Ba cấp xử tuyên án tử hình
Tối 12-6-1997, Huỳnh Minh Văn (SN 1975, ngụ xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) từ chòi giữ vườn cam của mình ở Cồn Dơi cầm dao mác vót lẻn vào nhà của chị Nguyễn Thị Lan Ngọc (SN 1968, ngụ cùng xã, tên các nhân vật đã được thay đổi) định hiếp dâm.
Chị Ngọc phát hiện, la làng, Minh liền xông tới bóp cổ, chị Ngọc chống cự quyết liệt, đạp Văn văng ra ngoài.
Minh tiếp tục kéo tay làm chị Ngọc té úp mặt xuống đất, Văn nhào tới bóp cổ, đè nạn nhân cho đến chết rồi thực hiện hành vi đồi bại, sau đó y kéo xác xuống mương nước gần đó.
Bị bắt khẩn cấp ngày 26-6-1997 thì chiều hôm sau Văn đã khai nhận toàn bộ hành vi tội ác của mình. Để kiểm tra lời khai của Văn, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bến Tre đã cho thực nghiệm điều tra.
Kết quả cho thấy: những động tác, hành động của Văn khi thực nghiệm hoàn toàn phù hợp với lời khai nhận tội, phù hợp với dấu vết để lại hiện trường cũng như trên thi thể nạn nhân.
Bản án sơ thẩm ngày 5-8-1997 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre tuyên phạt Văn tử hình vì tội giết người, ba năm tù về tội hiếp dâm; tổng hợp hình phạt là tử hình.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21-11-1997, Văn phủ nhận lời khai ban đầu nhưng trước những chứng cứ quá rõ ràng, tòa đã y án sơ thẩm và buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân 40 triệu đồng.
Vì cho rằng con mình bị oan nên cha Văn đã làm đơn kêu oan.
Ngày 11-7-1998, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ra quyết định (QĐ) kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND tối cao hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vì những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở kết luận Văn phạm tội giết người và hiếp dâm.
Tại phiên tòa, Giám đốc thẩm vào ngày 8-4-1999, Ủy ban Thẩm phán TAND tối cao sau khi kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ và xem xét các chứng cứ liên quan vụ án đã ra QĐ số 18/UBTP-HS, không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm ngày 21-11-1997.
Sau đó, TAND tối cao và Viện KSND tối cao đều có QĐ không kháng nghị đối với vụ án trên. Bản thân Văn cũng không làm đơn xin ân giảm nên bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Hai ngày trước khi cho thi hành án tử hình đối với Văn (vào sáng 9-11-2001), TAND tỉnh Bến Tre nhận được chỉ đạo từ TAND tối cao phải tạm dừng.
Ngày 15-10-2002, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an đã về tỉnh Bến Tre tìm hiểu toàn bộ sự việc liên quan đến vụ án đồng thời đến tận buồng giam kiểm tra bị án Văn. Khi được hỏi Văn có muốn làm đơn kêu oan hay xin ân giảm thì y lắc đầu, nói “không”. Ngay sau đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Bến Tre có văn bản đề nghị cho thi hành bản án.
Ngày 2-1-2003, Cơ quan CSĐT - Bộ CA đã có văn bản gởi lãnh đạo liên ngành gồm Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao, nêu rõ: Vụ án Huỳnh Minh Văn đã được Công an tỉnh Bến Tre tiến hành điều tra một cách khách quan toàn diện.
Vụ án đã trải qua ba cấp xét xử đều tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Văn. VKSND tối cao, TAND tối cao đều đã có QĐ không kháng nghị, án đã có hiệu lực, bản thân Văn không làm đơn kêu oan, không làm đơn xin ân giảm.
Từ những lý do trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an kiến nghị lãnh đạo Bộ CA, Viện KSND tối cao và TAND tối cao thống nhất báo cáo Chủ tịch nước chỉ đạo TAND Bến Tre sớm thi hành án đối với bị án Văn.
Thoát tử lần hai?!
Ngày 18-8-2003, Chánh án TAND tối cao lúc đó là ông Nguyễn Văn Hiện ký văn bản số 35/HS-TK kháng nghị QĐ giám đốc thẩm số 18/UBTP-HS ngày 8-4-1999 để Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử vụ án lại theo hướng giảm hình phạt cho Văn từ từ hình xuống chung thân.
Theo kháng nghị, tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm kết án Văn về tội giết người và hiếp dâm là có căn cứ.
Tuy nhiên, xét thấy tối ngày 12-6-1997, Văn đến nhà chị Ngọc với mục đích để hiếp dâm, khi bị chị Ngọc phát hiện kêu cứu và chống cự, sợ bị lộ nên nên Văn bóp cổ nạn nhân dẫn đến cái chết.
Hành vi giết người của bị cáo là bộc phát, không có ý định từ đầu. Khi nạn nhân chết, bị cáo không thực hiện đến cùng hành vi hiếp dâm.
Sau khi bị bắt giam, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, tỏ thái độ ăn năn hối cải.
Tòa án cấp sơ thẩm có xét đến tình tiết này nhưng trong phần QĐ của bản án thì không áp dụng thì tiết giảm nhẹ đối với Văn là thiếu sót. Về nhân thân, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, hoặc có sai phạm gì ở địa phương.
Vì vậy, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo và đánh giá toàn diện các tình tiết khác về vụ án, thì mức hình phạt tử hình mà tòa án các cấp áp dụng đối với Văn là không cần thiết.
Thoát án tử, Văn có cơ hội làm cuộc đời cũng như sám hối tội lỗi đã gây ra. Về phía nạn nhân, sau khi chị Ngọc bị sát hại, chồng chị như người mất hồn, đi lang thang suốt mấy tháng; ba đứa nhỏ mất mẹ, không ai chăm sóc, sống nheo nhóc.
Nghĩ tới cái chết thê thảm của chị Ngọc, bốn cha con không thể ở chỗ cũ, phải dở nhà về nương tựa cha mẹ già ở cùng xã.
Tội nghiệp cho hai cụ tuổi “thất thập”, không chỉ nuôi thêm miệng ăn mà còn yểm trợ cả về mặt tinh thần để bốn cha con vượt qua cú sốc khủng khiếp nhất trong cuộc đời.
Sau khi vụ án xảy ra, phóng viên Báo CATP đã đến tận nợi thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình nạn nhân. Giờ đây, những đứa trẻ mồ côi mẹ đã lớn khôn, niềm đau cũng vơi đi theo thời gian nhưng sự mất mát thì không gì có thể bù đắp được.
Đối với người tham gia tố tụng, vụ án này để lại ấn tượng không thể nào quên về tính ly kỳ và sự bất ngờ đến khó tin…