Sáng mai xử lại vụ án từng bị cưỡng chế thi hành trái pháp luật

Quang Minh |

(Soha.vn) - Sáng mai (31/7), TAND TP. Việt Trì sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến vụ cưỡng chế thi hành án trái pháp luật ở Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Việt Hưng.

7h30 sáng 31/7/2014, TAND TP Việt Trì (Phú Thọ) sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Kinh doanh thương mại về việc: "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam với bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Việt Hưng tại trụ sở TAND TP Việt Trì - Phú Thọ. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là ông Vũ Bình Phương.

Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ (đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Xuân Quang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án TP. Việt Trì) là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay Chi cục THADS TP Việt Trì đã có công văn gửi TAND TP Việt Trì từ chối tham gia tố tụng và không tham gia phiên tòa xét xử ngày 31/7/2014 sắp tới. Theo luật sư Trương Quốc Hòe - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn -  thì việc làm này đã gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Việt Hưng.

Nếu trong phiên tòa Công ty Việt Hưng thỏa thuận được số nợ và thời hạn trả nợ với ngân hàng thì tài sản thế chấp của công ty là nhà hàng Phù Đổng sẽ giải quyết như thế nào. Nếu người mua đấu giá trong vụ án này không phải là Ngân hàng công thương Việt Nam mà Chi cục THADS TP Việt Trì không tham gia phiên xét xử thì tài sản của Công ty Việt Hưng sẽ thuộc về ai.

Như vậy, việc Chi cục THADS TP Việt Trì từ chối tham gia tố tụng là trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CPĐT TM Việt Hưng.

Nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng là tài sản mà Công ty Việt Hưng thế chấp với ngân hàng.

Nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng là tài sản mà Công ty Việt Hưng thế chấp với ngân hàng.

Trước đó, ngày 22/01/2014, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa xét xử Giám đốc thẩm Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012. Tại phiên tòa, HĐXX xét thấy “Khi hòa giải và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ông Nguyễn Minh Sơn không có giấy ủy quyền của ông Nguyễn Ngọc Hoàn là người đại diện theo pháp luật của công ty CPĐT thương mại Việt Hưng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, vi phạm khoản 2 điều 283 Bộ luật Tố tụng Dân sự và làm ảnh hưởng tới quyền lợi của Công ty CPĐT thương mại Việt Hưng”.

Cũng tại phiên tòa Giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đề nghị hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Hủy Quyết định số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/7/2012 của TAND TP Việt Trì. Tạm đình chỉ thi hành án Quyết định số 16/2012...

Sau khi xem xét các chứng cứ và đối chiếu với quy định pháp luật, HĐXX Giám đốc thẩm đã Quyết định

“1. Chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2014/QĐKN-GĐT-KDTM ngày 09/01/2014 của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ.

2. Hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/ADDST-KDTM ngày 23/07/2012 của TAND TP Việt Trì.

Giao hồ sơ TAND TP Việt Trì giải quyết sơ thẩm lại theo thủ tục chung”.

Như Trí Thức Trẻ đã thông tin, Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012 giữa nguyên đơn là Ngân hàng công thương Việt Nam - chi nhánh Phú Thọ với bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư thương mại Việt Hưng có rất nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng cần được xem xét làm rõ.

Từ những sai phạm này, ngày 08/12/2013, ông Nguyễn Ngọc Hoàn - đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Hưng - đã có Đơn đề nghị hoãn thi hành án, trong đơn có nêu rõ việc ông Nguyễn Minh Sơn không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong Quyết định số 16/2012, ngày 20/12/2013, TAND tỉnh Phú Thọ có Công văn số 602/2013/CVTDTHA/TA gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP Việt Trì, trong đó có nêu rõ: “TAND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Việt Trì tạm dừng Thi hành án quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/7/2012 của TAND thành phố Việt Trì để chờ kết quả xét xử vụ án trên theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Tuy nhiên, phớt lờ ý kiến chỉ đạo của TAND tỉnh Phú Thọ, ngày 08/01/2014 Chi cục Thi hành án dân sự TP Việt Trì vẫn ra Thông báo “V/v tiếp tục cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá”.

Đến ngày 09/01/2014, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm vào, trong đó nêu rõ: “TAND TP Việt Trì đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án KDTM đưa ông Nguyễn Minh Sơn là người không có tư cách đại diện hợp pháp theo pháp luật của Công ty CP đầu tư thương mại Việt Hưng tham gia tố tụng với tư cách đại diện cho bị đơn không đúng pháp luật trong  khi giải quyết vụ án”. Đặc biệt, trong Kháng nghị này cũng đã quyết định: “Tạm đình chỉ thi hành án Quyết định Công nhận thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/7/2013 của TAND TP Việt Trì để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm”.

Thế nhưng, chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã bất chấp Quyết định Kháng nghị số 01/QĐKN-GĐT-KDTM của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, bỏ qua những dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng về cả nội dung lẫn hình thức của Quyết định số 16/2012, bỏ qua cả những sai phạm nghiêm trọng của việc Kê biên tài sản ngày 09/7/2013 vẫn kiên quyết chỉ đạo việc cưỡng chế thi hành án đến cùng, đuổi hàng chục con người hiện đang sinh sống tại số 2256 đại lộ Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì ra khỏi nơi họ đang sinh sống ổn định khi mà chỉ còn nửa tháng nữa thôi là Tết đến Xuân về.

Có thể thấy, trong vụ án kinh doanh thương mại này, TAND TP Việt Trì đã sai phạm nghiêm trọng khi xác định sai tư cách người đại diện tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và Chi cục Thi hành án TP Việt Trì còn sai phạm nhiều hơn bởi đã không chỉ tiếp tục xác định sai tư cách người đại diện hợp pháp của công ty Việt Hưng trong quá trình thi hành án, mà còn sai phạm nghiêm trọng khi không tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình tiến hành kê biên tài sản.

Điều đáng nói ở đây là khi tiến hành kê biên tài sản, nhận thấy diện tích thực tế của tài sản bị kê biên có sai số lớn hơn so với diện tích của tài sản được ghi nhận trong hồ sơ vụ án, lẽ ra chấp hành viên Đặng Xuân Quang phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, cụ thể theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008, Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, gửi công văn sang TAND TP Việt Trì đề nghị làm rõ vấn đề và đặc biệt cần phải tạm dừng việc thi hành án lại để chờ ý kiến trả lời của TAND TP Việt Trì thì mới có hướng giải quyết tiếp theo.

Thế nhưng chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã không những bỏ qua hàng loạt dấu hiệu vi phạm tố tụng của Quyết định số 16/2012, mà còn phớt lờ ý kiến chỉ đạo của TAND tỉnh Phú Thọ, kiên quyết thực hiện đến cùng việc cưỡng chế thi hành án một Quyết định đã bị Kháng nghị Giám đốc thẩm.


Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, khi tiến hành các thủ tục thi hành án, phát hiện thấy Quyết định số 16/2012 của TAND TP Việt Trì có nhiều điểm chưa chính xác, rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan thi hành án là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì một bản án, quyết định được thi hành phải đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, có thể thi hành được trong thực tế. Sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án và phải cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin cụ thể, chính xác về tài sản của người phải thi hành án.

Xin luật sư cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong quá trình Thi hành án dân sự, đặc biệt trong vụ án nêu trên?

Theo Khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì: “Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”.

Và tại khoản 2 Điều 24 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 cũng quy định rõ chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân: “Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án”.

Như vậy, trong quá trình thực hiện công việc, Viện kiểm sát đã thực hiện đúng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án, đã phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường trong vụ án này nên đã kiên quyết không đồng ý tiếp tục kê biên đối với khối tài sản nêu trên. Trong trường hợp này, chấp hành viên cần phải có công văn đề nghị Tòa án giải thích rõ bản án để có hướng giải quyết đối với phần diện tích chênh lệch nói trên. Và căn cứ vào Điểm đ, khoản 1, Điều 48 Luật thi hành án dân sự thì Cơ quan thi hành án cần phải có một quyết định hoãn thi hành án: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại