P1: Phận tù "mồ côi", Tết về rưng rưng nước mắt
Gia đình bỏ rơi vì án cao như núi
Như đã nói ở bài trước, Tuấn “mèo” là phạm nhân được xếp diện bỗng dưng mồ côi. Tuấn bị gia đình bỏ quên bởi án tù đằng đẵng.
Mỗi dịp Tết về cả trại rất ngại mấy thằng "bỗng dưng mồ côi" như Tuấn bởi đang vui chợt hắn nổi khùng rồi làm bậy quậy phá hồi nào không hay.
Tư Trọng, án 20 năm tội lừa đảo kêu: "Tụi mày không biết chứ mấy thằng như tao với Tuấn nhiều lúc muốn chết mẹ cho xong."
"Mồ côi" như Tuấn, Trọng chiếm đa phần tù "mồ côi" bởi đời tù tội án cao như núi. Bạn tù còn ngán huống hồ người nhà, nhất là vợ trẻ ở nhà một mình gặp bao nhiêu cám dỗ.
Phạm nhân vẽ tranh chuẩn bị đón Tết
Nghĩ ngợi hoài, bế tắc rồi đâm cùng quẫn, dị nghị người đời.
Trẻ thì mỗi dịp giao thừa tự nhiên khóc rống, già thì suy tư. Có những giọt nước mắt từ từ lăn nhất là khi chứng kiến bạn tù vui vẻ kể chuyện nhà cửa con cái dịp thăm gặp gần Tết.
Họ sợ hiện tại không bằng lo cho tương lai, khi ra tù hai bàn tay trắng không chỗ dựa.
Trại này đã không ít lần chứng kiến người mới ra trại chưa đầy năm đã quay lại, nghiệt nỗi án sau dài hơn án trước.
Phạm nhân học văn hóa ở trong trại giam.
Minh “đen”, phạm mang 3 tiền án kể: “Án đầu đi được 6 tháng, mẹ chết. Vợ thăm 2 lần rồi bỏ đem con chưa đầy 3 tuổi gửi chùa không chăm nom ngó ngàng. Tui về chưa đầy tháng nó với thằng chồng mới còn hỗn, điên quá lụi một nhát đi thêm 6 năm nữa”.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Lam, Phó Giám thị Trại giam Xuân Lộc cho hay: “Giai đoạn đầu của tù bị gia đình bỏ rơi rất sốc nên anh em chúng tôi luôn phải theo sát nắm tâm tư, vừa khuyên giải vừa giúp đỡ để họ vượt qua và không nghĩ quẩn”.
Thấy thân nhân là… thấy Tết
May mắn đôi khi như chết đi sống lại là nhiều anh em tù "mồ côi" bỗng dưng ngày nào đó được gọi ra thăm nuôi.
“Cà pháo”, gã tù 46 tuổi ít người biết tên thật, "mồ côi" từ hồi tạm giam, một ngày đẹp trời 5 năm sau bỗng nghe gọi ra thăm nuôi. Ban đầu, hắn còn cự cãi cán bộ: “Mấy ông chọc tui hoài”.
Ra gặp bà dì có hơn tiếng mà bốn tháng sau, "Cà pháo" còn kể suốt dì tao dặn thứ này cho thứ kia. Bạn tù nào chọc ghẹo, kêu là tù "mồ côi", hắn sừng sộ đòi tay bo liền.
Không như "Cà pháo", Định “hói” chuyển trại từ Bắc vô. Hai năm trước mẹ vào thăm đúng một lần rồi bỏ. Hai năm sau khi sắp vào diện "bỗng dưng mồ côi", vợ quay lại thăm nhưng cuối giờ năn nỉ ký đơn ly dị để “em làm lại cuộc đời, án anh 20 năm chờ anh em hết đẻ đái”.
Cả tháng vô trại Định rống bài Hận đàn bà suốt ngày.
Đi tù, bị vợ bỏ như Định trong này hằng hà sa số, 10 thằng hết 8. Biết là lỗi mình nhưng tù nào cũng trách vợ tệ bạc mà quên mất chính họ đã đẩy cả gia đình mình vào cảnh ly tan, cách biệt.
Phạm nhân nam nhớ nhà, nhớ Tết một thì phạm nhân nữ còn nhớ gấp mười.
Không ít phạm lâm vào tình cảnh như Mừng, thợ hớt tóc chính của trại. Gia đình chợt đến chợt đi thăm nuôi rồi bỏ. Bỏ 6,7 tháng lại quay vô thăm khiến Mừng bực bội: “Chơi kiểu này đau tim chết trước khi ra trại”.
Trong buồng giam 62 số phạm có khoảng 15 ông như Mừng.
May cho Mừng, ngày ra trại có nhà ra đón. Anh như trẻ nhỏ cười nói suốt ngày.
Còn hơn chục người khác, ngày đêm xếp bằng cầu nguyện cho tình cũ quay về vô thăm nuôi. Anh em mồ côi dạng này luôn sống trong thắc thỏm đợi chờ. Chờ người thân quay lại, thắc thỏm sợ hãi họ quay mặt bỏ giữa chốn lao tù đằng đẵng.
Và họ sợ nhất bị bỏ đúng dịp Tết. Đôi khi nguyên nhân chỉ là nhà xa, công việc bận bịu hoặc Tết không chạy nổi tiền... nhưng không ít kẻ xăm đầy mình mặt buồn so ngồi ngó xa xăm đợi chờ.
Giang hồ cũng có lúc yếu lòng
Bất kể ngoài đời giang hồ bợm bãi, đâm thuê chém mướn kiểu gì, tù nào vô trại cũng sợ "mồ côi". Miếng ăn giờ không còn khó kiếm, Tết nhất cũng đầy đủ heo bò gà, bánh chưng, mứt Tết... nhưng hơi ấm con thơ, mẹ già, ánh mắt vợ thương cảm may ra nằm mơ mới có.
Nhiều tay anh chị "mồ côi" chiều 30 Tết thú thực: Nếu được chọn lại giữa "anh em chiến hữu" với mái ấm gia đình họ đành xin anh em thứ lỗi, thậm chí kéo dài thêm vài ba năm tù mà khỏi kiếp tù "mồ côi" họ cũng đánh đổi.
Đặng Văn Thịnh, án 20 năm tội ma túy, có khi 2 năm nhà mới thăm một lần cho hay, thời trẻ không Tết nào anh ở nhà, có vợ rồi vẫn sa vào cờ bạc hút xách. Giờ thì: “Mùng 1 nào tao cũng nằm mơ bữa cơm đầu năm mày ạ”.
Chốn dừng bước giang hồ như nơi đây đôi khi lại là thời gian để những tay anh chị có những giờ phút sám hối mà ngoài đời tiền bạc, bạo lực, tranh giành… đã cuốn họ đi.
Ở ngoài đời, nhiều phạm nhân gây án tàn bạo nhưng khi ở tù thì lại rất mềm lòng.
Không ít người thấy bạn tù được thăm nuôi cũng cứ hóng hớt “chém gió” như chuyện nhà mình. Mắt họ sáng lên khi nghe bạn nói “má tao gửi cho mày gói thuốc”, bởi có cảm giác còn có người đời nhớ đến mình như Hùng “đầu búa” thừa nhận.
Thời ở trại, không ít lần tôi được mấy chú nhóc mồ côi gọi bố chỉ để “cho con có cảm giác nhà chút nha bố” như Tiến nhiều khi năn nỉ.
Phạm Anh Hùng, 32 tuổi án 9 năm cướp giật tâm sự: “Anh em giang hồ nhiều chớ trống vắng lắm anh à. Giờ mình có hối cũng mất mẹ mất cha lâu rồi.
Phải chi Tết này còn ông bà cũng bắt xe từ Cao Lãnh xuống thăm tui. Nhiêu đó đủ để tui mong Tết. Còn giờ Tết đến Tết đi, chỉ buồn thêm”.
Đại tá Thái Duy Hồng, Phó Giám thị Trại giam Xuân Lộc, phụ trách K4 cho biết: “Nhằm tiếp sức cho anh em phạm nhân "mồ côi", Tổng cục Thi hành án và hỗ trợ tư pháp ( Tổng cục 8) có lập Quỹ Tấm lòng vàng kêu gọi thân nhân, nhà hảo tâm đóng góp.
Nhờ quỹ này nhiều phạm nhân tại K4 trại giam Xuân Lộc được trợ giúp thêm 200 -300 nghìn đồng trong phần quà Tết. Tuy nhiên, so với phạm nhân khác họ thiệt thòi rất lớn, nhất là về tinh thần khi thiếu bóng dáng gia đình”.