Ông Đoàn Văn Vươn (50 tuổi, ngụ xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng TP Hải Phòng) đã ủy quyền cho ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng thay ông tham gia phiên tòa. Phía UBND huyện Tiên Lãng ủy quyền cho ông Phạm Văn Trống, Phó trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện dự tòa.
Cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều không có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa.
Đại diện cho ông Vươn tại phiên tòa, ông Vũ Văn Luân, cho rằng theo nghị định 197/2004 của Chính phủ, khi nhà nước có quyết định thu hồi đất, người sử dụng đất bị thu hồi sẽ được bồi thường về đất, tài sản trên đất. Trên thực tế, trong quá trình ra các quyết định và thực hiện thu hồi đất, UBND huyện Tiên Lãng không bồi thường cho ông Đoàn Văn Vươn. Ông Luân cũng đưa căn cứ là việc ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận việc cưỡng chế thu hồi đất xảy ra tại khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn trái pháp luật.
Ông Luân đề nghị UBND huyện Tiên Lãng bồi thường những thiệt hại trực tiếp, gián tiếp do việc thu hồi đất trái pháp luật gây ra cho gia đình ông Vươn. Ông cũng đề nghị UBND huyện bồi thường giá trị sử dụng đất, thu nhập từ việc nuôi trồng thủy sản trong quá trình tạm dừng đầu tư vì quyết định thu hồi đất, thiệt hại về tình thần… Tổng cộng các khoản thiệt hại của ông Vươn hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên tại phiên tòa ông Luân cho biết không đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần bằng số tiền cụ thể mà do hai bên tự thỏa thuận. Vì vậy số tiền ông Vươn đòi bồi thường rút xuống còn hơn 30 tỷ đồng.
Đại diện bị đơn UBND huyện Tiên Lãng, ông Phạm Văn Trống nói không chấp nhận yêu cầu bồi thường. Theo ông Trống, việc bồi thường khi thu hồi đất theo các quy định của pháp luật chỉ áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, đất còn hạn sử dụng. Còn diện tích 19,3ha đất nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là diện tích đất cho thuê, đến khi hết hạn UBND huyện Tiên Lãng có quyết định thu hồi để chuyển sang cho thuê để nuôi trồng thủy sản có thời hạn.
Ông Trống cho rằng UBND huyện đã nhiều lần đối thoại với ông Vươn nhưng ông Vươn không đồng ý với quyết định này. Trong quá trình thu hồi, diện tích đầm vẫn do gia đình ông Vươn quản lý, canh tác nuôi trồng thủy sản nên không gây thiệt hại về việc đầu tư, kinh doanh đầm.
Ông Trống còn cho rằng diện tích 19,3 ha đất của gia đình ông Vươn bị thu hồi là diện tích đất ông Vươn lấn chiếm. Theo đó, năm 1993 gia đình ông Vươn được giao hơn 20ha đầm để nuôi trồng thủy sản. Sau đó gia đình ông Vươn quai đê, lấn biển, đắp đất, lấn chiếm khoảng 19,3ha đất. Đến năm 1997 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao số đất lấn chiếm này cho gia đình ông Vươn nuôi trồng thủy sản có thời hạn.
Ông Trống khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng không gây thiệt hại cho gia đình ông Vươn. Còn thiệt hại do việc cưỡng chế thu hồi đất gây ra đã được xử lý trong vụ án hình sự trước đó.
Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận, Hội đồng xét xử đang nghị án.
Tháng 8-2009, ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện ra tòa yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định 461 về việc thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình. Theo ông Vươn, 19,3ha đất bị thu hồi được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp, đất bị thu hồi chưa hết thời hạn sử dụng và nếu hết thời hạn thì được tiếp tục sử dụng dưới các hình thức nhà nước giao hoặc cho thuê đất, khi thu hồi phải bồi thường…
Ngày 27-1-2010, TAND huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm bác đơn khởi kiện của ông Vươn. Ông Vươn kháng cáo bản án. Ngày 19-4-2010, ông Vươn có “đơn xin rút kháng cáo để UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục giao đất” nên TAND TP Hải Phòng ra quyết định đình chỉ vụ án.
Ngày 10-2-2012, Chánh án TAND Tối cao ra kháng nghị tái thẩm đối với quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng. Ngày 15-2-2012, Tòa hành chính TAND Tối cao xử tái thẩm, tuyên hủy quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, giao vụ án cho TAND huyện Tiên Lãng giải quyết lại theo quy định của pháp luật.