Kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố giữ nguyên quan điểm đề nghị bảy án tử hình, trong đó có Tàng Keangnam và Lương Thị Thảo; đề nghị năm án chung thân, trong đó có Giàng Thị Sua (vợ Tàng Keangnam).
Theo dõi diễn biến trong bốn ngày xét xử vụ án này, chúng tôi thấy bị cáo Giàng Thị Sua chưa một lần thành khẩn nhận tội. Các câu trả lời của Sua trước HĐXX đều lặp lại có chủ ý như “Bị cáo không biết chồng bị cáo làm gì.
Tài sản của gia đình bị cáo có được đều do trồng mận, trồng ngô. Nếu chồng bị cáo làm gì có tội thì chồng bị cáo phải chịu thôi. Xin HĐXX cho bị cáo sớm về nhà với con của bị cáo…”.
Những lời khai này trái ngược hoàn toàn với lời khai của Sua trong quá trình điều tra. Tại cơ quan điều tra, Sua khai, biết rõ Tàng Keangnam và Tráng A Nếnh (em nuôi Tàng) chở 265 bánh heroin và hơn 500 viên ma túy tổng hợp giao cho Lương Thị Thảo.
Lúc đó, Sua xin đi cùng với mục đích sau khi giao ma túy xong thì Sua cầm tiền về. Ngoài ra, Sua còn đi hai lần với Tàng Keangnam giao ma túy cho Thảo và nhận tiền.
Không chỉ khai nhận trước cơ quan điều tra, mà trong một lần Tàng Keangnam, Sua và Nếnh đi ôtô chở theo 265 bánh heroin và hơn 500 viên ma túy tổng hợp để giao cho Thảo đã bị cơ quan Công an bắt quả tang.
Khi HĐXX hỏi về nguồn gốc số tài sản mà vợ chồng bị cáo đang sở hữu, trong đó có căn nhà bảy tầng tựa vào “Tòa nhà Keangnam ở Hà Nội ” trị giá 6 tỷ đồng đang bị kê biên để phục vụ điều tra, Sua khai, việc mua căn nhà nhà là do bố đẻ bị cáo cho tiền.
HĐXX hỏi tiếp: “Bố mẹ đẻ cũng làm ruộng như bị cáo thì lấy đâu ra nhiều tiền như thế để cho bị cáo?”, Sua trả lời lí nhí: “Bị cáo không biết”.
Xin nói thêm rằng, bố đẻ của Sua chính là Giàng A Đua cũng trực tiếp tham gia vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy này. Đua đã nhiều lần thoát hiểm trong các vụ án ma túy khác khi đồng bọn lần lượt bị bắt và bị tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình.
Đến nay, khi cả con gái và con rể đều bị bắt và đưa ra xét xử thì Đua vẫn may mắn trốn thoát.
Trước sự quanh co chối tội của Sua, HĐXX đã dẫn chứng lời khai của Sua và lời khai của bố đẻ Tàng Keangnam là bị cáo Tráng A Chư tại cơ quan điều tra là “Nhà và xe là của Tàng Keanganam. Số tiền Tàng có được để mua nhà và mua xe là do mua bán ma túy”.
Quá trình xét hỏi, HĐXX tiếp tục làm rõ lời khai của Tàng Keangnam về nguồn gốc tài sản của bị cáo đang bị thu giữ là bốn xe ôtô, trong đó có một xe Lexus, hai xe hiệu Toyota, Tàng Keangnam còn bị thu giữ nhiều tài sản nhà đất có giá trị lớn.
Đáng chú ý là trong số tài sản bị thu giữ, Tàng Keangnam chơi rất sang khi khai rằng, đã bỏ tiền mua tượng thân con hoẵng, đầu con gà trị giá 5.000 USD; cặp kính đeo mắt trị giá 4.000 USD.
Về quyền sở hữu hàng chục mảnh đất, trong đó có căn nhà bảy tầng tựa vào “Tòa nhà Keangnam ở Hà Nội” và xe ôtô trị giá tiền tỷ, Tàng Keangnam khai “Số tài sản đó là do bị cáo đi buôn… mận từ năm 2000 mà có”.
Câu trả lời của Tàng Keangnam về nguồn gốc tài sản khổng lồ đang bị kê biên hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của vợ và bố đẻ Tàng Keangnam tại cơ quan điều tra.
Về hành vi giao dịch tiền mua bán ma túy, bị cáo Thảo khai thêm, mỗi khi thực hiện giao dịch mua bán ma túy, Tàng Keangnam và đồng bọn thường tháo heroin trên xe ôtô đã được xếp vào ba túi va ly có tay kéo để bàn giao cho Thảo.
Sau khi nhận và bàn giao “hàng” cho các đầu mối, Thảo cho tiền (mỗi lần hàng chục tỷ đồng) vào va ly mang lên Hà Nội trả cho Tàng Keangnam. “Do tin tưởng bị cáo nên Tàng Keangnam không bao giờ đếm tiền bị cáo đưa.
Trong 12 lần bị cáo thực hiện giao dịch ma túy với Tàng Keangnam, số lượng giao dịch ma túy liên tục tăng dần về số lượng từ hàng chục bánh lên hàng trăm bánh”, Thảo khai trước tòa.
Tham gia xét hỏi về hành vi phạm tội của Sua, đại diện Viện kiểm sát cho biết, bản thân Sua nhiều lần khẳng định, trong quá trình điều tra, bị cáo không bị ép cung và bị cáo cũng hiểu rõ tiếng Kinh.
Thế nên một số lời khai của Sua tại phiên xử này trái ngược với lời khai của chính bị cáo tại cơ quan điều tra nên không có căn cứ chấp nhận.
Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, bị cáo Sua đã thực hiện hai hành vi phạm tội. Thứ nhất, cùng Tàng Keangnam tham gia chuyển ma túy cho bị cáo Thảo.
Thứ hai, sau khi các đối tượng người Mông vận chuyển ma túy đến nhà thì Sua có hành vi phục vụ nấu nướng cho các đối tượng này ăn uống.
Điều này thể hiện rõ Sua có hành vi giúp sức cho Tàng Keangnam và đồng bọn.Vậy nên việc truy tố Sua tham gia vào vụ án này với vai trò đồng phạm là có căn cứ.
Chính từ việc Sua tham gia tích cực cùng chồng và đồng bọn của Tàng Keangnam nên các tài sản lớn mà Tàng Keangnam có được từ năm 2008 đến khi bị bắt đều từ việc mua bán trái phép chất ma túy cần tịch thu, xung công quỹ nhà nước.
Như một hệ quả tất yếu, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của Tàng Keangnam và đồng bọn, trong đó có Giàng Thị Sua sẽ bị pháp luật trừng phạt xứng với tội danh.
Mức án tử hình đối với Tàng Keangnam và mức án tù chung thân đối với Giàng Thị Sua mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt hai bị cáo này là hoàn toàn xứng đáng với hành vi phạm tội mà vợ chồng Tàng Keangnam và Giàng Thị Sua đã gây ra.
Như Báo CAND đã phản ánh trước đó, đây là vụ mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng do Tàng Keangnam giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp điều hành việc mua bán trái phép chất ma túy trong đường dây.
Các đối tượng khác trong vụ án chủ yếu là người thân trong gia đình Tàng Keangnam đã tổ chức, hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào qua Sơn La về Bắc Giang tiêu thụ.
Các đối tượng này hoạt động trong thời gian dài, mua bán trót lọt số lượng ma túy rất lớn.
Trong thời gian phạm tội, Tàng Keangnam chọn nhà bố đẻ, nguyên Trưởng bản Lũng Xá làm nơi tập kết ma túy của các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào sang, sau đó phân chia để bán cho các đầu mối tiêu thụ.
Trong thời gian từ năm 2009 đến 26-7-2013, Tàng Keangnam cùng đồng bọn đã mua bán trái phép 1.791 bánh heroin (tương đương 626.918,058g) và 553 viên ma túy tổng hợp có trọng lượng 51,5 gam.