Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, smartphone đã trở thành thiết bị gần như không thể thiếu với nhiều người.
Theo đó, nhiều dịch vụ trực tuyến tiện ích cũng phát triển ồ ạt. Trong đó, có cả loại dịch vụ cờ bạc online. Đời sống & Pháp luật xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Thế giới đánh bạc online trên thiết bị di động".
Cờ bạc mọi lúc, mọi nơi
Thời gian gần đây, khi lướt mạng xã hội, chúng ta dễ thấy những quảng cáo vô cùng hấp dẫn như “Tham gia game online ngay để có cơ hội trở thành người chiến thắng.
Game ảo, rút tiền thật” xuất hiện với cường độ lớn, liên tục. Lời chào mời hấp dẫn, hình ảnh những cô gái bắt mắt thu hút bất kỳ ai lướt qua, không ít trong số đó đã tải về rồi trở thành con bạc lúc nào không hay.
Có hàng chục phần mềm cờ bạc trên thiết bị di động đang tồn tại với số lượng trò chơi đa dạng từ ba cây, tá lả, tiến lên cho tới bầu cua, xóc đĩa, … nhằm phục vụ đầy đủ tất cả những yêu cầu của “thượng đế”.
Chỉ cần có một thiết bị di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, dù bạn ở bất cứ nơi đâu vẫn có thể truy cập và tham gia chơi.
Cờ bạc trực tuyến đang móc túi người chơi
Mỗi một trò chơi trong phần mềm đều phân cấp bàn chơi dựa vào số tiền ảo người chơi đang có, với số tiền ban đầu khoảng 100 xu như đã nói ở trên, người chơi thường chỉ tham gia được vài ván là hết tiền.
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu của quá trình “hút máu” những ai đã trót tải và tham gia chơi. Để tìm hiểu sâu hơn, người viết đã tải về 1 phần mềm được quảng cáo là thu hút hơn 50.000 lượt chơi hàng tháng.
Ngay sau khi đăng ký tài khoản rồi đăng nhập, người chơi được nhà cung cấp tặng 100 xu (ở các phần mềm khác tiền ảo có thể được gọi là coin, bom, vàng, …) để làm vốn ban đầu.
Để tiếp tục tham gia các ván chơi, người sử dụng dịch vụ phải nạp thêm tiền bằng thẻ cào điện thoại, tin nhắn hoặc thanh toán qua thẻ tín dụng.
Sau khi thanh toán, tài khoản ảo ngay lập tức sẽ có thêm tiền để tham gia cược.
Với mỗi ván cược thấp nhất là 10 xu cho đến vô cùng, người chơi nạp vào bao nhiêu tiền cũng có thể tham gia cược với các bàn chơi tương ứng với số tiền mình đang có.
Thế nhưng, với những trò chơi ảo được các kỹ sư phần mềm viết code như thế này, không ai kiểm soát được tính chính xác, sự công bằng của hệ thống chơi.
Nợ nần vì game ảo, tiền thật
Qua vài người giới thiệu, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật tìm gặp anh Nguyễn Văn B, người từng là chủ một siêu thị mini trên phố Kim Ngưu, trước khi trở thành con nợ vì nghiện game cờ bạc.
“Ngày đầu mình biết đến trò chơi B… (một game ảo đổi tiền thật có tiếng trong thời gian qua – PV) là thông qua một người bạn. Vì công việc quản lý siêu thị mini cũng khá nhàn rỗi nên mới tải game về để chơi giết thời gian.
Ban đầu chỉ là anh em, bạn bè cùng chơi với nhau nhưng về sau càng ngày càng ham nên lê la hết bàn này bàn chơi khác. Mới chơi thì nạp thẻ 50 - 100 nghìn, về sau, khi ham rồi thì thẻ 500 nghìn đồng cũng nạp.
Ngoảnh đi, ngoảnh lại hộp thẻ mua để bán cho khách gần 100 triệu không cánh mà bay trong vòng 3 tháng tôi “bập” vào game” – Anh B cho biết.
Người giàu đã vậy, người nghèo vì hám tiền cũng không khá hơn. Cả hai trò chơi được nêu tên phía trên đều đã từng quét qua và tạo nên cơn sốt ở nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều sinh viên đã nhịn ăn, nhịn mặc, dùng hết cả tiền tiết kiệm lẫn tiền học để đầu tư vào với hi vọng vừa chơi vừa kiếm thêm.
Thế nhưng, chẳng những không thu được lợi nhuận, rất nhiều sinh viên đã lâm vào nợ nần với những sới bạc online.
Theo tìm hiểu của người viết, có thời gian, anh B là nhà cái nức tiếng của người chơi sử dụng phần mềm B. Gần như bất cứ lúc nào, anh B cũng là nhà cái của những phòng to nhất, được xưng tụng là “tỷ phú” trong những bàn chơi bầu cua (một trò chơi dân gian).
Chính cái danh vô hình đấy, cùng máu thắng thua đã khiến vợ chồng anh B trở nên căng thẳng, cãi vã nhau vì mất số tiền quá lớn.