Rất nhiều phạm nhân khi phải thụ án trong các trại giam đã không hối lỗi về những việc làm sai trái của mình. Nhiều đối tượng án cao, án chung thân luôn tìm cách để “vượt ngục” nếu có cơ hội. Hằng ngày phải tiếp xúc, đương đầu với những đối tượng như thế các chiến sĩ trinh sát trại giam luôn phải đề cao cảnh giác và đề phòng những tình huống có thể xảy ra. Có gặp và nghe họ kể chuyện mới hiểu nghề trinh sát trại giam nguy hiểm và phức tạp biết nhường nào.
Ngâm mình trong hố phân chờ thời cơ
Nói đến chuyện phạm nhân trốn trại, không thể không kể đến trường hợp của tên Nguyễn Văn Hảo. Tên này bị kết án vì tội giết người, cướp của. Mặc dù khi còn ngoài xã hội, anh ta nổi tiếng là tên giang hồ cộm cán. Thế nhưng sau khi kết án và bị giam giữ trong trại giam tên này lại tỏ ra rất ngoan, cán bộ nói gì cũng răm rắp làm theo. Thậm chí ngay cả khi có bị bạn tù “bắt nạt” thì Hảo cũng chỉ biết cúi đầu nhẫn nhịn. Thấy Hảo ngoan ngoãn, lại tu chí cải tạo nên cán bộ trại đã cho hắn được hưởng ưu tiên ra lao động tự quản. Vậy mà đùng một cái tên này biến mất không để lại tăm hơi.
Ngay lập tức, lệnh báo động được phát đi. Lực lượng trinh sát của trại giam được huy động tối đa. Các chiến sĩ khua từng chum nước, khoắng từng cái giếng sâu hun hút, xộc vào cả chuồng lợn, chuồng gà nhưng phạm nhân thì vẫn bóng chim tăm cá. Khi các mũi trinh sát gặp nhau, họ nói rằng tên Hảo không thể có cánh mà bay cũng không thể độn thổ được nên chắc chắn vẫn đang quanh quẩn đâu đó rất gần đây thôi. Có điều cái sự rất gần ấy là ở đâu. Bởi các trinh sát trại giam đã không bỏ lọt bất kể một xó xỉnh nào. Đến cả chuồng xí nhà dân cũng được họ khoắng và chọc rất kỹ. Vậy mà vẫn vô vọng.
Có những phạm nhân ngâm mình dưới hố phân nhiều giờ đồng hồ.
Nhưng với một lòng quyết tâm cao nhất và sự phán đoán của cả một tập thể dày dạn kinh nghiệm, các cán bộ thống nhất là dù có phải xới từng ngọn cỏ, lật cả cánh rừng cũng phải tìm cho bằng được phạm nhân bỏ trốn. Một lần nữa, họ lại rà soát lại những nơi mà họ đã kiểm tra rất kỹ. Một trinh sát đưa ra sáng kiến: “Trước giờ ta mới chỉ chọc gậy thẳng xuống các chuồng xí, như thế nếu phạm nhân trốn dưới đó vẫn có thể tránh được. Bây giờ chúng ta nên chọc xiên và khoắng ngang. Nếu phạm nhân ở dưới đó chắc chắn sẽ tìm được”. Phương án mới được đưa ra, các trinh sát trại giam lại tiếp tục công việc “kinh khủng” của mình.
Khi bắt được phạm nhân Hảo, tên này khai hắn đã ngâm mình dưới hố phân suốt một ngày. Khi biết các trinh sát đang truy lùng hắn đã ngụp xuống, hai lỗ mũi vẫn phập phồng trên mặt nước xú uế và được ngụy trang bằng tờ giấy vệ sinh đã mủn.
Biết bao nỗ lực để truy lùng phạm nhân trốn trại nhưng khi tận mắt chứng kiến khổ nhục kế của Hảo thì tất thảy mọi chiến sĩ trinh sát có mặt lúc đó đều cảm thấy xót thương cho hắn. Và khi bắt được Hảo, các trinh sát đã không nghĩ đến chuyện trói tay, còng chân mà đưa cho Hảo một bánh xà phòng thơm để hắn tẩy rửa cái mùi xú uế.
Trốn trại chỉ bắt gà mái để thịt
Đó là trường hợp của Ngô Đức Thuận, thụ án tại trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Thuận lĩnh án 8 năm tù vì tội cướp tài sản. Thế nhưng thụ án chưa được bao lâu Thuận đã trốn trại. Suốt một tuần trời, các trinh sát truy lùng Thuận khắp nơi, mật phục ở các lối rẽ, rà soát tất cả các mối quan hệ và về cả quê đón lõng nhưng cũng không có dấu vết nào của Thuận. Theo nhận định của hầu hết cán bộ, Thuận chưa thể đi xa được. Có một điều lạ là, cũng khoảng một tuần trở lại kể từ khi Thuận trốn trại, bà con trong vùng liên tục bị mất trộm gà, mà lại chỉ mất gà mái.
Một hôm, trung tá Nguyễn Văn Phúc có việc gia đình nên xin phép về. Đường rừng lại nhá nhem tối anh đụng phải một người đàn ông đang gánh một gánh củi nặng. Thấy khuôn mặt rất quen, trung tá Phúc hồ nghi và giả vờ hỏi thăm đường. Khi đó gã đàn ông gánh củi đã nổi cáu và quát: “Bố mày đang mệt, hỏi cái gì mà hỏi”. Nhưng khi nhìn thẳng vào mặt trung tá Phúc thì tên này đã bỏ chạy, vứt lại gánh củi và con gà mái đã luộc sẵn. Biết đó là đối tượng trốn trại nên trung tá Phúc đã nổ ba phát súng chỉ thiên và quyết liệt truy đuổi buộc hắn phải đứng lại.
Sau khi đã bắt được đối tượng, Thuận khai vì hắn trốn trong rừng nên phải tự kiếm củi và bắt trộm gà để cầm cự qua ngày vì chưa biết khi nào mới thoát ra khỏi vùng rừng núi âm u. Hỏi vì sao hắn không bắt gà trống mà chỉ bắt toàn gà mái thì Thuận thổ lộ: “Vì phải nhốt gà dự trữ lương thực nên em chỉ dám bắt toàn gà mái. Gà mái bị nhốt chúng sẽ không gáy. Cán bộ biết đấy, giữa rừng núi hoang vu thế này nếu bắt gà trống nó lại gáy te te lên thì chả khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Như thế thì cán bộ sẽ biết mà đến bắt em ngay. Kinh nghiệm này là do một người bạn tù của em truyền đạt lại”.
Mặc dù đã tính toán rất cặn kẽ nhưng cuối cùng Ngô Đức Thuận vẫn tự đâm đầu vào rọ.
56 ngày trốn trên nóc bếp trại giam
Đó là vụ việc mới xảy ra ở trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên). Người lập kỷ lục 56 ngày trốn trên nóc bếp dưới tiết trời nóng bức, oi nồng của mùa hè là Nguyễn Văn Phước, biệt danh Phước “gà”, kẻ từng có ba tiền án và được biết đến với “thành tích” nhiều lần trốn trại.
Năm 2008, trong chiếu bạc, vì bị thua nhiều nên khi thấy người bạn chơi là anh Nguyễn Thanh Tuấn đứng dậy Phước “gà” đã kiếm cớ gây sự. Thấy anh trai mình bị đánh, anh Nguyễn Thanh Kiệt đã nhảy vào can ngăn. Khi đó Phước “gà” đã rút dao đâm vào hai anh em anh Tuấn. Kết quả anh Tuấn may mắn thoát chết còn anh Kiệt tử vong. Với tội ác mà hắn gây ra, Phước “gà” bị tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa kết án tù chung thân.
Cuối năm 2012, Phước “gà” được thuyên chuyển ra trại giam Phú Sơn. Để lấy lòng cán bộ, thời gian đầu hắn tỏ ra là một phạm nhân biết điều, quyết tâm cải tà quy chính. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bề ngoài, còn trong đầu Phước “gà” lúc nào cũng nung nấu ý định trốn trại. Lợi dụng lúc cán bộ không để ý hắn đã biến mất.
Nhiều mũi trinh sát được chia nhỏ và tỏa đi khắp nơi, vừa đón lõng những nơi hắn có khả năng đến, vừa rà soát các mối quan hệ phức tạp của hắn, thế nhưng vẫn bóng chim tăm cá. Thậm chí, khi biết trước đó Phước “gà” đã từng làm nghề khuân vác gỗ thì các chiến sĩ trinh sát cũng đã hóa thân và trà trộn vào đám lao động đó nhưng vẫn không có manh mối nào.
Xác định Phước “gà” là đối tượng cực kỳ nguy hiểm nên Tổng cục 8 đã phối hợp với công an tỉnh Thái Nguyên, trại giam Phú Sơn quyết tâm bắt bằng được đối tượng này. Đúng trong thời gian đó thì Bộ Công an tổ chức hội thi về an toàn thực phẩm và chọn Phú Sơn là đơn vị đăng cai. Trước khi có đoàn đến kiểm tra, đánh giá, các cán bộ của trại giam Phú Sơn đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu bếp ăn. Trong lúc dọn dẹp, một cán bộn phát hiện rất nhiều vỏ mì tôm trên trần bếp. Lúc đó ai cũng nghĩ chắc bọn chuột đã tha mì tôm lên đó. Thế nhưng khi một cán bộ được cử lên đó dọn sạch vỏ mì tôm thì phát hiện Phước “gà” đang trốn ở đấy.
Sau khi bị bắt lại, Phước “gà” thú nhận mình đã quá chủ quan vì không tìm cách giấu vỏ mì tôm. Hắn khẳng định, nếu hắn cẩn thận hơn thì có lẽ các cán bộ đã khó lòng tìm thấy hắn. Năm mươi sáu ngày trốn trên gác bếp, Phước “gà” vẫn mạnh khỏe, béo tốt. Hắn khai, ban ngày hắn phải chịu nằm trên đó dưới cái nắng khủng khiếp của mùa hè. Đêm xuống hắn mới trở dậy mò mì tôm để ăn và tắm rửa, chờ thời cơ thuận tiện sẽ bỏ trốn.
Thế nhưng kế hoạch của hắn bất thành, Phước “gà” đã bị tòa án nhân dân huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tuyên án 4 năm tù giam. Tính cả tội cũ lẫn tội mới Phước “gà” lại tiếp tục nhận án chung thân.
>> Xem thêm clip: Chém nứt sọ bạn nhậu vì bạn cản đường về nhà (Nguồn: Tuổi Trẻ)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA