Đây là cơ hội nghìn năm có một để vạch tội Khánh”, anh Tuấn kể. Qua đó, trung úy Tuấn khẳng định, hành vi của Khánh “Trắng” thực chất là cướp tài sản.

Đội trưởng Hùng đã chỉ đạo anh làm chi tiết hiện trường vụ việc và báo cáo lên cấp trên. Không lâu sau, lệnh bắt Khánh “Trắng” được thực thi. Hàng loạt tay chân của trùm giang hồ bị bắt cùng “đại ca” của chúng. 

Cơ quan chức năng đã dựng lại những vụ cướp, đâm chém, vay nặng lãi, bảo kê của Khánh “Trắng” và đàn em. Vụ đâm chết anh Đạt trên phố Hàng Chiếu bị hủy án, điều tra lại, Khánh “Trắng” bị truy tố là hung thủ trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân. Trùm xã hội đen đất Hà thành bị xóa sổ, Khánh “Trắng” bị tuyên án tử hình vì nhiều tội danh hắn gây ra.

Trong suốt nhiều năm “chinh chiến” ở Đội cảnh sát đặc nhiệm, năm 2001, anh được cất nhắc lên đội phó, lúc đó ông Hùng đã giữ chức Phó phòng hình sự. Vẫn tinh thần của lính đặc nhiệm, anh bảo ăn, ngủ đều suy nghĩ đến việc tìm ra bản chất của vụ việc. 

Vốn thẳng tính, xuất thân từ dân toán nên với anh, logic là cốt lõi. Các vụ án luôn có những kết nối và anh luôn ghi nhớ các chi tiết từ nhỏ nhất rồi chắp vá chúng lại để tìm ra bản chất đúng, dựng lên chân dung kẻ phạm tội.

Anh chia sẻ, nhờ có đức tính đó nên cấp trên luôn tin tưởng giao nhiệm vụ mà “không cần phải nói nhiều”. Trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người, chặt xác phi tang, khi cơ quan điều tra xác định được nơi lẩn trốn của hắn, anh nhận được lệnh từ đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc công an Hà Nội: “Chỉ đạo tổ công tác lên Thái Nguyên”.

“Tôi luôn chỉ nhận được đề bài như vậy rồi trên đường đi mới biết mình phải làm gì. Sau khi trao đổi với đồng nghiệp nhanh chóng nắm bắt thông tin, đưa ra kế hoạch tác chiến, bắt giữ hung thủ”, anh Tuấn nói. Thời gian này, Phòng cảnh sát truy nã đã được thành lập, anh giữ chức đội trưởng với quân hàm trung tá.

Ngay khi đặt chân đến đất Thái Nguyên, tổ công tác của trung tá Tuấn được sự giúp đỡ từ công an địa phương, rà soát, xác minh mối quan hệ của hung thủ. Trong 6 tiếng lăn lộn với các kế hoạch chi tiết vạch ra, các anh đã bắt được Nghĩa khi hắn trốn ở nhà một người quen.

“Tôi đã trực tiếp khai thác Nghĩa trên đường di lý về Hà Nội. Ngay trong đêm và rạng sáng hôm đó, tôi cho anh em dẫn hắn đến những nơi cầm cố, tiêu thụ tang vật vụ án, những thứ quan trọng nhất cho việc chứng minh hành vi phạm tội của hung thủ”, anh Tuấn kể.

Trong những phút tâm sự về nghề, đến giờ đã lên chức Phó Phòng truy nã, quân hàm thượng tá, anh Tuấn nhiều lúc cũng thương vợ con. Năm 2002 anh kết hôn, khi vợ mang thai những tháng cuối, anh phải đi công tác hàng tháng trong Sài Gòn. 

Việc đi khám thai theo định kỳ của chị cũng không có mặt chồng ở bên. Đến giờ cậu con trai đã gần 10 tuổi, nhưng cậu bé chịu không ít thiệt thòi khi ngày sinh nhật vắng bố. “Nhiều lúc cũng chạnh lòng vì thấy con trai thân thiết với mẹ hơn. Tôi cũng chỉ biết cố gắng bù đắp dần cho cháu”, thượng tá Tuấn tâm sự.

Vợ anh lúc đầu cũng có cảm giác khó chịu vì chồng vắng nhà thường xuyên. Những việc sửa điện, nước của đàn ông, hay lúc xin học cho con, chị phải tự mình làm. Tuy nhiên, 10 năm sống với nhau, việc anh bị gọi đi công tác lúc 4h sáng, hay đang ăn dở bữa cơm cùng vợ con phải đứng dậy, chị dần quen và thông cảm với nghề của chồng. Anh xúc động bảo, nếu không có “hậu phương vững chắc”, anh không yên tâm với công việc của Nhà nước giao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại