Kỳ án vườn mít: Nhiều điều chưa sáng tỏ

Có 3 vấn đề các cơ quan tố tụng cần làm sáng tỏ để "kỳ án vườn mít" được xét xử một cách khách quan, công tâm và đúng pháp luật.

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy trong phiên tòa sơ thẩm mới đây tại Bình Phước, bị cáo Lê Bá Mai đã bị xét xử về 2 tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ” với mức án chung thân nhưng vụ án vẫn còn nhiều điều chưa tỏ...

Mâu thuẫn trong lời khai

Thứ nhất, theo án sơ thẩm, có thể khẳng định chứng cứ chủ yếu dùng để buộc tội là dựa vào lời khai nhận tội của chính bị cáo. Tuy vậy, qua diễn biến phiên tòa này, còn nhiều điểm mâu thuẫn như màu sắc quần áo, mũ và các đồ vật Mai khai mang theo có dấu hiệu không phù hợp với lời khai về người chở nạn nhân đi của các nhân chứng.

Kỳ án vườn mít: Nhiều điều chưa sáng tỏ
Vào mùa mưa, con suối này luôn ngập nước nên Lê Bá Mai không thể chạy xe máy qua để thực hiện tội ác.

Điểm đặc biệt quan trọng, địa điểm Mai thực hiện hành vi phạm tội cũng chưa được làm rõ. Bởi theo các lời khai của Mai, bị cáo rủ 1 trong 2 bé gái đi theo hướng đến ngã ba có con mương thì rẽ trái, Mai cho xe chạy thẳng vào vườn mít và thực hiện hành vi hiếp, giết cháu bé…

Nếu căn cứ theo lời khai và bản vẽ của Mai thì địa điểm giết, hiếp cháu Út so với bản vẽ hiện trường vụ án và nơi phát hiện xác nạn nhân là không trùng khớp nhau, cả về hướng đi của hung thủ và hiện trường thật của vụ án. Thực tế, khoảng cách giữa hiện trường nơi Mai khai nhận và hiện trường vụ án xa cả trăm mét, ở giữa lại bị ngăn cách bởi một con suối.

Theo Mai, sở dĩ bị cáo có lời khai nhận là do bị công an đánh đập, mớm cung, ép cung và do không biết pháp luật, sợ không dám tố cáo. Ở giai đoạn sau khi hủy án, kể cả lúc có luật sư tham gia, Mai khai lại là do điều tra viên, kiểm sát viên dụ dỗ nhận tội để sớm được đưa ra xét xử.

Quá trình điều tra, CQĐT mới chỉ lấy lời khai các điều tra viên xử lý Mai ở giai đoạn đầu vụ án nhưng chưa cho đối chất và lấy lời khai điều tra viên, kiểm sát viên ở giai đoạn sau cũng như chưa cho Mai đối chất với những người này để làm rõ là chưa khách quan, chưa đúng tố tụng hình sự.

Chỉ tập trung buộc tội

Thứ hai, ngoài việc sử dụng lời khai còn nhiều mâu thuẫn, chưa làm rõ của bị cáo, án sơ thẩm còn sử dụng lời khai lại sau này của nhân chứng Hằng (người dân tộc Stiêng, lúc đó mới 9 tuổi) để buộc tội Mai. Theo lời khai ban đầu của Hằng cũng như đơn trình báo của cha Hằng đã khẳng định cháu chỉ thấy một người thanh niên chở Út đi.

Đến thời điểm phát hiện Út chết trong vườn mít (4 ngày sau), cha cháu Hằng vẫn khai với công an là lúc đó Hằng nói với gia đình do mình đứng xa nên không nhìn rõ người thanh niên là ai…

Việc Hằng thay đổi lời khai, từ nhìn thấy một thanh niên chưa xác định sang nhìn thấy Mai chở Út đi cũng như cách Hằng lý giải là do lúc đó Mai đi ngang qua nên nhìn thấy liệu có thể xem là chứng cứ buộc tội vững chắc không? Bởi theo lẽ thông thường, nếu đúng người thanh niên đó là Mai thì ngay từ đầu Hằng phải khai và nói với bố là Mai chở Út đi.

Đây cũng là điểm mà cấp sơ thẩm đã không kiểm tra, đánh giá kỹ. Nếu người thanh niên chở Út đi không phải Mai thì bị cáo đã là người ngoại phạm vì vụ án chỉ truy tố một người nên không thể có chuyện có một người vừa là người khác vừa là Mai đã chở Út đi.

Thứ ba, đây là vụ án không phải phạm tội quả tang. Bị cáo bị bắt từ sự thay đổi lời khai mơ hồ của nhân chứng Hằng, còn lời khai nhận của bị cáo còn nhiều điểm chưa rõ, quá trình điều tra lại có nhiều vi phạm tố tụng. Đáng lý ra, cần làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội nhưng cấp sơ thẩm chỉ tập trung vào các chứng cứ buộc tội, bỏ qua các chứng cứ gỡ tội của Mai là không đúng quy định.

Ví dụ, theo lời khai của Hằng, người thanh niên chở Út đi thẳng, qua cây cầu ván bắc qua con mương (Mai không có lời khai nhận nào trùng khớp với hướng đi của người thanh niên đó). Tại bản vẽ hiện trường vụ án thể hiện ở hướng đi này, có vết bánh xe và dấu dép dẫn đến điểm phát hiện xác cháu Út. Quá trình điều tra xác định được dấu dép kế bánh xe không phải của Mai.

Các nhân chứng khác còn khai vào thời điểm đó, nhiều người làm công có xe máy và mặc kiểu quần áo, đội mũ giống như người cháu Hằng mô tả chở Út. Vậy vấn đề đặt ra là người thanh niên chở cháu Út đi, nhiều khả năng cũng là người để lại dấu bánh xe, dấu dép có phải là hung thủ hay liên quan gì đến vụ án này?

9 năm chưa xử xong

Lê Bá Mai bị bắt giam ngày 17-11-2004 vì bị cho là hung thủ hiếp dâm trẻ em và giết người. Sau khi bị tòa án 2 cấp tuyên tử hình vào năm 2005, Lê Bá Mai gửi đơn kêu oan đến Chánh án TAND Tối cao để mong được xem xét lại. Ngày 6-12-2005, TAND Tối cao có thông báo không có cơ sở kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Gia đình Mai liên tục làm đơn kêu cứu đến các cấp Trung ương cùng sự vào cuộc của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, khi ấy là chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ngày 12-12-2006, VKSND Tối cao đã kháng nghị vụ án. Ngày 5-2-2007, TAND Tối cao hủy án, yêu cầu điều tra lại.

Hơn 3 năm sau, với nhiều lần cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước trả hồ sơ, ngày 24-5-2011, sau khi mở phiên tòa xét xử, TAND tỉnh này đã tuyên Lê Bá Mai không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa . Tuy nhiên, tháng 6-2011, VKSND tỉnh Bình Phước có kháng nghị yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xử Mai theo hướng có tội.

Gần 1 năm chờ đợi phiên tòa phúc thẩm, gia đình Mai đã gửi đơn kiến nghị đưa vụ án ra xét xử. Chiều 18-5-2012, Lê Bá Mai bị bắt giam theo lệnh của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM để bảo đảm việc xét xử (phúc thẩm) và thi hành án.

Ngày 19-6-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy bản án tuyên Mai vô tội, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu.

Từ ngày 3 đến 5-1-2013, TAND tỉnh Bình Phước lại đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Bá Mai tù chung thân. Bản án này cũng lại bị VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị lên TAND Tối cao theo hướng tử hình.

Ngày 20-5 tới đây, TAND Tối cao tại TPHCM sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm sau khi hoãn xử ngày 6-5 vừa qua.

Đề nghị triệu tập thêm nhân chứng mới

Là luật sư bào chữa cho bi cáo Lê Bá Mai, từ ngày 6-5 tới nay, tôi đã đọc, xem hết hơn 1.000 trang hồ sơ và ảnh, còn việc nghiên cứu tôi phải cố hết sức. Những việc khác như tìm nhân chứng gỡ tội cho bị cáo mà tôi rất muốn làm, chắc không thể làm được vì không đủ thời gian.

Thật sự đáng buồn, ngay khi xem những bản ảnh đầu tiên, tôi đã phát hiện rất nhiều sai sót, không thể hiểu nổi của công tác điều tra, đặc biệt là việc điều tra lại, sau khi Chánh án TAND Tối cao hủy án sơ và phúc thẩm năm 2005. Sai sót quá nhiều đã làm cho bà Nguyễn Thị Hoài Thu phải gọi vụ án này là “quái dị án”.

Trong phiên xử tới đây, tôi đề nghị tòa án triệu tập thêm một số người, trong đó có ông Nguyễn Hữu Huấn, điều tra viên Công an tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Quốc Hân, kiểm sát viên VKSND tỉnh Bình Phước và 1 nhân chứng mới cùng những nhân chứng buộc tội khác. Đặc biệt, tôi cũng yêu cầu mời ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi xảy ra vụ án với tư cách nhân chứng, để hỏi đáp tại phiên tòa vì là người biết quá nhiều thông tin cũng như bản thân đã viết đơn xin được làm nhân chứng từ trước đây rất lâu.

Tôi đề nghị triệu tập thêm ông Huấn để giải thích về quá trình điều tra từ khi có quyết định giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao (năm 2007) trở về trước; cần được đối chất giữa bị cáo với ông Hân về việc tại sao sau 7 tháng 24 ngày liên tục kêu oan, bị cáo Mai đột nhiên nhận tội. Với những người khác thì để làm rõ những lời khai buộc tội của họ, do còn quá nhiều mâu thuẫn giữa những lời khai khác nhau với các chứng cứ trong vụ án.

Ví dụ, nhân chứng trực tiếp duy nhất là Hằng, trong khi từ năm 2004 - 2008, cháu luôn khẳng định có bình nước đá màu đỏ treo ở ghi đông xe máy khi Mai đưa nạn nhân đi thì khi thực nghiệm điều tra lần 1, không có chiếc bình như vậy. Tới lần thực nghiệm điều tra thứ 2, từ chiếc bình nước đá lại trở thành chiếc can nhựa 30 lít đã cũ, được đặt ở giữa tay lái và yên xe máy.

Luật sư Huỳnh Thế Tân, (trưởng Văn phòng Luật sư Tân & Đồng sự)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại