Ngày 5.5, luật sư Lưu Tiến Dũng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trần Xuân Giá cho biết ông vừa thay mặt thân chủ mình gửi đơn kiến nghị đến TAND TP Hà Nội và VKSND TP Hà Nội về một số vấn đề liên quan đến việc mở lại phiên tòa xét xử vụ án “bầu Kiên”.
Theo đơn kiến nghị này, tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá đã trở nên tồi tệ hơn từ ngày 26.4. Trong khi làm các xét nghiệm để chuẩn bị mổ u xơ tiền liệt tuyến, kể cả làm sinh thiết vì có nghi vấn cao về ung thư bộ phận này, ông Giá đã bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng máu gây sốt cực cao đến 42 độ, gây co giật mạnh, mê man hoàn toàn, huyết áp tụt xuống chỉ còn 70/50..., nguy cơ gây tử vong rất cao.
Nhưng nhờ Hội đồng chuyên môn của Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương gồm các giáo sư đầu ngành cùng các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị đưa ra phác đồ điều trị tích cực nhất có thể nên ông Giá qua được cơn nguy kịch.
Sau hơn một tuần được Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị chữa trị tích cực, sức khỏe của ông Giá tuy khá hơn nhưng vẫn còn rất yếu, đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài để hồi phục. Sau đó các bác sĩ mới có thể thực hiện các bước điều trị tiếp theo như dự định ban đầu (mổ u xơ tiền liệt tuyến), cùng với việc tiếp tục điều trị những vấn đề sau khi mổ ung thư đại tràng mà ông Giá đã mổ cách đây 3 năm.
Cũng theo đơn kiến nghị, với mong muốn có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Giá đề nghị tòa cân nhắc thời gian mở lại phiên tòa cho đến khi ông điều trị xong tình trạng phì đại tiền liệt tuyến và hồi phục sức khỏe đủ để tham dự phiên tòa.
“Ông Giá suy sụp đi rất nhiều sau cơn nguy kịch và đang tích cực chữa trị nên khó có thể xác định khi nào ông Giá có sức khỏe để tham gia tố tụng tại Tòa. Sức khỏe của ông Giá lần này còn yếu hơn nhiều so với hôm mở phiên tòa lần trước vào ngày 16.4”, luật sư Lưu Tiến Dũng cho biết.
Do đó, theo luật sư Dũng, tòa chưa thể mở phiên xử lại khi tình trạng sức khỏe của ông Giá như thế bởi vì về nguyên tắc và theo quy định của tố tụng hình sự thì chỉ được xử khi có mặt của bị cáo để đảm bảo quyền bào chữa của họ mà Hiến pháp quy định.
Trả lời câu hỏi về trường hợp tòa cương quyết đưa vụ án ra xử lại mà không đợi ông Giá bình phục, luật sư Dũng cho rằng khi đó tòa án cần cân nhắc phương án nào đó phù hợp với pháp luật để xử lý đối với trường hợp này khi ông Giá đang điều trị các căn bệnh hiểm nghèo trong độ tuổi gần 80 với tình trạng sức khỏe rất yếu như thế.
"Đây là việc “cực chẳng đã” vì ông Giá luôn giữ quan điểm muốn có mặt tại phiên xử vụ án này để cùng với các đồng sự chứng minh hành vi vô tội của mình một cách sớm nhất. Tuy nhiên, với tình trạng bệnh tình hiện nay thì việc ra tòa là không thể đối với ông Giá”, luật sư Dũng khẳng định.
Trước đó, như đã thông tin, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và 8 bị cáo có liên quan vào ngày 16.4 đã bị hoãn vì tòa xác nhận bị cáo Trần Xuân Giá bệnh nặng, không thể có mặt.
Ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian luật pháp quy định mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, nếu bị cáo Trần Xuân Giá vì lý do sức khỏe không thể tham dự phiên tòa sẽ xem xét khả năng xét xử vắng mặt bị cáo này.
Để đảm bảo cho việc xét xử, TAND TP. Hà Nội cũng đã ra quyết định bắt tạm giam đối với 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) gồm các ông: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc ACB).
Như vậy, ngoài ông Trần Xuân Giá, 8 trong 9 bị cáo trong vụ án liên quan đến “bầu Kiên” đã bị bắt tạm giam.