Nhiều người tận mắt chứng kiến khẳng định chắc chắn rằng một vụ bắt cóc trẻ em may mắn được người dân phát giác. Đứa trẻ sau đó đã được bàn giao cho Công an phường 12, quận 11. Nhưng sự thực thì…
Chuyện cha con, dân đồn bắt cóc
Cụ thể, khoảng 1 giờ chiều 22-3, rất nhiều tài khoản Facebook đồng loạt đăng tin về vụ việc này.
Trong đó, chủ tài khoản LKN, người chứng kiến sự việc và trực tiếp ôm đứa bé từ người đàn ông (bị cho là kẻ bắt cóc) giao lại cho công an chia sẻ: Lúc đó đứa trẻ khóc rất dữ, hàng trăm người cùng đứng lại đều chứng kiến sự việc.
Chỉ khi trực tiếp giao đứa trẻ cho công an, chị mới yên tâm ra về. Câu chuyện chị chia sẻ trên Facebook chỉ sau vài tiếng đã có hơn 1.000 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.
Nhiều phụ huynh không giấu được lo lắng trước sự an toàn của con em mình.
Để kiểm chứng thông tin trên, chúng tôi đã có mặt tại 1183c Ba Tháng Hai, phường 8, quận 11, nơi diễn ra câu chuyện. Lúc này người dân địa phương khẳng định: Đó chỉ là hiểu nhầm, không hề có vụ bắt cóc trẻ em ở đây.
Ông Trần Đức Mạnh (SN 1962) trú 182 Tạ Uyên, làm nghề sửa xe, chạy xe ôm mấy chục năm nay ngay ngã ba nơi vụ việc diễn ra kể lại: “Lúc đó hơn 10 giờ trưa. Thấy đứa trẻ cứ khóc hoài nên người ta nghi, đến đoạn đèn xanh đèn đỏ chỗ này (Ba Tháng Hai giao Tạ Uyên) thì người dân chặn lại.
Người ta đứng xem đông lắm, có cả công an ở đó. Nhưng đó là cha đứa trẻ mà, tôi nghe rõ đứa trẻ lên xe vừa khóc vừa nói: “Cha, cha đi về không mua đồ chơi nữa”.
Cậu nhóc kêu cha rõ ràng, người dân đây bảo thằng nhỏ sống với mẹ từ nhỏ, hôm nay cha nó vào muốn đưa đi chơi nhưng đi được một đoạn thì bé khóc đòi về với mẹ.
Với lại khi bị người dân chặn lại, người đàn ông dắt xe lên vệ đường, tắt máy bế đứa trẻ xuống, nếu là bắt cóc trẻ con thật thì khi bị người dân chặn nó phải hốt hoảng bỏ đi rồi chứ, đâu đứng đó dỗ vậy nữa.
Vậy mà không hiểu sao người ta cứ đồn là bắt cóc”. Ông Mạnh lắc đầu cười trừ.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, Công an phường 12, quận 11 cũng xác nhận đó chỉ là mâu thuẫn gia đình, không phải là bắt cóc trẻ con như cộng đồng mạng đồn thổi.
“Ngẫm kỹ bảy lần trước khi gõ”
Tương tự, ngày 28-1, trên các diễn đàn mạng lan truyền thông tin một em bé 12 tháng tuổi bị bắt cóc giữa chốn đông người ở TP.HCM.
“Ngay trước ngõ nhà em, đường Nguyễn Trọng Tuyển sầm uất giao với Nguyễn Đình Chính, Phan Đình Phùng có hẳn đồn công an phường luôn. Bà ẵm cháu 12 tháng tuổi ngồi xe đẩy đi dạo.
Có hai thằng đi xe máy nhảy xuống bế đứa cháu ẵm đi luôn, mà chợ nhé, đồn công an nhé, cửa hàng đầy rẫy nhé (quần áo, đồ ăn, hủ tíu, bánh mì, mì Quảng…) mà bà đứng hình luôn.
Giờ thấy bà và cha mẹ đang khóc lóc ngất lên ngất xuống ở đồn công an mà sợ cứ ôm chặt con mình” - một trang Facebook viết.
Cũng chia sẻ nội dung bắt cóc nói trên, thậm chí khẳng định bản thân và hai đồng nghiệp trong công ty cùng chứng kiến, Facebook Tr. còn kể thêm chuyện người cha đẩy xe đưa con mình đi chơi thì con bị người lạ bắt mất.
Thông tin này khiến nhiều gia đình có trẻ nhỏ lo lắng vì sự táo tợn của bọn bắt cóc cũng như sự bất lực của công an.
Tuy nhiên, khi trực tiếp gặp “nạn nhân” và những người dân xung quanh, chúng tôi lại ghi nhận được một câu chuyện khác. Sự thật là người cha muốn giành quyền nuôi con nên đã đến bắt bé đi.
Công an phường 15, quận Phú Nhuận, xác nhận đó chỉ là tranh chấp quyền nuôi con giữa hai vợ chồng chứ không phải vụ bắt cóc như cộng đồng mạng đồn đại.
Hiện nay, những thông tin bắt cóc trẻ con được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội nhưng thực tế, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí rất nhiều người a dua, dựng chuyện để câu like bán hàng, tăng lượng người theo dõi.
Facebook là ảo nhưng hệ lụy của nó là thật. Vẫn biết rằng cẩn thận sẽ không bao giờ thừa nhưng liệu các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy thế nào khi suốt ngày đọc được những thông tin bắt cóc trẻ con như vậy?
Cha ông ta có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì trong xã hội hiện đại hôm nay “Ngẫm kỹ bảy lần trước khi gõ, chia sẻ cũng không thừa”.