Tuổi thơ cơ cực
Trong mỗi gia đình, người bố thường đóng vai trò là trụ cột nhưng với gia đình Đồng, thật không may, gần hai chục năm trước, bỗng nhiên bố anh ta mắc bệnh tâm thần phân liệt. Suốt ngày ông chỉ ngơ ngơ ngẩn ngẩn nên không thể làm ăn gì được. Không chỉ phải nuôi dưỡng, thuốc men mà hàng ngày, mấy mẹ con Đồng còn phải để tâm đến ông, tránh xảy ra những điều đáng tiếc bởi ông mất nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình.
Với người chồng tâm thần cùng 3 đứa con nhỏ, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ Đồng. Bà tần tảo sớm hôm, chắt chiu nuôi dưỡng chồng cùng với đàn con. Là anh cả trong nhà, sớm nhận biết được hoàn cảnh gia đình, thương mẹ, muốn san bớt gánh nặng cho bà nên học hết lớp 9 thì Đồng thôi học.
Năm 2003, khi đó mới 14 tuổi, Đồng được một người thân giới thiệu nên từ quê ở Yên Thế, Bắc Giang, tìm đến một cơ sở chuyên kinh doanh buôn bán sắt thép phế liệu ở khu 4, phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP Hải Phòng, xin việc. Chủ cơ sở này là một người tốt bụng, thông cảm với hoàn cảnh gia đình Đồng nên nhận vào làm việc. Còn nhỏ tuổi nên Đồng được chủ cơ sở bố trí cho làm thuê với công việc phân loại các phế liệu. Thu nhập tuy không cao nhưng nghĩ đến bố mẹ và mấy đứa em ở nhà, Đồng cũng chắt bóp, tiết kiệm thỉnh thoảng gửi tiền về nhà hỗ trợ cho gia đình. Đến năm 2007, bệnh tình của bố Đồng trở nên trầm trọng rồi ông qua đời.
Bước ngoặt cuộc đời
Sau khi bố mất, Đồng không trở lại Kiến An làm trong cơ sở thu mua sắt thép phế liệu nữa mà theo một số bạn bè chuyển hướng tìm lên Hà Nội làm ăn. Năm ấy, Đồng mới 18, 19 tuổi, tuy còn trẻ nhưng sau những năm tháng đi làm thuê, vật lộn mưu sinh, anh ta cũng hiểu được giá trị sức lao động. Văn hóa thấp, không nghề nên thời gian đầu khi mới lên Hà Nội, Đồng làm thuê đủ thứ việc, từ nhập vào đội ngũ “cửu vạn”, bốc vác hàng hóa đến rửa bát trong các nhà hàng. Thế rồi phận đời run rủi, Đồng xin được một chân vừa làm bảo vệ vừa là nhân viên phục vụ trong một quán karaoke ở khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm.
Chàng thanh niên nông thôn vốn nghèo khó, chân chất, nay hàng ngày tiếp xúc với những thói hư, tật xấu của các loại tệ nạn phát sinh từ dịch vụ karaoke nên nhanh chóng biến chất. Rất nhanh, Đồng bị vòng xoáy của đồng tiền và tệ nạn cuốn hút. Từ một nhân viên quèn trong quán karaoke, Đồng chuyển sang “nghề” chăn dắt gái mại dâm. Anh ta nhận “bảo kê”, môi giới và trực tiếp làm “tài xế” xe ôm đưa gái bán dâm cung cấp cho các quán karaoke, nhà hàng trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (cũ) “phục vụ” khách.
Khi có số vốn liếng kha khá trong tay thì Đồng “mở” thêm “ngành nghề” kinh doanh mới là tổ chức cầm đồ, cho vay nặng lãi mà khách hàng chủ yếu là gái mại dâm. Chỉ sau 3, 4 năm lên Hà Nội làm ăn, Đồng trở thành một ông “trùm” bảo kê gái mại dâm kiêm cầm đồ, cho vay nặng lãi. Giống như các ông “trùm” khác, Đồng cũng có dưới trướng dăm ba kẻ đầu trâu mặt ngựa để sai khiến khi đi thu tiền.
Cuối năm 2011, trong quan hệ “làm ăn”, Đồng gặp Nguyễn Công Trứ, sinh 1989, từ quê ở trong Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang, cũng dạt ra Hà Nội kiếm sống. Không có vốn đầu tư nên Trứ mở dịch vụ massage ngay nơi thuê trọ trong Phú Diễn, Từ Liêm. Từ người cung cấp “hàng” cho Trứ, Đồng và anh ta nhanh chóng trở thành bạn thân. Va chạm nhiều với dân “xã hội đen” nên Đồng tự trang bị cho mình một khẩu colt để khẳng định “số má” của một kẻ giang hồ. Sau này trước cơ quan công an, khi được hỏi về nguồn gốc khẩu súng ấy, Đồng tỏ vẻ “ngây thơ” lý giải rằng, anh ta “nhặt” được ở ven đường gần khu nhà thuê trọ.
Trả giá vì thói ngông nghênh
Chính cái thói ngông nghênh, liều lĩnh của một kẻ lưu manh, côn đồ đã dẫn Đồng vào con đường phạm tội. Đấy là tối 30-6-2013, có một kẻ “đàn em” vừa trúng số đề, Đồng liền khởi xướng việc đi nhậu, ăn mừng. Sau khi gọi cho Nguyễn Công Trứ, Đồng kéo ba kẻ đàn em là Phạm Văn Long, sinh 1989, quê ở Hoàng Diệu, TP Thái Bình; Trần Ngọc Bản, sinh 1991 và Phạm Hồng Quỳnh, sinh 1992, đều ở Yên Thế, Bắc Giang, tìm đến một quán rượu ở vỉa hè khu vực Cầu Diễn ăn nhậu. Sau 3 tiếng ngồi ăn nhậu ở quán này, mặc dù quá nửa đêm nhưng cả bọn chưa thấy đã nên rủ nhau đến khu vực Cầu Đá, phố Trần Cung, Cổ Nhuế, Từ Liêm, gần nơi Đồng thuê trọ nhậu tiếp món rượu xoài.
Liên tiếp 2 cuộc nhậu nên cả bọn đều “tây tây”. Sau những cuộc nhậu như thế này, dân chơi thường giải rượu bằng… gái nên sau khi một “đàn em” ngỏ lời, Đồng và cả bọn hào hứng đồng ý ngay. Cả 5 đối tượng nhảy lên 2 chiếc xe máy phóng ra đường Phạm Văn Đồng hướng lên cầu Thăng Long. Lần lượt tạt vào 2 quán massage bên đường nhưng các nhân viên nữ thấy nhóm khách say xỉn, quậy tưng bừng nên khiếp sợ, vội vàng đóng cửa.
Thế là cả nhóm lại lên xe đi tiếp. Khi ngang qua quán massage không có biển hiệu ở số nhà 257 đường Phạm Văn Đồng, cả bọn thấy quán chưa đóng cửa, có hai cô nhân viên đang thu dọn bàn ghế nên dừng lại đi vào. Lúc bấy giờ là hơn 3h ngày 1-7-2013, thấy hết khách nên hai nhân viên là Nguyễn Thị Xuân, sinh 1975, ở Thanh Oai, Hà Nội và Đào Ánh Tuyết, sinh 1989, quê ở Hòa Bình, bảo nhau đóng cửa quán để đi nghỉ.
Khi Tuyết cầm hai chiếc ghế cuối cùng vào trong nhà, còn Xuân đang định đóng cửa sắt lại thì bất ngờ nhóm của Đồng đi trên 2 chiếc xe máy phóng thẳng vào trước quán. Đồng tiến đến, hất hàm hỏi hai cô nhân viên: “Còn làm thư giãn không?”. Vội chạy ra, Xuân lên tiếng: “Bọn em nghỉ rồi”. Trong cơn say, đi đến quán thứ ba mà không được “phục vụ”, Đồng tức giận tiến đến, đứng đối diện với Xuân lên giọng sừng sộ: "Có đúng chúng mày đóng cửa không?”. Rồi không để Xuân trả lời, kẻ côn đồ này manh động rút ngay khẩu súng colt ra chĩa thẳng vào ngực cô bắn một phát. Tiếng súng nổ vang lên chát chúa trong đêm khiến mọi người trong quán chạy ùa ra. Đồng cùng đồng bọn lên xe máy, bỏ chạy, Xuân được mọi người nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do viên đạn bắn xuyên thủng tim nên sau đó cô đã tử vong.
Vụ bắn chết người một cách manh động khiến dư luận rúng động. Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội tập trung tổ chức điều tra, truy tìm hung thủ. Từ đặc điểm nhận dạng mà nhân chứng cung cấp cùng với việc rà soát, thu thập thông tin quần chúng trong đêm xảy ra vụ án mạng, ngay hôm sau cơ quan điều tra đã xác định được 5 đối tượng đi trên 2 chiếc xe máy gồm Bùi Văn Đồng, sinh 1986, quê ở xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang, cùng 4 đối tượng khác là Phạm Văn Long, Trần Ngọc Bản, Phạm Hồng Quỳnh và Nguyễn Công Trứ. Với Đồng và Trứ thì các trinh sát hình sự CAH Từ Liêm không còn lạ lẫm gì, bởi các hoạt động phi pháp của chúng lâu nay đã lọt vào “tầm ngắm”.
Tuy nhiên, khi các trinh sát tìm đến nơi thuê trọ của các đối tượng này ở Phú Diễn và Cổ Nhuế thì cả bọn đều biến mất. Sau một ngày lẩn trốn, đến tối 2-7-2013, khi Trứ vừa mò về quán tẩm quất massage ở Phú Diễn thì bị các trinh sát bắt giữ. Ngay trong đêm, 3 đối tượng Phạm Văn Long, Phạm Hồng Quỳnh và Trần Ngọc Bản cũng bị tóm giữ khi đang lẩn trốn ở Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Các đối tượng này khai nhận, bọn chúng bỏ trốn lên Sơn La là theo chỉ đạo của “trùm” Đồng, tuy nhiên, anh ta trốn ở đâu thì không biết? Thông tin từ CAH Yên Thế cho biết, Đồng không xuất hiện ở quê. Rà soát các mối quan hệ của Đồng, các trinh sát nhận định, khả năng anh ta trốn dưới Hải Phòng.
Sau khi nhận thông tin từ CATP Hà Nội, Phòng PC45 - CATP Hải Phòng phối hợp với tổ trinh sát của Phòng PC45 - CATP Hà Nội tập trung rà soát xác minh, truy tìm hung thủ. Đến 22h đêm 3-7-2013, trinh sát ập vào nhà chủ cơ sở thu mua sắt thép phế liệu ở khu 4, phường Tràng Minh, quận Kiến An, nơi mấy năm trước Đồng làm thuê, phát hiện, tóm gọn kẻ giết người đang lẩn trốn trên tầng 2, thu giữ trong người anh ta 1 khẩu súng colt tự chế cùng 6 viên đạn. Sau đó, khám xét tư trang của Đồng, trinh sát còn thu giữ thêm 5 viên đạn khác.
Kết cục, Bùi Văn Đồng đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình về tội “giết người” và 2 năm tù về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Các bị cáo còn lại gồm Phạm Văn Long, Trần Ngọc Bản, Phạm Hồng Quỳnh và Nguyễn Công Trứ bị tòa tuyên phạt cùng mức án 18 tháng tù giam về tội “không tố giác tội phạm”.