Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (cựu Tổng Giám đốc Vinalines) nhận bản án tử hình, đó là kết luận của HĐXX trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines ngày 16/12/2013.
Là 1 trong 3 luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân) đưa ra ý kiến: Tình trạng tham nhũng trong bộ máy Nhà nước đang gây nên sự bức xúc trong dân, làm suy yếu vai trò quản lý của Nhà nước và niềm tin của nhân dân với Nhà nước. Do đó, Đảng ta xác định tham nhũng là “quốc nạn” và phải tìm mọi biện pháp để hạn chế tới mức tối đa trong việc thực thi. Như vậy, cơ quan pháp luật phải có trách nhiệm phát hiện, đấu tranh để phòng chống tham nhũng.
Luật sư Triển cho biết thêm: Việc chúng ta điều tra đưa vụ việc tham nhũng để xử lý nghiêm đó là một trong những biện pháp hợp lòng dân. Và anh em như luật sư chúng tôi cũng rất mong muốn điều đó.
Tuy nhiên, khi đưa ra sự việc để xét xử liên quan đến tính mạng con người, liên quan đến uy tín, danh dự của bản thân họ, dòng họ của họ thì phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc phải điều tra một cách khách quan, toàn diện, xét xử phải đúng người, đúng tội như vậy mới đưa lại lợi ích chung. Có như vậy, bản thân người phạm tội kể cả họ phải chịu mức án tử hình, họ cũng cảm thấy đấy là mức án mà tội lỗi họ gây ra họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân.
Nhưng liên quan tới vụ án của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines, theo luật sư Triển thì đây là một vấn đề đưa ra dư luận và như là vụ án điểm nhưng bản thân sự việc này và nhìn theo một góc độ chung thì chưa đến mức như vậy.
Liên quan đến thủ tục mua, nhập khẩu ụ nổi 83M, luật sư Triển phân tích: Khi họ trình mua ụ nổi thì Bộ GTVT đã có văn bản trả lời rằng việc mua ụ nổi là thẩm quyền của Tổng công ty Hàng hải. Tuy nhiên có sự sai sót là do vốn tự huy động nên nếu đóng mới phải 1 – 2 năm và số tiền lên tới 100 triệu USD. Do đó họ không đủ khả năng. Như vậy, họ muốn tìm mua ụ rẻ, cũ để về sửa chữa lại. Ý thức tốt nhưng không có kinh nghiệm nên dẫn tới mua hàng hóa hư hỏng, từ quá trình vận chuyển cho tới về sửa chữa mất chi phí lớn.
Việc mua như vậy là có lỗi trước Nhà nước và nhân dân. Đây là tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như tòa tuyên tội Dương Chí Dũng.
Và “cố ý làm trái” cũng không thể đổ cho mỗi Dương Chí Dũng được. Vì việc này đều thông qua hội đồng quản trị.
Thậm chí, luật sư Triển nói: “Trong vụ án này có những người, tôi không bảo vệ họ nhưng tôi thấy họ oan thực sự. Ví dụ như chị Loan - kế toán trưởng. Chị Loan kí vào tiền đặt cọc để mua bán. Trong cáo trạng lại hiểu lầm giữa đặt cọc và kí quỹ”.
Hơn nữa, theo luật sư Triển, họ đã làm đầy đủ trình tự gửi lên cấp trên và đã được cấp trên cho phép và họ thực hiện. “Họ thực hiện như vậy là đúng pháp luật và họ làm trái ở điểm nào?”, đó là câu hỏi luật sư Triển đặt ra.
Dương Chí Dũng được đưa tới tòa. Ảnh TTXVN
Nói về tội “nặng nề” nhất là tội tham ô, luật sư Triển cho hay: Việc tham ô ở đây chỉ mới căn cứ vào lời khai của cá nhân. Luật sư Triển cũng cho rằng, chưa có đủ căn cứ để xác định Dương Chí Dũng có nhận số tiền 10 tỷ đồng "lại quả" hay không khi chỉ dựa vào lời khai của một số người liên quan mà không có sự tìm hiểu từ nơi chuyển số tiền này về.
Tại tòa xét xử vụ án liên quan tới Dương Chí Dũng và đồng phạm, luật sư Trần Đình Triển cũng có giả thiết: Nếu sau đây, phía công ty của Nga có bằng chứng chứng mình rằng việc thương thảo này không có từ phía Việt Nam hoặc nếu việc “chia chác” có ở Việt Nam nhưng là liên quan tới người khác chứ không phải ông Dương chí Dũng hay ông Mai Văn Phúc. Và từ phía Công ty AP (Singapore), người ta cho rằng, có hợp đồng đầu tư để làm dự án thông quan ở Hải Phòng. Đây là hợp đồng hợp tác đầu tư chứ không liên quan tới ụ nổi và không có sự ăn chia, ông Phúc và ông Dũng không “dính” tới chuyện tiền bạc thì việc tử hình họ có oan không?
Và luật sư Triển cho rằng, chúng ta phải tôn trọng mạng con người, đừng vì dư luận, đừng vì phong trào. Phòng chống tham nhũng phải làm đến nơi đến chốn, phải xử lý nhưng xử lý phải theo đúng quy định của pháp luật không được để oan sai.
Và qua lời nói của Dương Chí Dũng tại phiên tòa là: đề nghị cho mình được đối chất phía công ty của Nga và phía công ty AP (Singapore) để chứng minh mình không liên quan gì tới việc “chia chác” tiền bạc này; “nếu xử tôi như vậy thì tôi sẽ kêu oan đến cùng và đến đời con, đời cháu của tôi tiếp tục kêu oan cho tôi”, luật sư Trần Đình Triển nói.
“Dương Chí Dũng nói như vậy thì chúng ta có thể suy đoán rằng chắc chắn Dương Chí Dũng sẽ kháng cáo với bản án sơ thẩm này", vị luật sư nhận định.
Những phân tích của luật sư Trần Đình Triển có phù hợp với những quy định của pháp luật? Chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài phỏng vấn các luật sư và cập nhật thông tin sự việc này tới độc giả…