Trở lại với câu chuyện, Đoàn Văn Vươn bắt tay ngay vào cuộc, huy động vốn, thuê nhân công cùng nhiều loại máy móc, chở đất đá rồi… đổ ào ra biển.
Trong sáu tháng trời của năm 1993, Vươn cho rằng mình đã huy động đến 700 nhân công, hàng chục tàu thuyền, xe cơ giới vật lộn với sóng biển vùng cống Rộc, đổ hơn 20 ngàn m3 đất đá xuống mặt nước, xây dựng lên hình dáng của một chiếc “kè mỏ hàn”, bất chấp những lời chê bai của người đời cho rằng rồi công sức sẽ trở thành “giã tràng xe cát”.
Phạm nhân Vươn nhớ lại: “Chẳng có gì hung dữ bằng sức nước. “Thần biển” chỉ cần vươn những ngón tay “sóng” của mình tới là mọi thứ lại thành công cốc. Không biết bao nhiêu lần, sáng đổ đất đá thì chiều bị cuốn trôi, kè vừa hình thành buổi tối, ngày mai ra đã thấy biến mất không dấu vết. Không nản chí, trái lại, thất bại như chỉ khiến tôi liều lĩnh hơn. Tiếp tục hàng trăm tấn xi măng được chở đến, bằng mọi giá gia cố thêm cho kết cấu kè”.
Đâu năm 1995, công sức của Đoàn Văn Vươn đã được đền đáp. Cốt đã tương đối ổn định, kè đất đá, xi măng hình thành khá vững chắn. Vươn cùng gia đình bắt đầu thả nuôi tôm sú ở đầm thủy sản phía sau kè. Nhưng sự vui mừng có lẽ là quá sớm. Đầu năm sau, cống Rộc lại hứng chịu một trận lũ lớn. Bão to, nước tràn về, vượt qua cả cái kè, đánh tung nhiều khoảng kết cấu và xóa sổ toàn bộ diện tích đầm tôm sú. Đau đớn hơn, trong lúc cả gia đình vật lộn với sóng nước giữ kè, cô con giá đầu lòng của Vươn, mới 8 tuổi đã bị “thần biển” cuốn đi.
Nỗi đau thấu trời cùng thất bại kinh tế thảm hại đã khiến những người phụ nữ trong gia đình càng suy sụp. “Mất con, tôi xót xa đến bầm gan tím ruột nhưng không gục ngã. Mất mát đó chỉ càng làm tôi thêm cay cú. Tôi cố gắng định thần, phân tích cặn kẽ những sai lầm, rồi hiểu rằng muốn giữ kè thực vững chắc, bắt buộc phải trồng được rừng chắn sóng phía trước. Cắm đầu cắm cổ đắp kè, dù thành công cũng chỉ là ngắn hạn mà thôi”.
Thời điểm này vốn liếng đã cạn kiệt. Không đủ tiền thuê nhân công, máy móc, Vươn động viên toàn bộ anh em ruột thịt khoảng hơn 30 người, tiếp tục lao ra biển, quyết định làm chậm mà chắc. Củng cố 14ha đầm phía trong thả tôm, “lấy ngắn nuôi dài”.
Toàn bộ 28ha đầm ngoài dành trồng vườn ươm. Với mục đích chắn sóng, Vươn chọn cây bần, loại cây dễ sống và rất khỏe. Trên bãi đầm, Vươn cùng người nhà đứng dàn hàng ngang, quả bần được xoa mạnh trên những bàn tay thô ráp, khiến hạt bần rải đều khắp nơi. Họ làm theo nguyên tắc “cuối kém đầu gom”. Nghĩa là lợi dụng những tháng thủy triều xuống, sức nước kém để ươm bần. Tiếp đó, khi cây đã lên, tháng 2 Âm lịch chặt ngọn, đến tháng 4 Âm lịch thì đào gốc, trồng ra mặt bãi.
Những đợt trồng bần đầu tiên, cứ tới tháng có gió Nam, nước triều tràn về lại bứng cây lên trồng lại, “ném” thẳng ra ngoài biển. Tiếc của, cũng là tiết kiệm, Vươn cùng người nhà tìm cách vớt cây lên trồng tràn bãi nữa, mà chọn cách trồng theo “điểm”. Trên mặt đầm, cứ cách khoảng 50m lại dựng một cây.
“Lúc ấy, tôi suy nghĩ đơn giản. Bức liếp dù kín mít nhưng mỏng manh, dùng tay đấm vào, liếp thủng mà tay thi đau ít. Còn bờ tường, dù đơn độc nhưng vững chắc, đấm không thủng, nhưng còn có thể gãy tay. Trồng cây chắn sóng cũng thế, quan trọng là khoảng cách và sự vững chắc, trồng dày mà mà cây yếu thì không tác dụng”, phạm nhân Vươn minh họa một cách sinh động cho sự “thay đổi chiến thuật” của mình.
Năm 1998, hàng cây bần mọc lên rất đẹp. Kiên nhẫn chờ cây vững chãi, năm 1999, Vươn cùng người nhà nhổ toàn bộ số cây, trồng tràn trên chiều dài 200m mặt bãi. Ngay lập tức, đất đồi và bãi, liên tục và đều như có máy móc mang đến đổ. “Thiên nhiên có khi có độc ác, nhưng cũng có khi thật diệu kỳ. Nhiều người đến thăm, nhìn cây và phù sa lấn dần ra biển, cứ tấm tắc khen. Họ bảo nếu không nhờ tự nhiên, không biết sức người bao giờ mới làm được như vậy”, một trong những lần hiếm hoi Đoàn Văn Vươn tỏ vẻ “thân thiện” với thiên tai bão lũ.
Rưng rưng nước mắt nhớ về ngày xưa, Vươn chợt lãng mạng: “Có bài thơ nói về việc một miền đất thân thuộc hóa thành tâm hồn con người. Tôi và gia đình cũng thế”.