Ngồi giữa phòng xử án trống trải ở TAND quận Ba Đình, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Phong (60 tuổi, trú tỉnh Hà Giang) nhấp nhổm không yên. Bà chờ đợi người vay tiền của bà xuất hiện nhưng chẳng thấy.
10h30 ngày 22/1, phiên tòa sơ thẩm vụ án “đòi tiền và tài sản cho vay” khai mạc dù bị đơn vắng mặt không lý do. Thẩm phán Trần Xuân Thắng làm chủ tọa. Phòng xử vắng hoe, chỉ có HĐXX, luật sư và người theo sát hành trình đòi nợ của bà.
Sụt sùi khóc như đứa trẻ, bà Phong kể bị chồng ruồng rẫy, sinh con không nuôi được mà phải nhờ một gia đình không có con nuôi dưỡng. Công việc của bà là làm thuê, giúp việc… Năm 2006, bà về Hà Nội giúp việc cho gia đình chị Cao Thị Kim Chi. Tài sản tích cóp được sau hơn 40 năm làm thuê, bà mang theo.
Ngày 20/10/2007, bà cho vợ chồng chủ nhà vay 26,5 triệu đồng. Ngày 1/3/2008, bà lại cho chị Chi vay tiếp 1,9 cây vàng. Cả hai lần vay đều có giấy ghi nhận nợ. Bà Phong được hứa hẹn trả ngay trong năm nhưng rồi chẳng thấy đâu. Bà sau đó không còn làm giúp việc cho vợ chồng chị Chi.
Không giải quyết được vay nợ, hai bên đưa nhau ra công an. Công an phường Vĩnh Phúc, Ba Đình tổ chức hòa giải nhưng không thành. Vợ chồng chị Chi chỉ thừa nhận một giấy vay nợ chứ không chấp nhận cả hai. Ngày 21/6/2012, bà Phong gửi đơn kiện đến TAND quận Ba Đình.
Tại phiên xử mở vào ngày cuối năm 2013, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phong, luật sư Nguyễn Tiến Trung cho rằng căn cứ khởi kiện là hai giấy vay tiền và vay tài sản đều do bị đơn tự tay viết, có ký tên của cả hai vợ chồng. Hợp đồng này phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức và có thể làm căn cứ để xác định nghĩa vụ của bị đơn.
Bà Phong cho hay chỉ yêu cầu được nhận lại tiền và vàng đã cho vay mà không đòi hỏi lãi suất. TAND quận Ba Đình ra phán quyết buộc vợ chồng chị Chi trả nguyên đơn số tiền và vàng đã vay.
Theo quy định về quản lý ngoại hối, tòa quy đổi số vàng trên sang tiền, tổng cộng vợ chồng chủ nhà phải trả bà Phong hơn 88 triệu đồng.