Nhưng vì nhiều lý do, những tình tiết này đã không được dư luận biết đến, khiến cho vụ án được nhìn nhận ít nhiều có sự sai lệch.
Ngày 7/3 tới đây, vụ án “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức sẽ được đưa ra xét xử. Đây là vụ việc tốn nhiều giấy mực của báo giới và cũng có khá nhiều thông tin trái chiều. Đã có lúc dư luận cho rằng, đây là vụ sai phạm, tham nhũng khủng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng và những người tố cáo tiêu cực được vinh danh như những người hùng. Thế nhưng, kết luận của cơ quan công an lại cho thấy vụ việc không khủng khiếp như tố cáo ban đầu, đồng thời chính những người tố cáo cũng mắc sai phạm.
Không có tham nhũng khủng
Theo Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội, trong thời gian từ 1/7/2012 đến 31/5/2013, Cơ quan điều tra xác định có 1.544 kết quả xét nghiệm huyết học trùng thể hiện trong 18 quyển sổ, có 789 kết quả xét nghiệm được đưa vào thanh toán BHYT và thu trực tiếp của bệnh nhân (không có BHYT) là 16.569.000 đồng. Toàn bộ số tiền trên được đưa về bệnh viện và và được chia vào khoản hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện theo từng quý.
Vẫn theo bản Kết luận điều tra, qua lấy lời khai một số nhân viên y tế trong bệnh viện đều có khai nhận có xin kết quả xét nghiệm huyết học cho người thân, người quen để đưa vào hồ sơ xin việc hoặc để được cấp phát thuốc. Nhiều cán bộ nhân viên vì “nể nang tình cảm đối với người thân, với đồng nghiệp” nên đã cho kết quả xét nghiệm huyết học. Cơ quan CSĐT nhận định như vậy.
Cơ quan công an cũng đã tiến hành ghi lời khai của 598 bệnh nhân đã khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức trong thời gian từ 1/7/2012 đến 31/5/2013 và xác minh 124 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm trùng, xác định không ai có hậu quả từ việc xét nghiệm trùng và không ai thắc mắc, khiếu kiện gì đối với việc họ đã được xét nghiệm, khám và điều trị.
Đối với việc điều tra mở rộng các xét nghiệm khác và việc mua bán hoá chất phục vụ xét nghiệm, cơ quan CSĐT cho rằng, không có căn cứ để xác định các bị can lập khống kết quả xét nghiệm hóa sinh máu và kết quả xét nghiệm hóa sinh nước tiểu, không có căn cứ kết luận việc cán bộ hoặc nhân viên bệnh viện có sai phạm hoặc tham nhũng, tiêu cực trong việc đấu thầu mua vật tư y tế và hóa chất phục vụ cho việc xét nghiệm.
“Người hùng” cũng sai phạm
Cáo trạng của Viện KSND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT- Công an TP Hà Nội có nhận được đơn của bị can Nguyễn Trí Liêm và một số bệnh nhân, công dân tố giác bà Hoàng Thị Nguyệt có hành vi lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách.
Công an TP Hà Nội đã thu giữ 161 hồ sơ bệnh án bệnh nhân nội trú liên quan đến lời tố cáo này. Tiến hành điều tra, xác minh và gọi hỏi Hoàng Thị Nguyệt, Cơ quan điều tra xác định có 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau do Nguyệt ký (từ tháng 4/2012 đến hết tháng 6/1012) được đính vào phiếu xét nghiệm huyết học.
Viện KSND thành phố Hà Nội cho rằng, đối với Phan Thị Oanh, ngoài việc in khống 18 kết quả xét nghiệm thì Oanh còn không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của kỹ thuật viên trưởng, làm mất toàn bộ các sổ ghi kết quả xét nghiệm từ tháng 7/2012 trở về trước.
Hơn nữa, Phan Thị Oanh còn chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm khống nhiều kết quả xét nghiệm huyết học. Nhận xét, kết luận về vụ án, Cơ quan CSĐT cho rằng: “Phan Thị Oanh là kỹ thuật viên trưởng khoa xét nghiệm- Bệnh viện đa khoa Hoài Đức là người có nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật ở khoa, có nhiệm vụ kiểm tra lại toàn bộ các kết quả xét nghiệm do các kỹ thuật viên khác thực hiện trước khi trình trưởng khoa ký, nhưng Phan Thị Oanh đã không thực hiện mà còn trực tiếp in trước 18 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ, mặt khác Phạn Thị Oanh có chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước kết quả và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả cho bệnh nhân”.
Được giao nhiệm vụ quản lý sổ sách của khoa nhưng trong tháng 5/2013, Oanh đã làm “mất” sổ sách một cách có chọn lọc (chỉ mất sổ ghi kết quả xét nghiệm huyết học, sổ chức trách nhiệm vụ và bảng phân công công việc hàng ngày).
Cần làm rõ “động cơ cá nhân khác”
Vụ việc “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức cho thấy có khá nhiều tình tiết bất ngờ. Bà Hoàng Thị Nguyệt trước đây từng tuyên bố với báo chí rằng: “Tôi không tham gia vào việc nhân bản các kết quả xét nghiệm. Nếu tôi tham gia thì tôi đã không tố cáo, chẳng ai tự mình tố cáo chính bản thân mình cả”. Nhưng thực tế vẫn có bằng chứng để kết luận bà Nguyệt đã làm việc này.
Còn Phan Thị Oanh khai rằng, toàn bộ các sổ ghi kết quả xét nghiệm từ tháng 7/2012 trở về trước đã làm mất, lý do cho chị Doãn Thị Liễu bán giấy vụn. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của chị Doãn Thị Liễu thì thấy, chị Liễu có được Oanh cho bán giấy vụn duy nhất 1 lần vào đầu năm 2012 nhưng không được Phan Thị Oanh cho sổ theo dõi kết quả xét nghiệm.
Dư luận ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức đang cho rằng việc tố cáo vụ “nhân bản xét nghiệm” có sự bất thường. Bất thường bởi những hồ sơ liên quan đến thời kỳ bà Hoàng Thị Nguyệt làm xét nghiệm đã bị “mất” một cách có chủ đích. Bất thường bởi Phan Thị Oanh chỉ đạo nhân viên làm khống kết quả xét nghiệm rồi lặng lẽ lấy đó làm bằng chứng đem đi tố cáo họ.
Kết luận điều tra của cơ quan công an cũng cho rằng, hành vi trên của Phan Thị Oanh là “vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác”. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là động cơ “khác” đó lại chưa được cơ quan chức năng làm rõ.