Ngày 20-1, TAND TP HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Đinh Quang Duy (SN 1983, ngụ quận 7) theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND quận 1, TP HCM.
Mức án quá nhẹ
Theo bản án sơ thẩm, khuya 8-5-2013, Đinh Quang Duy điều khiển ô tô trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) đã đụng anh Ngô Quang Thọ (nhân viên vệ sinh Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1) đang quét rác tại dải phân cách ở giữa tim đường khiến nạn nhân tử vong do đa chấn thương. Ngày 12-11-2013, TAND quận 1 tuyên phạt bị cáo Duy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo nên Viện trưởng VKSND quận 1 đã kháng nghị bản án.
Theo nội dung kháng nghị, sau khi vụ án được xét xử, VKSND quận 1 nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ vụ án, nhận thấy kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Bệnh viện Sài Gòn đối với Đinh Quang Duy là 2.0 g/lít. Tuy nhiên, quá trình truy tố và xét xử đã không chính xác trong việc quy đổi nồng độ cồn trong máu đối với bị cáo Duy. Hành vi của bị cáo đủ căn cứ để truy tố theo điểm b, khoản 2, điều 202 Bộ Luật Hình sự, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Duy thừa nhận đã sử dụng rượu bia trước khi điều khiển ô tô nhưng phủ nhận việc bỏ chạy sau khi gây tai nạn. “Bị cáo có uống vài ly bia nên trong lúc lái xe thấy hơi mệt một chút... Lúc phát hiện anh Thọ ở khoảng cách khá gần, bị cáo không xử lý kịp nên đã xảy ra tai nạn. Sau đó, bị cáo có nghe một người thanh niên chạy theo kêu. Do quá hoảng loạn, bị cáo lái xe chạy thêm một đoạn nhưng sau đó đã quay lại hiện trường và vào bệnh viện thăm hỏi nạn nhân” - Duy phân trần. Bị cáo Duy xin được tại ngoại để kiếm tiền phụ gia đình nạn nhân nuôi 2 con nhỏ và bản thân cũng có con mới hơn 1 tuổi.
Nghe bị cáo nói, chủ tọa phiên tòa phân tích: “Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; nghiêm cấm người điểu khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc
0,25 mg/lít khí thở. Đằng này, kết quả giám định cho thấy nồng độ cồn trong máu của bị cáo là 200 mg/100 ml máu...”.
Nạn nhân không có lỗi
Tranh luận với bị cáo về tình tiết có bỏ chạy sau khi gây tai nạn hay không, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa nói: “Bị cáo tông nạn nhân văng một đoạn khá xa rồi lái xe chạy thêm 400 m, khoảng cách đó không thể nói là gần. Mặt khác, xe của bị cáo bị bể kính chiếu hậu, nứt kính trước, chứng tỏ lực tông khá mạnh. Tại phiên tòa hôm nay, VKSND TP HCM bổ sung tình tiết bị cáo gây tai nạn xong bỏ mặc hậu quả xảy ra. Ngoài ra, nạn nhân có mặc áo phản quang, cấp sơ thẩm nhận định nạn nhân có lỗi là chưa chính xác. Việc không có biển cảnh báo không phải là nguyên nhân chính của vụ tai nạn. Trong vụ án này, lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Vì vậy, việc truy tố, xét xử bị cáo ở khoản 1, điều 202 Bộ Luật Hình sự và xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là thiếu sót, gây bức xúc trong dư luận”.
Trước đó, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, một thẩm phán TAND TP HCM đã trao đổi với chúng tôi: “Theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, việc gây tai nạn chết người không nên cho hưởng án treo. Người gây tai nạn đến bệnh viện thăm hỏi, động viên gia đình, bồi thường một phần thiệt hại chỉ là tình tiết chứng minh sự ăn năn của anh ta để tòa xem xét khi định tội”.
3 năm tù giam
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai nhân chứng và thừa nhận của Đinh Quang Duy tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy bị cáo điều khiển ô tô trong tình trạng đã uống rượu bia. Tuy nhiên, sau khi gây án, bị cáo đã đến bệnh viện thăm hỏi nạn nhân, hợp tác với CQĐT nên bác yêu cầu xem xét tình tiết gây tai nạn rồi bỏ chạy của đại diện VKSND TP HCM.
HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm của TAND quận, tăng từ 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo lên 3 năm tù giam đối với bị cáo Duy.