Ngày 13-6, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm vụ án Nguyễn Hữu Trí lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, xét xử lại. Lý do theo tòa là cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót về tố tụng lẫn nội dung trong việc xác định tội danh.Vụ án gây chú ý vì nạn nhân chính là cha mẹ của bị cáo và VKS thì cho rằng hành vi của bị cáo phạm hai tội, trong khi tòa bảo chỉ phạm một tội.
Thông đồng người ngoài lừa cha mẹ
Theo hồ sơ, gia đình Trí làm nghề kinh doanh xe vận tải hành khách. Trí làm tài xế lái xe ô tô khách 29 chỗ cho nhà mình, chạy tuyến Đồng Xoài - Bến xe Miền Đông. Vì muốn có tiền đánh bạc và trả nợ, ngày 25-1-2011, Trí rủ Lê Minh Thành cầm chiếc ô tô của cha mẹ mình. Sau khi bàn bạc, cả hai thống nhất cầm xe với số tiền 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, do muốn moi thêm tiền gia đình nên Trí viết thêm giấy biên nhận với nội dung là đã cầm xe với số tiền 300 triệu đồng. Trí dặn Thành nói dối với mẹ mình là đã cầm xe với giá này, đồng thời yêu cầu Thành đưa tiền chênh lệch 200 triệu đồng cho mình. Sau đó, Trí gọi điện thoại báo cho mẹ ruột rằng mình đã cầm xe và nói cần tiền để chuộc xe. Tin lời con, ba ngày sau mẹ Trí găp Thành và đưa 309 triệu đồng để con trai mình chuộc xe (trong đó có 9 triệu đồng tiền lãi).
Có tiền trong tay, Trí mang đi trả nợ. Số còn lại, Trí sang Campuchia đánh bạc và bị thua hết. Ngày 7-3-2011, Trí tiếp tục lấy xe của gia đình mang đến cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh) cầm vơi giá 25.000 USD (khoảng 550 triệu đồng) để đánh bạc và tiếp tục thua, sau đó thì bỏ trốn.
Hoảng vì sợ mất xe, mẹ của Trí đã nộp đơn tố cáo con đến công an để thu hồi chiếc xe. Một tháng sau, Trí đến công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo kết quả định giá, chiếc xe trị giá 773 triệu đồng.
Tòa, viện "đá" nhau
Vào cuộc, VKSND tỉnh Bình Phươc truy tố Trí về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS). Thành là đồng phạm của Trí trong tội lừa đảo.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh lại nhận định rằng Trí chỉ phạm một tội lạm dụng tín nhiệm. Theo tòa, Trí hai lần cầm chiếc xe của cha mẹ để lấy tiền tiêu xài. Như vậy, đối tượng bị chiếm đoạt là chiếc xe trị giá 773 triệu đồng chứ không phải là số tiền 309 triệu đồng mà mẹ Trí đem đi chuộc xe.
Hành vi lừa dối mẹ của Trí về số tiền chuộc xe xuất phát từ việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành, không phải là hành vi độc lập. Việc mẹ Trí bỏ tiền chuộc xe hay không cũng không ảnh hưởng đến vụ án. Đăc biệt, mối quan hệ ở đây lại là mẹ con. Vì vậy Trí chỉ phạm tội lạm dụng tín nhiệm.
Tòa tuyên phạt Trí bảy năm tù. Ngoài ra, theo tòa, do Trí không phạm tội lừa đảo nên Thành không phải là đồng phạm tội này. Tuy nhiên, Thành vẫn phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nên bị phạt ba năm tù.
Một tội hay hai tội?
Ngay sau đó, VKS tỉnh kháng nghị vì không đồng ý vơi quan điểm của tòa. Theo viện, khi được cha mẹ giao xe đi chở khách, vì muốn có tiền tiêu xài và đánh bạc nên Trí đã đem xe đi cầm. Hành vi này đã cấu thành tội lạm dụng. Ngoài việc cầm xe, Trí còn thông đồng vơi Thành gian dối mẹ từ 100 thành 300 triệu đồng tiền chuộc xe. Hành vi gian dối để người khác giao tài sản nhằm chiếm đoạt đã cấu thành thêm tội lừa đảo. Và Thành là đồng phạm giúp sức trong việc lừa đảo. Viện cho rằng án sơ thẩm không chính xác và không phù hợp sự thật khách quan, mức án tuyên phạt hai bị cáo cũng nhẹ nên cần hủy án xét xử lại.
Tại phiên phúc thẩm, mẹ Trí kháng cáo xin giảm án cho con và cho rằng chiếc xe có một nửa là tài sản đã cho Trí.
Tuy nhiên, lập luận này đã không được công tố viên đồng tình vì lời khai này mơi chỉ xuất hiện, không phải từ giai đoạn đầu điều tra vụ án. Đồng thời, VKS cho rằng án sơ thẩm có nhiều sai sót về tố tụng cũng như cần xem xét lại tội danh cho chính xác nên đề nghị hủy án. Tranh luận, luật sư cho rằng cùng một hành vi mà xử hai tội là không đúng. “Án sơ thẩm có căn cứ về măt tội danh. HĐXX nên xem xét giảm án cho Trí vì nạn nhân cũng là cha mẹ bị cáo đã có kháng cáo xin giảm án cho con” - luật sư nói.
Cuối cùng, HĐXX cho rằng cần hủy án để xem xét lại nội dung vụ án. Cạnh đó, trong hồ sơ vụ án không có... bản cáo trạng, đây là thiếu sót nghiêm trọng nên cần hủy án để điều tra, xét xử lại.
Truy tố và xử một tội là phù hợp
Tôi không bàn đến những sai sót tố tụng của cấp sơ thẩm dẫn đến tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hủy án để điều tra, xét xử lại vụ án. Ở đây tôi chỉ bàn về việc bị cáo trí phạm một hay hai tội. tôi đồng tình với tòa cấp sơ thẩm khi chỉ xét xử bị cáo về một tội. Bởi lẽ cùng một hành vi, không thể dẫn đến việc truy tố, xét xử bị cáo hai tội danh. Điều này vừa không phù hợp với pháp luật, vừa gây bất lợi cho bị cáo.
Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng có thể lựa chọn để vận dụng một tội danh nghiêm trọng, có mức án nặng trong việc xử lý đối với bị cáo trí. Vì sao tôi nói là cùng một hành vi? Ở đây, trí từ hành vi mang xe không phải mình sở hữu đi cầm cố rồi đội giá, buộc mẹ mình phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để chuộc xe. Như vậy tất cả đều cùng thời điểm, cùng đối tượng chiếm đoạt và thống nhất cả về người bị hại.
Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM