Ông A. và bà N. đều đã hơn 40 tuổi, làm chung một cơ quan. Ông A. còn độc thân, còn bà N. đã có gia đình và có ba con gái.
Năm 2007, hai người phát sinh mối tình công sở, được một thời gian thì bà N. mang bầu. Dù trước sau như một bà N. luôn nói rằng cái thai này không liên quan gì tới ông A. nhưng ông A. vẫn không tin, vẫn có linh cảm rằng đó là con mình.
“Tôi muốn con biết dòng tộc, họ hàng”
Rồi cháu bé ra đời. Ông A. vẫn tới lui gia đình bà N. chơi với cháu bé như một người bạn đồng nghiệp bình thường.
Thế nhưng thấy cháu bé lớn lên ngày càng giống mình, cộng thêm việc sau đó bà N. nhiều lần không cho phép ông tới nhà chơi nữa vì sợ điều tiếng nên ông A. càng khẳng định đó là con trai mình.
Cuối cùng, ông A. đã khởi kiện bà N. ra TAND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) để nhận con. Theo đơn kiện, ông yêu cầu tòa giám định ADN để xác định cháu bé có phải con ông và bà N. hay không.
Theo kết quả giám định ADN, ông A. chính là cha ruột của cháu bé.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông liên tục hỏi HĐXX rằng ông có quyền nuôi cháu bé không, có được làm lại giấy tờ khai sinh cho cháu để xác nhận ông là cha đẻ của cháu không, nhỡ vợ chồng bà N. đưa cháu ra nước ngoài thì ông phải làm sao...
Ông A. nói thêm, ánh mắt đượm buồn: “Ngay từ khi biết N. mang bầu, tôi đã nghĩ đó là con của tôi. Nhưng tôi không thể làm rõ trắng đen vì N. đã có gia đình, lại liên tục phủ nhận.
Cũng chính vì cái thai này mà tôi đã quyết định không lấy vợ”. Ông còn cho biết muốn làm lại giấy tờ cho cháu bé để “nhỡ một mai tôi có chết, cháu nó còn biết tới dòng tộc, họ hàng, biết ông bà nội và các bác của nó”.
Tòa trả lời là ông A. có quyền làm lại giấy tờ cho cháu bé, ông có quyền nuôi cháu nhưng phải khởi kiện trong một vụ án khác và lúc đó tòa sẽ phân định ai nuôi cháu bé sẽ tốt cho cháu hơn.
Còn việc đưa cháu bé đi đâu thì bà N. có nghĩa vụ phải thông báo với ông.
“Đừng làm mất tuổi thơ của con”
Một điều làm người dự khán phiên tòa này rất bùi ngùi là sự độ lượng của ông X. - chồng bà N. Ông X. tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Dù buồn bã, ông vẫn điềm đạm nói trước tòa: “Bây giờ ai đúng, ai sai có nói ra cũng không giải quyết được gì. Giờ cả ba đều đã lớn tuổi rồi, tôi mong rằng tất cả hãy nghĩ tới con thơ để giải quyết mọi việc cho đúng.
Đừng làm tổn thương con. Con cần phải phát triển trong môi trường tốt nhất và cần có thời gian để có thể hiểu mọi chuyện”.
Nói xong, ông X. quay về phía sau, nơi có vợ và con gái lớn của ông ngồi đó và khẳng định một cách rất chân thành:
“Dù không cùng huyết thống nhưng tôi sẽ thương con như con ruột của tôi. Tôi hứa tôi sẽ làm được điều đó”. Trước sự quyết liệt muốn thay đổi giấy tờ khai sinh cho cháu bé của ông A., ông X. chỉ nói:
“Việc này là quyền lợi của người làm cha ruột. Nhưng tôi mong rằng ông hãy nghĩ cho con. Con cần có thời gian để hiểu mọi chuyện”.
Suốt phiên tòa, bà N. đã khóc nhiều. Trước tấm lòng bao dung của chồng, bà muốn con tiếp tục ở với vợ chồng mình để không làm xáo trộn cuộc sống bình thường.
HĐXX cũng khuyên và giải thích cho ông A. rằng nếu sau phiên tòa này, ông được tuyên là cha đẻ của cháu bé thì theo luật ông có quyền được làm lại giấy tờ khai sinh để ghi ông là cha đẻ của cháu bé, ông có quyền thăm cháu bé, có quyền cấp dưỡng nuôi cháu.
Gia đình bà N. không được phép ngăn cấm ông thăm con. “Nhưng ông hãy nghĩ tới cháu bé và cư xử sao cho hợp lý.
Nếu ông là cha đẻ của cháu thì đó là quan hệ huyết thống, còn việc chồng bà N. nhận nuôi cháu thì đó là cha nuôi theo quan hệ pháp luật không thể phủ nhận. Cả ba người cần phải biết nghĩ tới cháu bé để cháu phát triển trong môi trường tốt nhất”.
Sau khi nghị án, HĐXX xác định ông A. chỉ khởi kiện đòi xác định huyết thống chứ không có các yêu cầu khác.
Theo giám định ADN, ông A. là cha đẻ của đứa bé nên tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, tuyên cháu bé là con ruột của ông.
Sự cảm thông của đại diện VKS
Chứng kiến các diễn biến tại phiên tòa, đại diện VKS cũng tỏ ra rất cảm thông với ông X. - người chồng tội nghiệp.
Đại diện VKS đã khuyên ông A. nên cư xử sao cho mọi người bớt bị tổn thương: “Việc phân định một cháu bé con của ai là một chuyện đau lòng cho cả cháu bé lẫn mẹ cháu cũng như hai người đàn ông.
Ông X. đã phải đau lòng vì chuyện này, càng đau lòng hơn khi ông ấy thương yêu cháu bé hết mực. Vì vậy ông cần cư xử sao để người xung quanh không bị đau lòng nữa”.