Người trong cuộc kể chuyện trùm Dung "Hà" cứu người tình tử tù

Dung “Hà” tên thật là Vũ Thị Kim Dung, SN 1956, ở phố Trạng Trình, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng. Thị được coi là “bà trùm” đầu tiên trong “lịch sử tội phạm” đất Cảng.

 	Dung "Hà" luôn che tay trước ống kính của các nhà báo (ảnh chụp tại phiên toà năm 1995).

Dung "Hà" luôn che tay trước ống kính của các nhà báo (ảnh chụp tại phiên toà năm 1995).

Dung “Hà” nổi tiếng trong giang hồ như thế nào, nhiều người biết. Khi Dung đã chết bởi giang hồ thì “ảnh hưởng” của thị với lứa “giang hồ kế cận” xứ Cảng vẫn đậm chất liêu trai. Cuộc đời và quá trình phạm tội của người đàn bà giang hồ đã chết này, đến nay vẫn có những tranh cãi nhất định.

Riêng chuyện tình cảm của thị thôi, cũng là chủ đề bàn tán trong một thời gian dài. Người đàn bà này đã yêu và cả gan “giải cứu” người tình trong trại tạm giam của Công an TP.Hải Phòng như thế nào? Sự thật ra sao? Người trong cuộc sẽ đáp ứng những hoài nghi đó của bạn đọc.

Âm mưu giải cứu “qua mặt” được cán bộ trại giam?

Thiếu tá Trần Thận Đại, người trực tiếp tham gia tích cực vào việc truy bắt những kẻ “nổi loạn” ở trại tạm giam Công an TP. Hải Phòng ngày 7.9.1989 khẳng định: “Có chuyện Dung “Hà” bày mưu, tính kế “giải cứu” người tình là Hùng “cốm” đang bị giam ở phòng riêng, dành cho kẻ tử tù.

Ngày đó, trại tạm giam của đối tượng án tử tù, án chung thân là riêng rẽ, gần với khu vực bể nước để cho phạm nhân ra tắm. Hùng “cốm” ở phòng giam riêng. Bên cạnh phòng giam của Hùng là môt tay anh chị khác, cũng khá nổi tiếng thời gian đó, tên là An Đông. Thế nhưng, An Đông chỉ bị án tù chung thân chứ không bị án tử hình.

Hai tên tội phạm có hơi hướng giang hồ này khá thân và hiểu ý nhau. Chẳng hiểu, chúng tiếp xúc với nhau theo kiểu nào, mà Dung “Hà”, dù ở ngoài cũng “kết nối” được hai tên này với nhau để cùng bàn mưu, tính kế cho cuộc đào tẩu ra khỏi trại tạm giam. Cả An Đông và Hùng “cốm” đều lựa theo sự sắp xếp của Dung “Hà”.

Ông Đại khẳng định: “Dung “Hà” rất khéo léo trong quan hệ với cán bộ công an, cán bộ chính quyền. Thị biết trên, biết dưới. Gặp ai thị cũng rất lễ độ, nhã nhặn, chào cán bộ chứ không yêng hùng. Người đáng tuổi anh, thì chào anh, đáng tuổi cha, chú, thị chào cha chú, xưng con rất ngọt ngào. Thị cũng biết “chăm sóc” cán bộ mà thấy có lợi cho việc mình làm”.

“Vậy cuộc giải cứu người tình Hùng “cốm” của thị, có sự “trợ giúp” của cán bộ trại giam?” - chúng tôi hỏi. Ông Đại bức xúc: “Người ta không dám thừa nhận là kém cỏi. Sự thật vẫn là sự thật. Tất nhiên, những năm 80 mà để xảy ra những chuyện đó ở công an một thành phố trực thuộc trung ương thì quả thật rất kinh khủng. Song, không phải vì ngại né tránh, mà không dám thừa nhận. Dung “Hà” nhận được sự trợ giúp của hai cán bộ quản lý buồng riêng của trại giam để tiến hành cuộc “giải cứu” người tình. Đó là cán bộ tên Điền và Sơn”.

Theo ông Đại, hai người đàn ông này cũng vô tư thôi, không có ý gì nhưng bị lợi dụng. Ngoài giờ hành chính, trước ngày 7.9.1989 vài hôm, cụ thể trước khoảng 2-3 giờ hôm xảy ra “nổi loạn” ở trại, cán bộ Điền và Sơn được Dung “Hà” mời đi uống bia, ăn nhậu. Nhậu xong, Dung “Hà” gửi quà vào cho Hùng “cốm” và An Đông, nhờ cán bộ Điền và Sơn cầm vào giúp.

Đó là hai túi quà, trong đó có rất nhiều gói nhỏ khác nhau. Vì chuẩn bị cả ngày mùng một âm lịch, nên Dung gửi nhiều hơn để cho Hùng “cốm” thắp hương. Trong mỗi túi quà có một gói xôi còn nóng, hoa quả để ăn và lựu đạn”.

Cuộc nổi loạn bất thành

Vì được ở khu và phòng riêng biệt nên Hùng “cốm” đã tự làm một cái bàn thờ ở trên cao, khuất gần quá giang nhà để cán bộ trại không phát hiện ra. Ở chỗ cạnh bàn thờ, Hùng hay treo quần, áo nên giấu việc này được rất lâu. Sau khi được cán bộ Sơn và Điền mang quà của người tình vào cho, Hùng đặt tất cả lên bàn thờ, cúng. Cúng xong, Hùng mang xôi, hoa quả ra ăn và vẫn nhớ chia cho An Đông một nửa số quà. Riêng quả lựu đạn, Hùng vẫn để ở trên bàn thờ đến hôm “hành sự” thì mới mang xuống.

Theo ông Đại, trong gói quà đó, Dung “Hà” đã có ám hiệu thống nhất với Hùng “cốm” và có người đúng chờ ở bên ngoài như thế nào? Lợi dụng việc được ra ngoài tắm, Hùng “cốm” đã đưa cho An Đông túi quà có quả lựu đạn. Thực tế, sau một ngày cán bộ Điền và Sơn chuyển quà của người tình vào cho, Hùng “cốm” và An Đông đến lịch đi tắm, chúng đã “trao đổi quà” với nhau.

Chúng tôi thắc mắc: “Vì sao Hùng “cốm” và Dung “Hà” lại chọn An Đông làm đối tác cùng chạy trốn mà không phải tử tù, tội phạm bị án chung thân khác”. Ông Đại phân tích: “Có hai lý do “chính đáng” để Dung “Hà” chọn An Đông làm “đối tác” cùng với Hùng “cốm” vì, thứ nhất, hai tên ở sát cạnh phòng giam, cùng là giang hồ cộm cán, dễ hiểu ý nhau, cùng có mức án cao và đều cho rằng, không thể ở tù mãi được, dù ra ngoài rồi chết luôn còn hơn chết trong tù tội.

Thứ hai, An Đông rất giỏi võ, tên này có thể hỗ trợ được cho Hùng “cốm” trong quá trình “nổi loạn”. Một mình An Đông có thể quật ngã được 5 thanh niên to, khỏe, lực lưỡng khác.

Hùng “cốm” và An Đông liên lạc với nhau qua việc được đi tắm cùng nhau. Lợi dụng việc đi tắm, Hùng “cốm” ném lựu đạn ra sân trại, tiếng nổ làm náo loạn cả trại. Ngay lúc đó, An Đông chạy lên tầng hai của khu nhà bên cạnh để trợ giúp cho Hùng “cốm” trốn thoát ra ngoài. Thế nhưng, kế hoạch của chúng không thành. Vì sau tiếng nổ, mọi đường ra vào của trại bị bao quây".

Đang trò chuyện, ông Đại trùng giọng. Trầm ngâm một lúc khá lâu, ông nói: “Hôm đó (tức ngày 7.9.1989) là một ngày không may nhưng cũng rất may. Tên Đông lên tầng 2, trên tầng 2 là kho súng. Tên này đi qua khu phòng để các loại vũ khí của trại. Nó biết trong đó có vũ khí, chắc chắn, thương vong và cuộc “nổi loạn” này để lại hậu quả khủng khiếp hơn rất nhiều”.

Hồi kết

Ông Đại vẫn tiếp mạch chuyện: “Ném lựu đạn nổ, không chạy được ra ngoài, Hùng “cốm” chạy về phòng giam của mình. Y bị bắt và không có hành động chống đối nào. An Đông nhảy từ tầng hai xuống đất. Trước khi phát hiện ra An Đông, tôi đã nghe tiếng rầm ở bên trong và ngay sau đó là chuông báo động. Tôi tiến sát đến chỗ An Đông, tên này rút lựu đạn ra. Tôi không thể nghĩ khác ngoài việc “mày có lựu đạn thì tao có súng”.

Tôi được trang bị súng và bắn cũng khá tốt. Ngay khi An Đông nhảy xuống, giờ lựu đạn ra dọa tôi, bên kia đường của cổng giam, Dung “Hà” cùng các đệ tử đi trên 3 xe máy đứng chờ, xe máy vẫn nổ. Chỉ thấy Đông thôi, Dung “Hà” làm ngơ, tắt máy, dắt xe tiến lên phía trước. Đông cầm lựu đạn, quay người chạy vào trong ngõ.

Tôi giơ súng bắn đúng vào ngực của Đông. Y bị thương và chạy vào ngõ cụt. Các đồng chí khác chạy đuổi theo. Vừa chạy đuổi phạm. Tôi vừa hô hoán để người dân tránh xa. Bị dồn vào ngõ cụt, Đông rút chốt lựu đạn ra nhưng không nổ. Thấy tôi cầm súng, Đông chửi: “Mẹ mày sao không bắn?”. Ngay lúc đó, các đồng chí cũng đuổi đến và chứng kiến. Vì thấy Đông vẫn ngoan cố chống trả, đồng chí Nhung đã bắn Đông chết”.

Biết Đông đã chết, Hùng “cốm” không phản ứng gì. Y vẫn bị giam ở phòng riêng. Sau đó một thời gian ngắn, Hùng “cốm” tự tử trong buồng giam bằng việc treo cổ mình lên với một can nước 10 lít.

Chúng tôi thấy lạ, ông Đại giải thích: “Sau cuộc “nổi loạn” bất thành, Hùng “cốm” không được ra ngoài tắm, chỉ tắm ở trong phòng. Ngày xưa, điều kiện chưa như bây giờ, một số vật dụng, gia đình phạm nhân phải chuyển đến cho họ dùng. Can 10 lít là do gia đình gửi vào để y tích trữ nước tắm. Hùng đã lấy quần áo, bện thành dây, treo can nước lủng lẳng lên cột nhà rồi vòng vào cổ mình”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại