Những ngày qua, người dân xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) sống trong nỗi bàng hoàng khi chứng kiến vụ thảm án chồng giết vợ tại đây. Ở miền quê ven đô thanh bình này, không một ai dám tin Lưu Xuân Việt (SN 1983) lại có thể gây ra hành vi táng tận lương tâm đến thế chỉ vì bị vợ cũ từ chối nối lại tình xưa.
Việt đã dùng dao chọc tiết lợn giấu sẵn trong người, đâm liên tiếp vào mặt chị Trần Thị Nhung (SN 1992), người từng có thời gian dài cùng mình “đầu ấp má kề” rồi kéo lê xác nạn nhân cho đến lúc chết ngay trước cửa trụ sở Công an xã Bình Dương.
Nỗi đau làm cạn khô nước mắt
Hành động của Lưu Xuân Việt, theo chúng tôi tìm hiểu, là sự kết thúc của một tình yêu đầy ngang trái. Ở thôn Gia Phú (nơi Việt và nạn nhân sinh ra, lớn lên rồi thành gia lập thất với nhau), người dân vừa lắc đầu trước vụ án quá bi thảm, vừa tặc lưỡi xót thương cho cuộc đời ngắn ngủi và quá ít hạnh phúc của một cô gái nết na trót gửi nhầm tình yêu cho kẻ xấu.
Chị Hoa, một người dân thôn Gia Phú bảo: “Khổ thân con bé Nhung, lấy phải thằng chồng ghen tuông mù quáng, nó tối ngày bị đánh đập. Hai ba ngày nay, cái Nhung chết rồi, chỉ còn ông nó ngồi ủ rũ, khóc đến cạn cả nước mắt”.
Cũng như chị Hoa, người thôn Gia Phú chẳng ai không cảm thán khi nhắc đến ông Trần Văn Soạn (SN 1940), ông nội nạn nhân. Người chết tủi phận đã đành. Nhưng với người còn ở lại sau tấn bi kịch, nỗi đau dai dẳng, cào xé cũng thật khó diễn tả.
Trong ngôi nhà nhỏ phủ màu tang thương, tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau này khi chứng kiến những đứa em của Nhung mặt mũi lấm lem, thất thần nhìn di ảnh mẹ và chị gái. Giữa nghi ngút khói nhang, ông Soạn cất giọng trầm buồn đến tái tê: “Mẹ nó mới mất vì bệnh hiểm nghèo chưa được 30 ngày, giờ đến cái Nhung bị chồng cũ giết hại. Nhà tôi đã làm gì nên tội mà ra nông nỗi này”.
Chỉ nói được đến đấy, mắt ông nhoè đi, giọng nghẹn lại trong cổ họng không bật ra được. Những giọt nước mắt mặn đắng lăn trên gò má nhăn nheo của ông Soạn khiến 3 đứa cháu mất chị, mồ côi mẹ nhìn theo khóc nức nở trước bi kịch tang trùng tang.
Một lúc lâu sau đó, ông Soạn mới lấy lại bình tĩnh, kìm được cảm xúc. Ông trải lòng về nguồn cơn bi kịch của cô cháu gái có số phận hẩm hiu. Ông Soạn có 5 đứa cháu nội thì Nhung là cháu thứ 2. Khi Nhung học hết lớp 9 thì mẹ chị bị bệnh nan y. Nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chuyện con chữ Nhung phải gác lại. Mới 15 tuổi, Nhung khăn gói theo bạn vào miền Nam lao động kiếm tiền gửi về cho mẹ thuốc thang. Ba năm đi làm, chị cũng chỉ dám về thăm gia đình đúng một lần.
Ông Soạn cho biết: “Dịp Tết 2010, Nhung về thăm nhà. Lúc đó, nó vừa đủ 18 tuổi. Mẹ nó lúc đó rất yếu, lúc nào cũng sợ ra đi mà con cái chưa yên bề gia thất. Bởi thế, vừa có người trong làng dạm hỏi cái Nhung cho thằng Việt, mẹ nó đồng ý ngay. Cháu tôi vì không muốn mẹ phiền lòng nên thuận theo sự sắp đặt. Nghĩ lại càng thêm tủi lòng, chứ nó chưa có lấy một ngày để kịp tìm hiểu chồng tương lai của mình tốt xấu như thế nào”.
Kể đến đây, ông thở dài, tự trách bản thân: “Thằng Việt vốn cũng là người trong làng, tôi còn lạ gì cái tính chơi bời, nghịch ngợm của nó. Lúc con Nhung gật đầu lấy nó, tôi cũng khuyên cháu nên xem lại. Nhưng con bé bảo: “Mẹ cháu cũng chẳng được bao nhiêu lâu nữa. Cháu muốn mẹ sống vui vẻ những ngày cuối đời ông à. Tương lai cháu sau này sướng khổ cháu chịu””. Thấy cháu mình nói vậy, ông Sáng cũng chỉ biết im lặng.
“Sợ con cháu sau này trách ông nội “rẽ duyên” nên tôi chỉ biết thầm cầu cho cuộc sống của cháu Nhung được hạnh phúc. Nếu ngày ấy, tôi nhất quyết phản đối thì giờ đã không ra cảnh như thế này”. Nói đến đây, giọng ông Soạn như lạc đi, những giọt nước mắt ân hận của người làm ông hết lòng thương yêu con cháu, thậm chí đã dự cảm trước chuyện chẳng lành, nhưng giờ thì đã quá muộn.
Cô gái trẻ về làm vợ được một thời gian thì bao sóng gió ập đến. Hạnh phúc đâu chẳng thấy, chỉ có những trận đòn ghen tàn ác của Việt biến cuộc sống của Nhung thành địa ngục trần gian. “Việt làm nghề lái xe Bắc Nam phải đi xa nhà thường xuyên. Mọi việc trong gia đình nhà chồng, cháu tôi một tay lo toan gánh vác.
Thế mà không những không yêu thương vợ, thằng Việt còn nghi ngờ Nhung quan hệ lăng bất chính. Nó thường xuyên đánh đập vợ vô cớ, nhất là những lần uống rượu vào. Tôi còn nhớ chiều mùng 2 Tết vừa rồi, sau khi uống rượu say, nó đã nhốt vợ trong nhà rồi dùng thanh sắt đánh đập cái Nhung một cách tàn bạo. Nếu không có anh Lưu Văn Bắc (anh ruột Việt - PV) đi chơi về phát hiện can ngăn kịp thời thì hôm ấy cháu tôi đã bị đánh đến chết rồi”.
Không thể chịu đựng cuộc sống tù ngục, tháng 3/2013, chị Nhung đâm đơn xin ly hôn. Việt xin quyền nuôi đứa con chung mới tròn 18 tháng tuổi của hai vợ chồng. Thương con nhưng chị Nhung không thể tiếp tục cuộc sống với người chồng rượu chè, vũ phu. Còn Việt, dù đã ký vào đơn ly hôn nhưng vẫn không buông tha cho vợ cũ. “Hai đứa nó ly hôn được một tháng thì thằng Việt đến chửi bới, lăng mạ bố mẹ vợ. Tôi ra kêu nó về, nó còn định hành hung cả tôi”, ông Soạn bức xúc.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Câu chuyện giữa người viết và ông Soạn bị ngắt quãng liên tục bởi những giọt nước mắt. Ngày Nhung mới thoát khỏi người chồng vũ phu, chị sống trong hoảng loạn lo lắng và sợ hãi. Nhìn thấy cháu mình như vậy, ông Soạn như đứt từng khúc ruột.
Ông đắng đót kể lại: “Tôi còn nhớ hôm 29/6, Việt đến công ty may Lương Tài (Bắc Ninh) tìm gặp cái Nhung và yêu cầu nó nối lại mối quan hệ vợ chồng nhưng bị cháu tôi từ chối. Thuyết phục mãi không được, thằng Việt nổi máu điên, nhặt lấy viên gạch ven đường đập liên tiếp vào đầu vào mặt khiến cái Nhung phải nằm viện hàng tuần trời”, ông Soạn kể lại.
Quá bức xúc trước hành vi ngang ngược của Việt, ngày 30/6, ông Soạn đưa cháu gái mình lên Công an xã Bình Dương để trình báo thì được hướng dẫn viết đơn gửi tới Công an huyện Lương Tài, nơi xảy ra vụ việc. Trước một ngày lấy sinh mạng vợ cũ (ngày 8/7), Việt đã liên tục nhắn tin cho chị Nhung đe dọa. Ông Soạn cho biết: “Tin nhắn cuối cùng mà Việt nhắn cho cháu gái tôi có nội dung: “Nếu mày không quay lại với tao, thì phải biến khỏi làng này. Nếu không đừng trách tao...”. Tưởng nó quen thói cục cằn, nói dọa vậy thôi, ai ngờ nó lại giết cháu tôi thật”.
Uất nghẹn nhớ lại ngày cô cháu nội bị đâm ngay trước mặt mình, khuôn mặt ông lộ rõ sự căm phẫn. Sáng 9/7, Công an xã Bình Dương hẹn ông Soạn, chị Nhung và Việt lên trụ sở UBND xã để giải quyết vụ hành hung hôm trước. Khi đang làm việc tại trụ sở UBND, Việt xin phép gọi chị Nhung ra nói chuyện. Sau đó, Việt gặp ông Soạn xin lỗi rồi nhờ ông khuyên Nhung quay về hàn gắn tình xưa, nhưng ông Soạn nhất quyết từ chối.
Khi biên bản sắp hoàn thành, Việt một lần nữa lại xin phép mọi người được nói chuyện riêng với Nhung. “Hai đứa nó ra bên ngoài hiên cách phòng làm việc của công an xã khoảng 3 mét. Mấy phút sau, chúng tôi bất ngờ nghe tiếng cái Nhung kêu thất thanh.
Tôi vội chạy ra thì Việt một tay cầm dao dính đầy máu, một tay túm tóc kéo cháu tôi đi dọc hành lang. Tôi lao tới túm lấy tay mà Việt đang cầm hung khí khoá ngược lại. Việt hụt thế buông cái Nhung ra định chạy trốn thì bị 2 cán bộ Công an xã Bình Dương giữ lại. Do vết thương quá nặng, cháu tôi đã tử vong trên đường đi cấp cứu”, Ông Soạn xót xa cho biết.
Tấn bi kịch có thể đã khác…
Chuyện cháu ông mất mạng đã rồi, nhưng điều khiến ông Soạn bức xúc nhất là “UBND xã Bình Dương và ban Công an xã mời cháu tôi lên làm việc đã không bảo vệ được tính mạng của công dân. Sau khi bắt được hung thủ nhốt vào phòng, tôi kêu người ra cấp cứu cho cháu Nhung, nhưng không một người nào xuất hiện, dù thời điểm đó đang là giờ làm việc của UBND xã Bình Dương. Đến khi người nhà tôi đến, cháu Nhung mới được đưa đi bệnh viện nhưng quá muộn”.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Dư, Phó trưởng Công an xã Bình Dương cho biết: “Ngoài ông thì có hai Công an viên Phạm Văn Hả, Lưu Văn Quang trực ở trụ sở hôm đó. Ngay khi xảy ra sự việc, tôi và các đồng chí khác đã nhanh chóng kết hợp với ông Soạn bắt gọn hung thủ”. Trước những bức xúc của ông Soạn, ông Dư cũng thừa nhận vì sắp hết giờ làm, cán bộ làm việc ở trụ sở UBND xã nhiều người đã về nên không ra sơ cứu kịp thời cho chị Nhung.