Lộ diện những “đòn nghiệp vụ” của điều tra viên

"Bức cung”, “Dùng nhục hình” không chỉ là hai tội danh xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác điều tra.

Lấy cung bằng… “nghiệp vụ”?

Trong một bức thư từ trong trại giam của người tù oan Nguyễn Thanh Chấn (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) gửi vợ con ở quê nhà, nhiều người giật mình trước lời “kết tội” của ông Chấn đối với cơ quan điều tra:

“Mà bây giờ nghĩ cái gì, chỉ trách sao có đội ngũ điều tra viên mất hết lương tâm, làm việc tắc trách. Họ chỉ cần thăng chức vì họ có quyền chức, sao mà công quyền, chức quyền bức cung, ngụy tạo chứng cứ, họ bắt anh phải làm theo, họ đã “hình sự hóa”, họ “đạo diễn” để phá án để rồi kết tội oan cho anh…”.

Dù đã 10 năm rồi, nhưng trong đầu ông Chấn vẫn hằn sâu những ký ức đau đớn: “Họ đọc cho tôi viết đơn tự thú. Sau khi viết đơn xong,  tôi được chuyển vào một buồng giam chung với một tên đầu gấu tại Trại Kế (Bắc Giang). Rồi sau đó là những trận đòn dã man từ tên cùng buồng. Khi mới vào đến buồng, tôi đã bị hắn đánh bằng cách dùng đế dép tát vào mặt và hai mang tai… Nhiều đêm tôi không ngủ được vì ĐTV bắt tôi phải thức để tập diễn lại hành động giết người…”.

Nhiều luật sư từng nhiều năm cọ xát với án hình sự cũng như tiếp xúc với cơ quan điều tra nhận định đó chính là hành vi ép cung, bức cung và “gián tiếp” dùng nhục hình trong điều tra. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi điều tra phải bảo đảm nguyên tắc bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, trong đó nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Bộ luật Hình sự cũng có các điều (Điều 298: Tội dùng nhục hình; Điều 299: Tội bức cung) để xử lý những người tiến hành tố tụng vượt quá giới hạn pháp luật cho phép trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Bức cung là ép buộc người khác phải khai sai sự thật theo ý muốn của người thẩm vấn và phải “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng chứng minh được hậu quả đã xảy ra thì không hề đơn giản. Luật sư Trương Anh Tú  dẫn chứng:

“Cách đây một năm, tôi tham gia bào chữa một vụ án hình sự, bị can là Thiếu tá Công an tỉnh. Những lần gặp gỡ bị can trước phiên tòa sơ thẩm, anh ta kể với tôi khi chưa nhận tội thì hàng ngày có 3 “bạn tù” vô cớ hành hung, họ không đánh vào mặt mà chỉ đánh vào phần mềm trên cơ thể, cứ sau mỗi một trận đòn thì anh ta lại được thoa dầu để đảm bảo không có vết thâm tím trên cơ thể. Việc này chỉ chấm dứt khi anh ta nhận tội”.

Dù ít có bằng chứng cụ thể nhưng người ta vẫn thường gọi đó là những đòn “nghiệp vụ” được  ĐTV sử dụng để lấy cung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

ĐTV là người “làm cỗ”

Một số luật sư khác được hỏi đều nhận định nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong quá trình tố tụng thường bắt đầu từ cơ quan điều tra, ĐTV. Những người này nhiều khi được ví như những người “làm cỗ” và VKSND, TAND là những người được mời vào “mâm”.

Nguồn cơn của việc sử dụng “tiểu xảo” để điều tra như ép cung, bức cung, nhục hình… có thể vì đối tượng gan lỳ không chịu khai hoặc vì thành tích, muốn hoàn thành nhanh công việc của cơ quan tố tụng... Nhưng điều tệ hại nhất, theo Luật sư Tú:

“Khi bắt đầu điều tra một vụ án, các ĐTV  luôn coi các bị can là tội phạm, là kẻ thủ ác… nên dùng mọi biện pháp có thể để bị can phải nhận. Một người chỉ bị coi là tội phạm khi có bản án của cơ quan tòa án, do vậy các ĐTV chỉ cần làm đúng bổn phận, đạo đức của mình để làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án.

Trong tố tụng hình sự, bên cạnh việc làm rõ những chứng cứ có tội, những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội, tình tiết giảm nhẹ cho bị can. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra và xét xử cho thấy, cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung thường “quên” quy định này”.

Nói cách khác, việc coi bị can chưa phải là tội phạm và đối xử đúng pháp luật chính là đạo đức của người làm nghề điều tra. Một ánh mắt, một cử chỉ, lời nói đúng mực cũng có thể làm cho bị can tâm phục, khẩu phục, phá án nhanh.

“Đối diện với bị can, quan trọng nhất đối với tôi là sự thật khách quan. Muốn thế, ĐTV phải nghe hai tai, xem cả chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội. Nếu không tôn trọng nguyên tắc này sẽ phạm sai lầm. Trong lấy cung, ghi lời khai phải coi trọng đạo đức của ĐTV để đảm bảo không vi phạm pháp luật mà lại khiến đối tượng tâm phục, khẩu phục”, Đại tá Nguyễn Đăng Miêng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm làm án.

"Tôi mới chỉ làm rõ được hành vi thông cung"

Luật quy định rõ việc dùng thủ đoạn điều tra bằng bức cung, mớm cung, nhục hình là vi phạm. Những bản cung, bản kết luận điều tra đó không có giá trị vì được thực hiện bằng hành vi phi pháp.

Nhưng thực tế, để làm rõ một hành vi sai trái như trên là cả một hàng rào khó khăn. Tôi là một giáo viên, luật sư, tôi đã nghiên cứu hành vi đó rất nhiều nhưng để có bằng chứng nói trước Tòa án thì tôi chưa bao giờ làm vì khó có chứng cứ chứng minh. Tôi mới chỉ làm rõ những hành vi thông cung mà thôi.

Tôi tin rằng, mớm cung, bức cung, nhục hình có xảy ra trong hoạt động của cơ quan điều tra nhưng là cá biệt, không được khuyến khích. Nếu lãnh đạo các ngành Công an, VKS biết, họ sẽ không bao dung.

TS, Luật sư Ngô Ngọc Thủy - nguyên Trưởng khoa Tư pháp (Trường Đại học Luật Hà Nội)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại