Ngày 31-12-2015, một lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước xác nhận cơ quan này vừa ký quyết định kỷ luật khiển trách đối với Thẩm phán Nguyễn Đức Hùng (nguyên trưởng phòng Tổ chức cán bộ TAND tỉnh - hiện là chánh án TAND huyện Đồng Phú) và thư ký Nguyễn Nguyên Hoàng (nguyên thư ký TAND tỉnh Bình Phước, hiện là thẩm phán TAND huyện Đồng Phú).
Hai người này bị kỷ luật vì liên quan đến việc quên hồ sơ vụ án hơn bốn năm.
Trước đó Pháp Luật TP.HCM có bài “Ngâm án vì khó kết tội” phản ánh bà Tiêu Thị Sự (Bù Đăng, Bình Phước) gần 10 năm mang thân phận bị can.
Theo hồ sơ, tháng 9-2006, bà Sự cùng bốn người khác bị khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, gây thiệt hại cho Công ty Cao su Phú Riềng 1.055.000 đồng.
Đến tháng 5-2007, TAND huyện Bù Đăng xử phạt bà 10 tháng tù và bà kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước nhận định chứng cứ kết tội chưa rõ, lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn nên hủy án để xét xử lại.
Tháng 12-2008, TAND huyện Bù Đăng xét xử sơ thẩm lần hai, phạt bà Sự 10 tháng tù (bằng thời gian bà bị tạm giam) và bà lại tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Trong thời gian này, Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó nhóm tội xâm phạm sở hữu tăng mức định lượng. Riêng với tội hủy hoại tài sản thì mức thiệt hại phải trên 2 triệu đồng mới xử lý hình sự nếu không có các cấu thành khác.
Ngày 29-6-2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 33/2009 áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Vì vậy, tại phiên xử phúc thẩm lần thứ hai (tháng 9-2010), đại diện VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị HĐXX áp dụng Nghị quyết 33/2009 đình chỉ vụ án và bị can đối với bà Sự nhưng TAND tỉnh tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Tuy nhiên, sau khi hủy án tòa lại không chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại như án đã tuyên mà hơn bốn năm sau (ngày 26-12-2014), TAND tỉnh Bình Phước mới bàn giao hồ sơ cho VKSND huyện Bù Đăng!
Tiếp nhận hồ sơ và điều tra lại, ngày 28-3-2015, Công an huyện Bù Đăng kết luận: Hành vi của bà Sự không còn nguy hiểm cho xã hội và viện dẫn Nghị quyết 33/2009 để đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ bị can.
Về vụ án này, tháng 9-2015, TAND Tối cao đã có văn bản, chỉ rõ HĐXX cấp phúc thẩm sai sót nghiêm trọng. Cụ thể, lẽ ra phải đình chỉ vụ án như đề nghị của đại diện VKS thì lại tuyên trả hồ sơ.
Sau khi tuyên án lại không bàn giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Từ đó, lãnh đạo TAND Tối cao đề nghị chánh án TAND tỉnh Bình Phước chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan và TAND tỉnh Bình Phước đã kỷ luật như trên.
Mặc dù đã được đình chỉ nhưng bà Sự cho rằng mình bị oan, không có hành vi phạm tội. “Cơ quan tố tụng lấy lý do tài sản thiệt hại dưới 2 triệu đồng để đình chỉ vụ án theo Nghị quyết 33/2009 là chưa thỏa đáng.
Bởi tôi không có hành vi phạm tội và kêu oan ngay từ đầu nên tôi sẽ tiếp tục kêu cứu, yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường oan cho tôi” - bà Sự nói.
Cũng theo bà Sự, nếu không có chuyện tòa án tỉnh bỏ quên hồ sơ, bà đã không mang thân phận bị can từ năm 2010 đến nay.
Việc bỏ quên hồ sơ vụ án hơn bốn năm là do sơ suất của thẩm phán. Thẩm phán giải trình do xử lý nhiều án nên quên, đây là lỗi khách quan của thẩm phán thụ lý vụ án chứ không có vấn đề chủ quan, tiêu cực.
Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước