Làm rõ vai trò đồng phạm của Thoại
Liên quan đến vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Bình Phước, Viện kiểm sát tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với nghi can Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, Trà Ôn, Vĩnh Long) để điều tra về hành vi Giết người và Cướp tài sản.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sự Phạm Công Út (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam nghi can thứ 3 trong vụ án ở Bình Phước chắc chắn là thông qua việc điều tra, lấy lời khai của nghi can Nguyễn Hải Dương.
Theo Luật sư Út, thông tin trên báo chí cho biết, Thoại được cho là người đầu tiên mà nghi can Dương rủ cùng tham gia thực hiện vụ thảm án.
Thoại đồng ý với lời rủ của Nguyễn Hải Dương cùng tới nhà nạn nhân Lê Văn Mỹ (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) để cướp giết.
Nhưng sau đó, do có lý do khách quan ngoài ý muốn của các đối tượng này nên Thoại không thực hiện được tội ác cùng với Dương.
"Về mặt khoa học pháp lý, ở đây, nếu đúng Thoại đã bàn bạc, đồng ý và đi cùng Dương từ TP.HCM xuống Bình Phước để cướp nhưng sau đó vì lý do nào đó nên không thực hiện tội ác thì hành vi đó vẫn được coi là đã hoàn thành rồi dù chưa xảy ra hậu quả.
Nói cách khác hành vi của Thoại ở đây là phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần điều tra đầy đủ và toàn diện các chứng cứ trong hồ sơ.
Tiến hành lấy lời khai của Thoại, Dương, Tiến và những người liên quan về việc để làm rõ vai trò đồng phạm của đối tượng Thoại cụ thể như thế nào", luật sư Út nói.
Đồng quan điểm đó, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VP Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, để khẳng định Thoại có đồng phạm với Dương và Tiến hay không cần tiến hành điều tra làm rõ đầy đủ và toàn diện các chứng cứ trong hồ sơ.
"Tiến hành lấy lời khai của Trần Đình Thoại, Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và những người liên quan về việc Thoại có sự bàn bạc với Dương về việc thực hiện tội phạm hay không.
Bởi theo quy định tại Khoản 1, Điều 20, Bộ luật Hình sự: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”", luật sư Hòe cho hay.
Cũng theo luật sư Hòe, nếu đúng Thoại có bàn bạc với Dương nhưng sau đó, không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì cũng không được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.
"Bởi vì theo quy định tại Điều 19, Bộ luật Hình sự: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”.
Ở đây, sau khi bàn bạc với Dương về việc thực hiện tội phạm Thoại đã không thực hiện tội phạm cùng Dương.
Thêm vào đó, Thoại cũng không khai báo với cơ quan công an về sự việc để có biện pháp ngăn chặn hành vi phạm tội của Dương do đó Thoại không được miễn trách nhiệm hình sự", luật sư Hòe nhấn mạnh.
Luật sư Hòe cũng đề nghị, ngoài việc làm rõ vai trò đồng phạm của Thoại, các cơ quan chức năng cần làm rõ lý do tại sao đối tượng này dừng, không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo luật sư Hòe, trong trường hợp, sau khi tiến hành điều tra, cơ quan điều tra xác định trường hợp Thoại không phải là đồng phạm với Dương và Tiến thì Thoại có thể bị truy tố về tội “không tố giác tội phạm”.
"Bởi nếu Thoại biết về việc thực hiện tội phạm của Dương nhưng không tố giác thì phải chịu về việc này theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự", luật sư Hòe nói thêm.
Còn theo luật sư Phạm Công Út, trong trường hợp, nếu lời khai của Thoại và các lời khai, chứng cứ xác định Dương đã bàn với Thoại như đúng với Tiến thì đối tượng này đã phạm tội Giết người và Cướp tài sản.
"Trong trường hợp xác định rõ sự bàn bạc, đồng phạm Thoại thì đối tượng này cũng sẽ bị truy tố về hai tội danh Giết người theo Điều 93 Bộ Luật hình sự và Cướp tài sản theo điều 133 Bộ Luật hình sự dù rằng chưa thực hiện hành vi nào.
Bởi đối tượng này biết, đã thực hiện hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích, nói cách khác là Thoại phạm tội chưa đạt.
Căn cứ vào các hành vi mà hai đối tượng Dương và Tiến gây ra thì cơ quan điều tra có đủ căn cứ để khởi tố theo khoản 1 Điều 93 về tội Giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Đối với tội Cướp tài sản theo Điều 133 thì cũng có thể khởi tố theo khoản 4 với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Việc xem xét căn cứ cụ thể để đưa ra khung hình phạt đối tượng Thoại này sẽ phải do các cơ quan tố tụng khi đưa vụ án ra xét xử quyết định.
Tuy nhiên, có thể sẽ được xem xét giảm nhẹ hơn so với hai đối tượng Dương và Tiến", luật sư Út nêu quan điểm.
Hồ sơ vụ án cho hay do bị con gái ông Mỹ là chị Lê Thị Ánh Linh (SN 1991) chia tay nên Dương hận tình và lên kế hoạch sát hại các nạn nhân để trả thù. Dương đã lừa Tiến cùng thực hiện kế hoạch này.
Tối 6/7, cả 2 chạy từ TP HCM đến Bình Phước đột nhập vào nhà ông Mỹ. Sau khi mở cổng, Dương và Tiến trói tay, bịt miệng rồi giết em Vỹ ngay ở cổng nhà.
Sau đó, 2 nghi can tiếp tục vào nhà trói và lần lượt giết hại dã man 5 người trong gia đình. Duy nghỉ có con gái út 18 tháng tuổi của ông Mỹ được Dương tha.
Ngày 10/7, cơ quan công an đã ập vào bắt khẩn cấp Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến rồi đến ngày 13/7, Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 2 nghi can để điều tra về hai tội danh: giết người và cướp tài sản.