Điều đặc biệt người ta nhớ tới vụ án không phải là ở việc tìm ra thủ phạm, mà ly kỳ ở việc phát hiện ra nơi kẻ thủ ác cất giấu nạn nhân. Người tìm ra đầu mối của vụ việc là ông Nguyễn Duy An (SN 1963) - anh trai của nạn nhân Nguyễn Thị Lan (SN 1970). Từ đây, toàn bộ tội ác của gã chồng Phạm Văn Thắng (tên thật là Phạm Trung Thủy, SN 1966) bị lật tẩy.
Giàu có phụ vợ
Chúng tôi về lại thôn Lam Sơn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nơi từng xảy ra vụ án chồng giết vợ rồi ném xác xuống giếng, đổ xi măng phi tang năm xưa. Căn nhà của chị Nguyễn Thị Lan và Phạm Văn Thắng bây giờ đã được sang nhượng cho một người ở tỉnh khác đến mở quán làm ăn. Cái giếng nơi chị Lan bị ném xác đã được gia đình và người dân lấp lại. Hàng năm cứ đến ngày lễ hay ngày giỗ người đàn bà xấu số, gia đình đều tìm đến thắp hương, cúng vái.
Thấy chúng tôi tìm đến căn nhà, ông Bùi Văn Lâm (76 tuổi, một người hàng xóm ở đây đã lâu và nắm rõ vụ việc), kể: “Thời ấy, Thắng là một thanh niên cao, hơi gầy, da trắng. Anh ta bảo quê ở Hải Phòng nhưng muốn lên đây làm ăn. Sau này, chúng tôi mới biết anh ta tên Thủy và có nhiều tiền án, tiền sự. Khi Thắng về đây, Thắng khoe khoang từng yêu một cô gái xinh đẹp con nhà giàu. Tuy nhiên, bố mẹ cô gái ấy không chấp nhận nên đành phải chia tay”.
Theo lời kể của ông Lâm, quá trình sinh sống ở Lâm Sơn, Thắng tình cờ gặp Lan trên một chuyến xe khách Hà Nội – Hòa Bình. Lan là dân bản địa và là người dân tộc Mường. Ngày ấy, người dân tộc ở gốc ở xã này có thế lắm. Có lẽ biết được điều ấy nên Thắng đã tán tỉnh Lan để mượn thế người yêu làm ăn. Biết được thân phận và gốc gác của Thắng nhưng vì tình yêu, Lan chấp nhận bao che cho người yêu và lấy hắn ta với ý nghĩ rằng Thắng sẽ làm lại cuộc đời, cùng với mình sống cuộc sống yên bình. Lan không hề ngờ, bản chất côn đồ của hắn không thể thay đổi.
Sau khi Lan và Thắng lấy nhau, hai người mua đất ở mặt đường để làm ăn. Những năm đầu, vợ chồng ấy cùng nhau đi buôn gốc cây cảnh. Họ ăn nên làm ra và có nhiều mối quan hệ rộng bên ngoài xã hội. Cuộc sống hai vợ chồng thuộc diện có của ăn của để. Sống với nhau suốt mười năm không có con cái nhưng hàng xóm không thấy họ cãi vã nhau bao giờ. Mọi người ai cũng nể phục đôi vợ chồng trẻ làm ăn giỏi, không có con mà vẫn sống hạnh phúc.
Thắng làm ăn đã một thời gian dài nhưng ngoài Lan, không ai biết được thân phận thật của. Hắn tin rằng, mình khó bị phát hiện và bàn với vợ mở một quán cà phê kiêm karaoke. Mở quán xong, Thắng nhớ đến người quen là Nguyễn Thị Thu ở T.X Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nên đã rủ chị này về làm nhân viên cho mình. Ông Lâm ngậm ngùi nhớ lại, từ khi họ mở quán karaoke thì hàng xóm thấy hai vợ chồng bắt đầu lục đục. Thi thoảng, người dân ở đây thấy họ cãi nhau, cứ người này bảo người kia không tốt rồi ngoại tình lung tung. Thật ra khi ấy, Thu là một cô gái trẻ trung xinh đẹp nên Thắng đem lòng yêu. Giữa họ đã có mối quan hệ bất chính với nhau. “Cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra”, Lan biết được Thắng ngoại tình nên nhiều lần bắt hắn phải bỏ Thu, quay về với mình. Lan còn đe dọa sẽ tố giác việc trốn trại của Thắng lên công an nhưng hắn vẫn trơ trơ.
“Nhiều lần khuyên chồng bỏ người tình để níu giữ hạnh phúc bất thành, Lan chán nản và bắt đầu nghĩ cách trả đũa. “Ông ăn chả thì bà ăn nem”, hơn nữa đó là quán karaoke không lành mạnh nên họ phải tạo mối quan hệ với ông này ông nọ để làm ăn. Vì vậy có khi những người dân ở đây cũng thấy Lan cặp kè với một vài người khi không có Thắng ở nhà”, ông Lâm nhớ lại.
Phi tang tội ác
Lại nói về Thu, sau khi vào quán làm việc một thời gian ngắn, cô bị cha mẹ yêu cầu phải bỏ việc vì nghi ngờ cơ sở kinh doanh của Thắng không lành mạnh. Đến tháng 9/1997, Thắng lại rủ Thu quay lại và được cô này đồng ý. Thời gian đó, Thắng tâm sự với Thu rằng quan hệ giữa hai vợ chồng hắn đang rạn nứt vì chị Lan ngoại tình. Mỗi khi hắn khuyên răn thì Lan lại đe dọa sẽ tố giác việc trốn trại với cơ quan công an. Từ những bất hòa không giải quyết được, tình cảm của vợ chồng chị Lan ngày càng rạn nứt. Mỗi lần mâu thuẫn, Lan đều đem quá khứ của chồng ra uy hiếp, buộc gã phải theo ý mình. Chính vì điều này, Thắng luôn hậm hực. Để giải tỏa mối lo trong lòng, hắn đã quyết định sát hại vợ nhằm bịt đầu mối quá khứ tội lỗi.
Chiều 10/11/1997, trong lúc ngồi tâm sự với nhau Thu hỏi: “Anh đang suy tính điều gì à?” thì Thằng đáp: “Tối nay, anh sẽ giết con Lan”. Tối hôm đó khi quán hết khách, Lan và Thắng vào buồng trong đi ngủ trước còn Thu lo dọn dẹp. Đến 2h sáng, bên ngoài trời mưa to như trút nước, Thắng thấy vợ đã ngủ say liền đi ra vườn lấy chiếc xà beng vào buồng đập mạnh một nhát vào gáy.
Nghĩ Lan chưa chết, Thắng tiếp tục dùng xà beng đập thêm một nhát vào đầu. Gây án xong, gã đi ra ngoài gọi Thu dậy phụ khiêng xác vợ ra chiếc giếng cạn bỏ hoang ở bên trái hiên nhà ném xuống rồi lấp đất che kín để phi tang tội ác.
Khi quay lại buồng, thấy chiếc gối mà vợ kê đầu lúc ngủ dính nhiều máu, gã bàn với Thu ném luôn xuống giếng để tiếp tục lấp đất lên trên. Đồng thời, gã dặn Thu: Nếu có ai hỏi chị Lan đi đâu cứ bảo chị đi chơi với bạn ở tỉnh Lâm Đồng.
Sáng ngày hôm sau, Thắng đi xe máy xuống Bãi Lạng mua 2 bao xi măng về đổ xuống giếng. Hai ngày sau, thấy không an tâm nên hắn mua thêm 2 bao xi măng nữa về đổ thêm vào nơi che giấu tội ác và bơm nước để xi măng nhanh chóng đông lại rồi phủ đất lên trên.
Sau khi gây án, Thắng chích máu cho vào rượu và bảo Thu uống thề không bao giờ tiết lộ bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, do bị ám ảnh về tội ác của gã gây ra và lo sợ Thắng sẽ giết luôn mình để bịt đầu mối, Thu đã xin về nhà. Tháng 1/1998, Thắng đưa Thu về Hà Nội thuê trọ và đi tìm việc làm cho cô tại một nhà hàng. Đến ngày 23/1/1998, Thắng bị Công an TP.Hà Nội bắt theo lệnh truy nã về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”. Khi biết Thắng bị bắt, Thu mới quay về quê. Đến tháng 3/1999, Thu đính hôn với một người đàn ông ở huyện Hoài Đức.
Trở lại thời điểm gây án, Thắng và Thu đều tưởng mọi chuyện như vậy đã êm xuôi, không ai biết chị Lan đi đâu. Thu thì yên tâm sống cuộc sống mới, còn Thắng thì nhởn nhơ và thoát khỏi tội "giết người". Tuy nhiên, gã không ngờ rằng đã đổ hàng tá xi măng xuống giếng để giấu xác vợ nhưng vẫn bị chính người anh rể của mình bằng linh cảm phát hiện ra nơi che đậy tội ác.
Phạm Văn Thắng tên thật là Phạm Trung Thủy, (SN 1966), nguyên quán ở thôn Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Không ai có thể ngờ rằng chồng chị Lan, người đàn ông trông có vẻ ngoài hiền lành đã từng có tới 3 tiền án. Quãng thời gian trốn nã từ năm 1992 đến năm 1998, Thủy đã đổi tên thành Phạm Văn Thắng, chuyển về sống ở thôn Lam Sơn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngày 7/3/1985, Phạm Trung Thủy bị TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội xử phạt 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Đến ngày 2/10/1985, Thủy lĩnh thêm 4 tháng tù cũng vì tội danh này. Sau đó, tháng 1/1991, Thủy bị tuyên án 5 năm tù về 2 tội “chứa chấp mại dâm và môi giới mại dâm”. Ngày 10/6/1992, Thủy bỏ trốn khỏi trại giam. Đến ngày 23/1/1998, Thủy bị Công an TP Hà Nội bắt lại theo lệnh truy nã toàn quốc. Lần bị bắt lại này, y còn bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) xử phạt 10 năm tù về tội "cướp tài sản".