Hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo ra đầu thú tại cơ quan công an, nhưng thực chất cả hai đều “được” công an đến nhà, đến nơi làm việc “đưa” về cơ quan công an viết bản đầu thú.
Không chỉ vậy, còn nhiều nội dung vi phạm tố tụng nghiêm trọng, lời khai mâu thuẫn, yếu chứng cứ, nhưng không hiểu vì sao, viện kiểm sát vẫn truy tố bị cáo ra trước toà ngày 18-3-2015 về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng
Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2014, Trần Quốc Khánh (sinh ngày 4-11-1997, ngụ ấp An Lộc, xã An Cơ, huyện Châu Thành, Tây Ninh) quen với N.T.N.T (sinh ngày 1-1-1999, ngụ huyện Hoà Thành, Tây Ninh).
Cả hai nhiều lần điện thoại và gặp nhau ở nội ô Toà thánh Tây Ninh nên có tình cảm yêu thương nhau.
Ngày 23-3.-2014, Khánh điện thoại rủ T đến ấp An Lộc, xã An Cơ dự đám tang cha của người bạn. Khoảng 19 giờ, T cùng một người bạn đi taxi đến đám tang.
Tại đây, nhóm bạn Khánh, trong đó có Từ Minh Thuận, Trương Duy Trường cùng T tổ chức uống rượu. Đến 23 giờ, Trường chở T. về nhà (ấp An Lộc) ngủ chung phòng. Trường đòi quan hệ tình dục với T nhưng T không đồng ý. Cả hai ngủ đến sáng.
Ngày 24-3-2014, cả nhóm dự đám tang và tiếp tục uống rượu. Đến 22 giờ, Thuận đưa T về nhà Thuận (đối diện nhà có đám tang) ngủ.
Do trong phòng có người ngủ nên Thuận đưa T ra phía sau nhà và T ngủ trên chiếc giường tre cạnh nhà bếp. Sau đó, Thuận sang đám tang.
Đến khoảng 4 giờ, ngày 25-3, Thuận về ngủ chung với T. Ngủ được một lúc, Thuận thức dậy, rửa mặt, rồi ngồi trên chiếc xe mô tô gần chiếc giường. Lúc này, Khánh đến và nói với Thuận là Khánh muốn quan hệ tình dục với T, nhờ Thuận giúp, Thuận đồng ý.
Sau đó, Khánh chui vào mùng nằm chung với T và kéo mền đắp từ chân tới ngực cho T. 5 phút sau, Thuận cũng lên giường nằm chung với Khánh và T.
Do Khánh có hành vi sờ mó nên T thức dậy, bước xuống giường định đi qua đám tang nhưng Khánh và Thuận kéo lại, sau đó Thuận giúp sức, Khánh quan hệ tình dục với T. T phản ứng vung tay, giãy giụa nhưng không phản kháng lại được hành vi của Khánh.
Sau khi quan hệ xong, cả Khánh, Thuận và T qua dự đám tang bình thường (!?). Một tháng sau, ngày 24-4, gia đình T làm đơn tố cáo Khánh và Thuận có hành vi hiếp dâm.
Giám định pháp y kết luận màng trinh T bị rách cũ, còn Khánh có độ tuổi khoảng 16 năm 6 tháng đến 17 năm. Vì vậy, VKSND huyện Châu Thành truy tố Khánh và Thuận tội “Hiếp dâm trẻ em” được quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo phản cung và hồ sơ bộc lộ nhiều tình tiết mâu thuẫn
Thẩm vấn tại phiên toà, bị cáo Khánh cho rằng mình không có hành vi hiếp dâm T, còn Thuận cũng khẳng định không giúp Khánh hiếp dâm T.
Trong khi đó, bị hại T khai trước toà và tại cơ quan điều tra hành vi và diễn biến hiếp dâm của Khánh đối với T có nhiều mâu thuẫn: lúc thì Khánh cởi quần Jean của T đến đầu gối, lúc đến mắt cá chân, lúc thì thụt đầu xuống cho Thuận cởi áo, lúc không… thậm chí, HĐXX và vị đại diện VKS thẩm vấn diễn tiến bị hiếp dâm, bị hại T kể lại sự việc không trôi chảy, không rõ ràng.
Khi được ông Lê Minh Hiền- trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh bào chữa cho bị cáo Khánh hỏi, bị hại T gần như không hợp tác trả lời, thường xuyên lặp lại câu trả lời: “Tôi không trả lời. Tôi có lời khai tại cơ quan điều tra”.
Ông Lê Minh Hiền nêu ra những dấu hiệu của bị hại T trước và trong lúc đang hiếp dâm có nhiều điểm không hợp lý với hành vi hiếp dâm như đồng ý cho bị cáo hôn môi, trùm mền khi quan hệ, tay huơ qua huơ lại (trong khi tay bị hại đang bị bị cáo Thuận nắm chặt)…
Ông Hiền cho biết, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng như lấy lời khai bị cáo Khánh, bị cáo Thuận không có sự chứng kiến của cha mẹ của các bị cáo.
Cụ thể, ông Trần Văn Giới- cha của bị cáo Khánh được cơ quan điều tra triệu tập đến nhưng không có chứng kiến điều tra viên lấy lời khai con ông.
Việc ông Giới ký tên vào các bản khai này là do điều tra viên đưa cho ông ký khi đã lấy lời khai con ông rồi và trong khi ông ngồi phía ngoài chờ. Ông Giới khẳng định trước toà, không có lúc nào ông được chứng kiến con ông khai với điều tra viên.
Bà Lý Thị Ánh Hồng- mẹ của bị cáo Thuận cũng cho biết bà ngồi chờ phía bên ngoài đến 2 giờ khuya, điều tra viên kêu ký tên thì ký vì nghe nói là con bà khai như vậy và khi bà Hồng ký tên xong thì công an cho con bà về.
Theo luật sư Phạm Thanh Điền- người bào chữa cho bị cáo Thuận thì chứng cứ thu thập như vậy là không bảo đảm khách quan, vi phạm Điều 304 BLTTHS, do người giám hộ không được chứng kiến, không được có mặt suốt quá trình lấy lời khai, hỏi cung.
Thẩm vấn tại phiên toà, bà Lương Thị Hồng Nguyệt- cán bộ Huyện đoàn Châu Thành xác nhận bà có ký tên vào biên bản lấy lời khai bị cáo Thuận, nhưng bà ký khi điều tra viên mang hồ sang trụ sở huyện đoàn để bà ký chứ thật sự bà không có chứng kiến.
Việc làm này, bà Hồng xác định là không có sự phân công của lãnh đạo cơ quan.
Theo hồ sơ vụ án, luật sư Phan Văn Lắm tham gia bào chữa cho bị cáo Khánh, trong giai đoạn điều tra, ông Lắm là người ký tên chứng kiến điều tra viên lấy lời khai bị cáo Khánh, trong khi Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tây Ninh cũng không cử ông Lắm tham gia.
Luật sư Điền cho rằng, ông Lắm và bà Nguyệt không được quyền thay mặt gia đình để giám hộ, nên văn bản có chữ ký của bà Nguyệt và ông Lắm không có giá trị pháp lý, không là chứng cứ để buộc tội bị cáo (do cơ quan điều tra thu thập không đúng trình tự bắt buộc và cũng không đúng bản chất sự việc mà 2 vị này ký tên).
Theo hồ sơ vụ án, hai bị cáo Khánh và Thuận đến cơ quan công an đầu thú và viết bản nhận tội. Tuy nhiên, tại phiên toà, hai bị cáo đều phủ nhận việc này.
Luật sư Điền cho biết, cả hai bị cáo và cha mẹ bị cáo đều xác định không có sự đầu thú, thực chất là cơ quan điều tra lập biên bản đầu thú dù thực tế không có sự việc này.
Trao đổi với phóng viên, bị cáo Khánh cho biết, bị cáo được công an đến tận nhà đưa ra xã, còn bị cáo Thuận được công an xã đến đưa đi khi đang làm công cho một quán cà phê.
Mẹ bị cáo Thuận cũng xác nhận điều này và cho biết, công an đến tận xí nghiệp nơi bà đang làm để tìm con bà.
Quá trình Cơ quan điều tra- Công an huyện Châu Thành thụ lý điều tra vụ án, cha mẹ bị cáo thấy cơ quan điều tra vi phạm tố tụng nên viết đơn khiếu nại, nhưng cơ quan điều tra không thụ lý giải quyết.
Bào chữa cho bị hại T, luật sư Vương Sơn Hà cho rằng, hậu quả pháp lý của hành vi trái pháp luật đã xảy ra, tức bị cáo Khánh đã dùng vũ lực thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với cháu T (khi vụ án xảy ra, T mới 15 năm 2 tháng 25 ngày tuổi).
Mặc dù tại phiên toà, bị cáo Khánh, bị cáo Thuận phản cung, cho rằng không thực hiện hành vi phạm tội, nhưng với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên toà, có đủ cơ sở xác định đây là vụ án hiếp dâm trẻ em.
Phần luận tội, đại diện VKS cho biết, tuy các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của các bị cáo, bị hại thì đã có đủ cơ sở xác định các bị cáo phạm tội.
Cụ thể là biên bản lời khai đầu thú của các bị cáo, các bản tường trình và các bản lấy lời khai. Về người giám hộ, đại diện VKS cho rằng các bị cáo đã trên 16 tuổi nên không áp dụng Khoản 2 Điều 306 BLTTHS.
Tuy nhiên, luật sư Điền cho rằng vị đại diện VKS hiểu chưa đúng Khoản 2 Điều 306 BLTTHS.
Toà tuyên bị cáo không phạm tội
Trước khi tuyên án, thẩm phán Ninh Thị Ngọc Cẩm- chủ tọa phiên toà nhận định: Trên cơ sở hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên toà cũng như xét thấy tại phiên toà, các bị cáo Khánh, Thuận không thừa nhận hành vi hiếp dâm, cũng như khi lấy lời khai bị cán bộ điều tra ép cung, hăm dọa.
Các bản tường trình bị cáo viết cũng trong tình trạng bị ép buộc.
Trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia đình các bị cáo có đơn khiếu nại hành vi tố tụng của điều tra viên nhưng không được xem xét giải quyết là vi phạm Điều 329 BLTTHS.
Khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khi lấy lời khai bị can, cơ quan điều tra không thông báo cho người đại diện hợp pháp hoặc cho luật sư Phạm Thanh Điền để họ thực hiện quyền bào chữa đối với người chưa thành niên, mà lại yêu cầu luật sư Phan Văn Lắm thực hiện quyền bào chữa là vi phạm quy định tại Điều 305 BLTTHS.
Trong khi đó, trong hồ sơ vụ án chưa thể hiện việc Đoàn Luật sư Tây Ninh hay Văn phòng Luật sư Phan Văn Lắm cử luật sư Lắm tham gia bào chữa.
Tại biên bản lấy lời khai bị cáo Thuận ngày 24-4-2014, không có người bào chữa cho bị can vị thành niên, chỉ có cán bộ huyện đoàn (khi không có cha mẹ…).
Trong khi đó, điều tra viên mang hồ sơ đến huyện đoàn cho cán bộ ký tên là vi phạm BLTTHS. Việc lấy lời khai vào ban đêm nhưng không ghi rõ lý do là không đúng quy định Điều 131 BLTTHS.
Biên bản đầu thú bị can Khánh lập 14 giờ 30 phút và kết thúc vào lúc 15 giờ 30 phút tại Công an huyện Châu Thành ngày 23-4-2014 lại trùng thời gian với biên bản kiểm tra hiện trường, cùng do điều tra viên Nguyễn Ngọc Anh Dương lập vào lúc 14 giờ và kết thúc lúc 15 giờ 5 phút ngày 23-4-2014 tại ấp An Lộc, xã An Cơ, huyện Châu Thành.
Trên cơ sở lập luận trên, chủ toạ phiên toà khẳng định việc điều tra thu thập chứng cứ không đúng thủ tục, trình tự của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án. Mặt khác, các hành vi, lời khai của bị hại, bị cáo ghi trong các biên bản có rất nhiều mâu thuẫn…
Căn cứ Khoản 2 Điều 107 BLTTHS, Toà tuyên bị cáo Khánh, Thuận không phạm tội hiếp dâm.
Điều 304 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có thể ra quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó. Thông tư liên tịch số 01/VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12 tháng 7 năm 2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên
Điều 7. Giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội
1. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có thể quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Đối với người chưa thành niên phạm tội không còn cha mẹ, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc là người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thì cơ quan điều tra cần tìm mọi biện pháp để xác định lý lịch cũng như gia đình của họ.
Trong trường hợp không xác định được thì cơ quan điều tra đề nghị cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở nơi bắt giữ, nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có thẩm quyền điều tra cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội.
3. Khi đã chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội, cơ quan đã nhận trách nhiệm cử cán bộ giám sát cần cử ngay cán bộ và kịp thời thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng biết để tạo điều kiện cho họ tiếp xúc, gặp gỡ người chưa thành niên phạm tội.
4. Người được giao nhiệm vụ giám sát người chưa thành niên phạm tội phải giám sát chặt chẽ, theo dõi tư cách đạo đức và giáo dục người đó.