Mật phục 24/24
Ngày 15-3, Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho hay, từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn quận mới chỉ xảy ra 1 vụ cướp giật tài sản.
Trong năm 2015, quận trung tâm này của TP Đà Nẵng cũng chỉ xảy ra 3 vụ cướp giật.
“Vụ cướp giật trong năm 2016 chúng tôi vẫn đang điều tra làm rõ. Trong 3 vụ năm ngoái thì chúng tôi điều tra được 2 vụ, tịch thu trả về cho nạn nhân”, Đại tá Hương thông tin.
Đại tá Trần Phước Hương cho biết: Công an quận Hải Châu luôn cố gắng hạn chế thấp nhất số vụ cướp giật xảy ra.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng nạn cướp giật nếu xảy ra nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt thành phố. Đặc biệt, Đà Nẵng là thành phố lấy du lịch, dịch vụ làm hướng phát triển trọng điểm.
“Lãnh đạo quận chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện phòng cướp giật là chủ yếu hơn là chống cướp giật. Ngoài lực lượng là con người, chúng tôi còn lắp camera theo dõi ở những vị trí nhạy cảm, đông du khách để theo dõi.
Năm 2015, tôi đích thân yêu cầu và sau đó trực tiếp đến trao trả tài sản cho vợ chồng du khách người Hàn Quốc bị cướp giật.
Ban đầu họ rất sợ hãi vì bị cướp. Chỉ hai ngày sau khi xảy ra sự việc, Công an quận đã điều tra được thủ phạm, tịch thu tang vật trả lại cho họ.
Họ rất cảm kích vì cơ quan điều tra mình làm quá nhanh. Họ cũng nói rằng trong thời gian ở Đà Nẵng thì rất yên bình, chỉ có duy nhất một sự cố đáng tiếc là vụ cướp.
Quan điểm của chúng tôi là cảnh sát cũng phải làm du lịch, góp phần nâng cao thương hiệu của Đà Nẵng là thành phố an bình”, ông Lê Anh nói.
Ông Lê Anh (áo trắng) trao trả tài sản cho vợ chồng du khách Hàn Quốc bị cướp giật.
Đại tá Hương cho biết Công an TP Đà Nẵng, Công an quận cùng Công an các phường địa bàn phối hợp với nhau rất chặt chẽ để đảm bảo an ninh.
“Các phường có tổ phòng chống cướp giật gồm 15 đồng chí thay nhau đi tuần. Quận có đội phòng chống cướp giật và Đội chống cướp giật thành phố tuần tra liên tục.
Ngoài ra còn có đội tuần tra phòng chống tội phạm. Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Hằng đêm mỗi phường có tổ gồm 12 người của quận, phường, dân quân tự vệ, dân phòng đi tuần liên tục”, Đại tá Hương cho hay.
Đặc biệt theo Đại tá Hương, Đà Nẵng có một đơn vị đặc biệt luôn tuần tra 24/24 tại các tuyến đường: “Ngoài lực lượng tuần tra công khai, chúng tôi có một đội mặc thường phục tuần tra mật phục suốt ngày đêm. Đơn vị này chủ yếu phòng chống trộm cắp và cướp giật”.
Mật độ dân số không liên quan đến nạn cướp giật
Cũng theo Đại tá Hương, trong năm 2015 quận Hải Châu không xảy ra vụ đột nhập nhà dân trộm cắp nào. Các vụ trộm cắp chủ yếu xảy ra ở nơi công cộng hoặc do người dân quá sơ hở.
“Có nhiều vụ người dân để quên hành lý trên xe nhưng tài xế không khai báo. Chúng tôi phải đấu tranh họ mới mang trả lại. Những vụ này chúng tôi đều báo về công ty để họ nâng cao nhận thức của tài xế”, ông Hương cho hay.
Trao đổi với PV, ông Hương cũng nhận định rằng vấn đề mật độ dân số, dân số đông không liên quan đến nạn cướp giật hay trộm cắp. Vấn đề quan trọng nhất là cách làm và con người.
“Không có cơ sở để đánh giá mật độ dân số đông thì có tương tác với vấn nạn cướp giật.
Quận Hải Châu rộng, dân số còn ít, mật độ dân số thấp thì đường xá thênh thang, rộng rãi. Bọn tội phạm có thể ra tay rồi bỏ chạy thoải mái hơn. Lực lượng chức năng sẽ khó đuổi bắt hơn.
Dân số đông, mật độ dân số cao thì bọn cướp giật khi phạm tội sẽ khó bỏ chạy hơn, việc truy đuổi sẽ dễ dàng hơn.
Quan trọng nhất là cách thực hiện việc phòng tránh tội phạm”, Đại tá Hương khẳng định.
Theo Đại tá Hương, Công an quận Hải Châu nói riêng, Công an TP Đà Nẵng nói chung luôn cố hoàn thành nhiệm vụ.
“Không để xảy ra cướp giật thì không ai dám nói nhưng chúng tôi cố gắng hạn chế càng ít càng tốt để Đà Nẵng trở thành thành phố an bình.
Chúng tôi cũng không quy định lãnh đạo địa bàn để xảy ra bao nhiêu vụ thì bị điều chuyển hay kỷ luật. Tuy nhiên, anh phải làm tốt vì trách nhiệm của mình. Nếu anh để tệ nạn xảy ra nhiều quá thì chắc chắn sẽ có hình thức xử lý”, ông Hương cho hay.