Nữ tử tù mang thai sẽ chuyển thành chung thân?
Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ quản giáo trại tạm giam CA tỉnh để làm rõ trách nhiệm việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, trú TT Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn) mang thai trong thời gian tạm giam chờ thi hành án tử hình.
Phân tích về vụ việc này, luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty luật Bắc Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, một vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra tại trại giam tỉnh Hòa Bình, nó chứng tỏ tử tù rất ma mãnh để tìm cách lách qua án tử hình.
Các đối tượng đã có sự bàn bạc, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tính toán thời gian cụ thể.
"Tử tù Huệ đã lợi dụng quy định mang tính nhân đạo của Pháp luật hình sự để thoát án tử hình. Theo quy định tại Điều 35 BLHS 1999 thì khi xét xử không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng.
Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Với quy định trên của pháp luật thì bị cáo Huệ thoát án tử là điều đương nhiên. Theo đó, bị cáo Huệ sẽ không phải thi hành hình phạt tử hình mà được chuyển xuống chung thân", luật sư Huế nói.
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng, Điều 35 Bộ Luật Hình sự quy định về hình phạt tử hình như sau: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.
"Như vậy trường hợp chị Huệ đang có thai và dự kiến tháng 4/2016 sinh nên Huệ sẽ được chuyển hình phạt từ phạt tử hình sang tù chung thân theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng là lấy tinh trùng cho Huệ bơm vào buồng trứng với giá 50 triệu đồng. Hành vi này chính là hành vi mua bán tinh trùng – một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Hiến, cho, tặng tinh trùng được thực hiện vì mục đích nhân đạo chứ không nhằm mục đích kinh doanh và phải tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định.
Khoản 3, Điều 11 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Nghiêm cấm việc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác”.
Khoản 2, khoản 3, Điều 4 - Luật này cũng quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác là phải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại.
Người có hành vi mua bán mô, phôi, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cán bộ quản giáo sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo luật sư Huế, vụ việc này xảy ra cho thấy việc quản lý trại giam, giam giữ tử tù chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Các cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ quản giáo, họ hoàn toàn có thể bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS 1999) hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS 1999).
Việc xác định tội danh sẽ căn cứ vào kết quả điều tra từ Cơ quan điều tra”, luật sư Huế nhấn mạnh.
Còn luật sư Cường cho hay, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định rất chặt chẽ về quản lý, giam giữ tử tù.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn chưa nghiêm ngặt và đã có nhiều trường hợp nữ tử tù bị giam trong buồng biệt giam chờ ngày thi hành án nhưng vẫn mang thai như trường hợp của nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ.
Vì vậy, theo ông cần phải triển khai một số biện pháp sau đây để việc quản lý, giam giữ tử tù được thực hiện nghiêm chỉnh việc tăng cường công tác đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho các cán bộ quản giáo, các cán bộ công an:
Thực hiện việc quản lý, giam giữ đối với các tử tù nói chung và các phạm nhân khác nói riêng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sinh hoạt của các tử tù, tạo tinh thần thoải mái, theo dõi tình trạng sức khỏ của các tử tù…
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ quản giáo có hành vi bao che, dung túng, tạo điều kiện cho các tử tù thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Quy định chi tiết hơn việc quản lý tử tù: Về thời gian sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, ngủ nghỉ, thời gian thăm nom, số lần gặp thân nhân, số lượng người được vào thăm phạm nhân, những đồ vật được phép nhận.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra đang làm rõ sự việc.
Về trách nhiệm của các cán bộ trại tạm giam, theo ông Lực: "sai đến đâu sẽ xử lý đến đó".