Kiều nữ phạm tội hiếp dâm mơ ngày hoàn lương

Có nhan sắc, học thức, những kiều nữ đã lầm lạc và trả giá. Đau đáu cho ngày về, họ quyết làm lại cuộc đời bằng việc tiếp tục đi học.

Kiều nữ phạm tội…hiếp dâm

Là tội danh khó tin đối với 1 kiều nữ, trường hợp của phạm nhân Phạm Thị Tuyết Nga (SN 1988, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chủ mưu trong 1 vụ hiếp dâm. Nga bị án 8 năm tù, đã thi hành được 4 năm tại trại giam Thủ Đức và được đặc xá trong dịp 2/9 này.

Chúng tôi gặp Nga, khi cô đang xếp hàng trong buổi lễ đặc xá ở trại giam, miệng cười hớn hở. Nga cầm túi đồ - hành trang cho ngày trở về, ngại ngùng khi tiếp xúc…

Phạm nhân Phạm Thị Tuyết Nga

Hỏi chuyện, Nga cười bẽn lẽn: “Em phạm tội hiếp dâm, bị tuyên án 8 năm, ở được quá nửa án thì nay được đặc xá”.

Thấy các phóng viên báo chí đứng gần ngớ người khi chưa hiểu cái tội…hiếp dâm mà người đẹp phạm phải, Nga giải thích rành mạch, bạn gái thân của Nga có mâu thuẫn với 1 cô gái khác, cũng là bạn của Nga.

Trong 1 lần đi chơi nghe bạn kể lại, Nga liền gọi điện cho bị hại đến gặp, nhằm mục đích giúp bạn thân giải quyết mâu thuẫn.

Thế nhưng không ngờ lần ấy, vì nhiệt tình giúp bạn, Nga đã “đạo diễn” cho cả nhóm gồm 5 nam, 2 nữ dùng vũ lực xâm hại tình dục nạn nhân. Vụ việc bị phanh phui khi nạn nhân tố cáo cơ quan công an; với vai trò đầu vụ, Nga bị tuyên mức án như trên, các đồng phạm cũng phải trả giá.

Những phạm nhân nhận quyết định đặc xá đầu tiên ở trại giam Thủ Đức

Cô gái có khuôn mặt đẹp, tươi sáng ấy kể rằng, ngày phạm tội, mình còn đang đi học. Hỏi học gì, Nga ngại nhắc quá khứ lầm lỗi. Trái lại khi hỏi về dự định tương lai, mắt Nga tràn đầy niềm tin.

“Hoài bão, ước mơ thì nhiều lắm, nhưng quan trọng là em có thực hiện được hay không thôi? Nhưng em tin, với nghị lực bản thân,em sẽ làm được.

Trước mắt khi trở về, em sẽ đi học tiếp, học ngành kế toán rồi tìm việc làm, nếu có điều kiện, sẽ học lên cao nữa. Em còn ước mơ có chồng con, yên ổn….”, Nga tâm sự rồi xin phép đứng vào hàng phạm nhân, chờ nhận quyết định đặc xá.

Mỗi người mỗi túi xách, trong đó chủ yếu là bộ thường phục để vài phút nữa, họ rũ bỏ áo tù, khoác lên người bộ đồ mới, làm lại cuộc đời...

Chuyện nữ sinh lầm lạc, lỡ “chuyến xe” dịp 2/9

Thiếu tá Phạm Thị Minh Hải - người dẫn chúng tôi đi gặp các phạm nhân ở trại giam Thủ Đức cho biết: "Trong lần đặc xá này, có một số người lỡ "chuyến xe" về quê dịp 2/9, trong đó có nữ phạm nhân Quách Trần Huyền Trang". Để hiểu rõ cái "sự cố" của Trang, chúng tôi đã xin gặp, trò chuyện với "kiều nữ" này.

 “Lỡ chuyến xe" về 2/9 này, nhưng trong ngày về không xa, phạm nhân Quách Trần Huyền Trang sẽ viết tiếp cuộc đời mình bằng con đường học vấn.

Trang có khuôn mặt trắng, xinh, ánh mắt đượm buồn. Cô cười gượng gạo lý giải "sự cố" của mình: trong bản án dành cho Trang và 2 đồng phạm buôn ma túy có cụm từ, đại ý rằng: các bị cáo để thỏa mãn cơn nghiện ma túy đã phạm tội "mua bán trái phép chất ma túy".

Giọng Trang đượm buồn: "Bản thân em không nghiện, chưa dùng ma túy lần nào, bán thì có… nhưng vì cụm từ chung chung dành cho em và 2 đồng phạm mà lần này em không được hưởng đặc xá dù danh sách đề xuất của trại có tên em".

Trang kể, khi đang học lớp 11 ở TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cô xin nghỉ học vì…chán học, đua đòi theo bạn bè. Trang theo 2 cô bạn gái vào Sài Gòn.

Tưởng đất phồn hoa dễ sống, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm của những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới.

Vào Sài Gòn chưa được bao lâu, 2 người bạn của Trang xài hết khoản tiền đã lấy của gia đình nên dạt lại về quê. Riêng Trang bám trụ, đến sống ở phòng trọ chị gái ở Q.12, làm nghề bán cà phê một thời gian ngắn rồi lại thất nghiệp.

Trong lần đi chơi ở Bình Dương, Trang quen 2 bạn nam là Trần Mạnh Tài và Nguyễn Minh Tiến (cùng SN 1987). Đang cảnh túng thiếu, 2 người bạn này rủ làm ăn, Trang liền đồng ý.

“Bọn em 3 người lên ngã tư An Sương, Q.12, TP.HCM lấy ma túy về, phân lẻ bán lại cho những con nghiện ở xung quanh KCN Đồng An, tỉnh Bình Dương.

Bán được mấy bữa thì cả nhóm em bị bắt. Em nhớ như in đó là ngày 16/4/2010” – Trang lật lại ký ức. 2 người bạn có vai trò chủ chốt lãnh án mỗi người 8 năm tù; Trang nhận phán quyết 5 năm 3 tháng tù.

Đến thời điểm gặp chúng tôi, Trang đã thụ án được 3 năm 4 tháng, hiện là đội trưởng đội phạm nhân của phân trại K2. Trong quá trình cải tạo, Trang đã 2 lần được giảm án với tổng cộng 19 tháng.

Dù lỡ “chuyến xe” về dịp 2/9 này, nhưng Trang tâm sự: “Buồn lắm chứ, nhưng chỉ còn hơn 3 tháng nữa là em hết hạn rồi! Ở đây được cán bộ quản giáo dạy dỗ, giáo dục, em mới nhận ra đầy đủ góc cạnh sai lầm bản thân mình.

Theo em nghĩ, lần ấy em bị bắt cùng đồng phạm là cái may mắn cho em, nếu không em sẽ trượt dài…dẫm chân vào bùn sâu hơn”.

Hỏi về tương lai trong ngày về không còn xa, Trang không do dự nói: “Em sẽ đi học lại. Ban đầu là em xin đi học bổ túc để hết chương trình phổ thông rồi học lên cao hơn, với em chỉ có con đường học mới nguôi ngoai quá khứ và để có tương lai tốt đẹp hơn”.

Những chuyến xe đưa các phạm nhân được đặc xá từ khu trung tâm ra cổng trại giam Thủ Đức cách nhau khoảng 5km để người nhà đến đón về.

Sau khoảng thời gian trút bầu tâm sự, Trang xin phép về trại, giúp cán bộ quản giáo điểm danh phạm nhập trại sau giờ lao động. Nhìn dáng đi mạnh mẽ, dứt khoát của Trang, chúng tôi tin rằng cô sẽ đạt được ước mơ làm lại cuộc đời bằng con đường học vấn.

Mỗi phạm nhân mà chúng tôi gặp, đều có những dự định khác nhau cho ngày về. Với họ để tìm một công việc mưu sinh, tự nuôi sống bản thân hẳn không mấy dễ dàng; và với người chọn con đường học vấn để tiếp bước đi trên dòng đời còn khó hơn nhiều lần.

Chúng tôi chỉ biết chúc cho những ước mơ của của những người như Nga và Trang…và những phạm nhân khác sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại