Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa nhận đơn của bà V., ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh, tố cáo L.T.T. (quê quán Đồng Nai) lừa đảo chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.
Bà V. trình bày, trước đây bà bán quán cà phê ở cư xá Bắc Hải (quận 10), trong số khách hàng có L.T.T.
Người này trông như đại gia, ăn vận sang trọng, đi xe ôtô, nói năng lưu loát và thường khoe quen biết rất rộng.
T. nói mình kinh doanh bất động sản, chuyên mua đấu giá nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; mỗi căn nhà, khu đất giá trị có khi lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Thi thoảng T. còn dẫn một số nghệ sĩ nổi tiếng ghé quán uống cà phê nên bà V rất nể trọng.
Một lần T. cho bà V. biết mình có ông chú làm ở Công ty Honda Việt Nam đặt ở tỉnh Vĩnh Phúc nên có thể mua xe gắn máy với giá rẻ hơn 1/3 so với giá thị trường.
Xe Air Blade mua tại cửa hàng bán lẻ trên dưới 45 triệu đồng/chiếc nhưng T. mua tại công ty giá chỉ khoảng 30 triệu đồng. Có điều người mua phải đưa tiền trước và chờ từ 3-4 tháng mới có xe.
Để kiểm chứng, lúc đầu, bà V. gửi tiền mua một vài chiếc cho gia đình, người thân thì đúng như lời T. nói. Thấy vậy, bà V chuyển sang kinh doanh, đều đặn mỗi đợt đặt mua vài chục chiếc chủ yếu xe Air Blade.
Đầu tháng 12-2015, bà V. dốc hết hầu bao gửi cho T. hơn 7 tỷ đồng để đặt mua xe. Ngay sau đó T. lánh mặt. Trước khi “cao chạy xa bay”, T. còn nhắn tin bảo làm ăn thất bại nên mới… chiếm đoạt số tiền này và mong bà V… thông cảm!
Vụ này cũng giống như cú lừa của đối tượng Trần Ngọc Hiếu (tự Bi, SN SN 1986; quê quán Hà Nội; thường trú phường 12, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.
Năm 2010, sau khi ra tù về tội “cướp giật tài sản”, Hiếu sống lang thang nay đây mai đó nhưng đi đến đâu y cũng giới thiệu mình là nhân viên Ngân hàng VP Bank, trụ sở đặt tại đường Hàm Nghi, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Y thường gợi ý, người nào muốn mua xe gắn máy trả góp thông qua ngân hàng thì Hiếu sẽ giới thiệu, giá rẻ hơn từ 5-7 triệu đồng/xe so với giá thị trường.
Điều kiện Hiếu đặt ra là người mua xe phải trả 1 lần tiền cho Hiếu và Hiếu sẽ thanh toán dần cho ngân hàng.
Nhiều người nghi ngờ cách làm này thì Hiếu giải thích, đây là cách huy động vốn của ngân hàng để dùng vào việc kinh doanh thu lợi nhuận cao.
Khi tìm được con mồi, Hiếu hẹn nạn nhân đến một quán nước nào đó gần cửa hàng mua bán xe gắn máy rồi điện thoại cho bạn của mình là Võ Việt Chương (SN 1983; ngụ quận Phú Nhuận; trước đây là nhân viên tư vấn bán xe máy của Ngân hàng VP Bank nhưng đã nghỉ việc từ tháng 9-2011) đến tư vấn làm thủ tục mua xe.
Xong xuôi, Chương dẫn khách hàng đến các cửa hàng xe máy mà Chương quen biết trước đây để làm thủ tục mua xe trả góp.
Sau khi đóng các khoản trả trước cho cửa hàng, khách hàng sẽ đưa phần còn lại (sau khi giảm giá từ 5-7 triệu đồng/ chiếc) cho Hiếu rồi mang xe về. Tuy nhiên khi đến hẹn trả tiền cho ngân hàng thì Hiếu lặn mất tăm.
Lúc bị ngân hàng đòi tiền thì người mua mới vỡ lẽ. Tổng cộng Hiếu lừa 22 người mua 22 xe gắn máy các loại với số tiền chiếm đoạt trên 700 triệu đồng…
Riêng Chương được Hiếu trả tiền công tư vấn, lập hồ sơ từ 200-300 ngàn đồng/xe.
Mặc dù có khá nhiều bài học cảnh giác về mua hàng giá rẻ nhưng các tay “thợ săn” vẫn ngày ngày giăng bẫy con mồi trên các trang mạng, mục quảng cáo trên các báo đài, tờ rơi… hoặc trực tiếp ở các quán cà phê, nơi công cộng.
Chiêu thức đánh vào lòng tham của nạn nhân vẫn được bọn bất lương áp dụng triệt để.
“Nếu có mối làm ăn ngon lành như vậy thì đâu ai dại gì nhường cho người khác.
Cho nên, có ai đó gợi ý mua hàng giá rẻ một cách bất ngờ thì mọi người cần phải coi lại” - Trung tá Nguyễn Hải Triều, điều tra viên Đội 8, Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.