Bất ngờ là trong lúc tòa đang tóm tắt bản án bản án sơ thẩm thì ông Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - đã bị tòa sơ thẩm kết án 5 năm 6 tháng tù, không kháng cáo mà hầu tòa với tư cách người liên quan) bị choáng, ngất xỉu.
Tòa phải yêu cầu lực lượng y tế vào phòng xử để cấp cứu cho ông Thanh. Các nhân viên y tế đã mang cán vào phòng xử để đưa ông Trần Ngọc Thanh ra xe cấp cứu.
Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã thành lập 6 công ty do Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.
Ngoài ra, với tư cách là chủ tịch HĐQT của công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Bầu Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng ACBI) và Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lập hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của công ty Cổ phần Thép Hòa Phát.
Việc bán số cổ phần trên (trong khi đang thế chấp tại Ngân hàng ACB) là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Hòa Phát.
Về hành vi trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc đã chỉ đạo cho vợ là Đặng Ngọc Lan (đại diện Công ty B&B) kí hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên).
Trong năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi được hơn 100 tỉ đồng.
Bằng việc kí hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng với bà Nguyễn Thúy Hương, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh trạng thái vàng của công ty sang cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 25 tỉ đồng.
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bản án xác định: các thành viên trong hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho ACB hơn 687 tỉ đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên đã cùng các thành viên trong hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho các nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM.
Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt.
Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỷ đồng.
Tại bản án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên đã bị tòa tuyên buộc phải chấp hành bản án chung là 30 năm tù cho 4 tội danh: trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Đức Kiên kháng cáo kêu oan.
Các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT ACB cũng phải lãnh từ 2-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 5 người kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm.