Siêu lừa vượt mặt ông Trầm Bê khai gì tại tòa?

Văn Minh |

Dương Thanh Cường thừa nhận sau khi thụ xong án tù 20 năm đã lập nhiều công ty với những pháp nhân khác nhau để vay hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng.

Tại phiên tòa ngày 23/10, bị cáo Cường thừa nhận sau khi ra tù vào năm 2005 với nhiều tội danh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ,…đã thành lập 6 công ty, gồm: Tấn Phát, Thanh Phát, Cửu Long Phát, Tân Đại Phát, Châu Hoàng Ngân, Bình Phát.

Những công ty này, Cường đều làm tổng giám đốc và thuê người về điều hành.

Pháp nhân các công ty này đều có hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh 6 với vai trò khi vừa là bên vay, vừa là bên bảo lãnh.

Bị cáo thừa nhận xoay vòng tiền của ngân hàng để đầu tư bất động sản. Những công ty thành lập sau sẽ ký hợp đồng vay còn những công ty thành lập trước thì ký hợp đồng bảo lãnh.

Từ năm 2007 - 2009, ông này đã vay 1.335 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6.

Đại diện VKS cho rằng, Cường thuê nhiều pháp nhân cho những công ty trên nhưng mọi việc đàm phán vay,…đều do Cường làm.

Các khoản vay đều bất thường và chưa quyết toán cho ngân hàng Agribank.

Siêu lừa Dương Thanh Cường qua mặt ông Trầm Bê lừa gần 34.000 lượng vàng.
'Siêu lừa' Dương Thanh Cường qua mặt ông Trầm Bê lừa gần 34.000 lượng vàng.

Mặc dù để Dương Thanh Cường “phù phép” cho các công ty vay tiền Agribank chi nhánh 6 nhưng giám đốc Hồ Đăng Trung lại khai trước tòa là mình làm đúng.

Ông này đổ lỗi cho cấp dưới là cán bộ tín dụng Nguyễn Hoàng Quốc Thụy trong việc cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng bằng thế chấp tài sản đảm bảo.

Bị cáo Trung cho rằng hồ sơ vay được cấp dưới trình lên đầy đủ nên chỉ đạo thực hiện.

Trong khi đó, Thụy cho rằng hồ sơ cho vay được cấp trên đưa xuống nên tin tưởng, không thẩm định kĩ mà vẫn kí vào hồ sơ.

Nếu làm đúng quy trình thì hồ sơ vay phải đi từ cán bộ tín dụng lên cấp trên nhưng thực tế hồ sơ này đi ngược từ trên xuống.

Sau khi Agribank chi nhánh 6 giải ngân cho Công ty Tấn Phát vay tiền, Dương Thanh Cường đã đề nghị mượn lại sổ hồng thế chấp.

Bị cáo Trung đã ký duyệt đồng ý cho mượn 10 ngày. Sau đó, Cường mang đi thế chấp ở ngân hàng khác.

Trung cho rằng, sau 11 lần đòi không trả, đã báo lên công an nhưng không được giải quyết. Chủ tọa phiên tòa xét hỏi vì sao không có giải pháp nào đòi lại?

Nếu không đòi được thì tại sao không khởi kiện ra tòa mà cứ im lặng chờ đợi  phía Cty Tấn Phát trả lại giấy tờ. Lúc này bị cáo Trung im lặng.

Chủ tọa phiên tòa cũng cho rằng, bị cáo Trung thiếu trung thực trong lời khai của mình. Vì khi vay 170 tỷ đồng, công ty Tấn Phát chưa trả. Tài sản đảm bảo chưa thu hồi được nhưng cùng thời gian này, Trung lại ký cho Dương Thanh Cường vay tiếp 628 tỷ đồng.

Đại diện Agribank chi nhánh 6 yêu cầu được phát mãi toàn bộ 13 tài sản thế chấp của Tấn Phát nếu công ty này không có khả năng trả nợ vay gốc và lãi gần 190 tỷ đồng trong hợp đồng.

Dương Thanh Cường (49 tuổi, hộ khẩu phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát.

Ngày 27/6/1996 bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 18 năm tù tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, 13 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, 10 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản công dân, 3 năm tù tội Trốn thuế. Tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.

Ngày 11/8/1996, TAND tỉnh Tiền Giang xử phạt 10 năm tù tội Đưa hối lộ, tổng hợp với bản án của Bà Rịa - Vũng Tàu, buộc Dương Thanh Cường chấp hành 20 năm tù (ngày 1/2/2005 được đặc xá trước thời hạn).

Tại phiên tòa “đại án” của TAND TP HCM đang xét xử, Dương Thanh Cường bị truy tố 2 tội danh là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản. Bị bắt tạm giam ngày 2/10/2012.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại