Kẽ hở "chết người" của luật từ vụ Tú "khỉ"

Pháp luật quy định, việc miễn thi hành án phạt tù được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có việc bị án đang mang bệnh hiểm nghèo nhằm mục đích nhân đạo.

Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để trốn tránh pháp luật.

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, miễn hình phạt tù không đúng sẽ là con dao hai lưỡi. Đặc biệt, nếu có cán bộ tiếp tay cho đối tượng “lách luật” thì đang phá hỏng cả hệ thống pháp luật.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra

Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm về việc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đang vào cuộc làm rõ nghi án miễn thi hành án phạt tù cho Phạm Khắc Tú (tức Tú “khỉ”, 39 tuổi, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Bước đầu, VKSND Tối cao xác định việc miễn chấp hành hình phạt tù đối với Tú là chưa đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến cho rằng, có hay không việc tiếp tay của cán bộ tư pháp tỉnh Hưng Yên?

Bởi lẽ, trước khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an bắt vào ngày 27/3/2013, Phạm Khắc Tú từng bị Công an huyện Khoái Châu bắt về hành vi đánh bạc. Trở lại phiên toà xét xử cách đây bốn năm, ngày 4/5/2010, TAND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tuyên phạt, Phạm Khắc Tú bị phạt một năm tù giam về tội tổ chức đánh bạc. Ngày 23/7/2010, Tú bị TAND tỉnh Hưng Yên xử phúc thẩm và y án.

Tiếp đó, ngày 9/8/2010, TAND huyện Khoái Châu ra quyết định thi hành án đối với Phạm Khắc Tú. Ngay sau đó, Tú có đơn xin hoãn thi hành án với lý do “bị viêm gan, giai đoạn xơ gan”. Đến 16/9/2010, Tú có đơn xin miễn chấp hành án phạt tù cũng với lý do trên. Điều đáng nói là chỉ sau đó một ngày, TAND tỉnh Hưng Yên có công văn gửi VKSND tỉnh xem xét cho quan điểm về việc miễn chấp hành án phạt tù đối với Tú. Tú được VKS tỉnh có văn bản đồng ý. Ngày 14/1/2011, Phạm Khắc Tú được TAND tỉnh Hưng Yên xét miễn chấp hành hình phạt tù.

Ngay sau khi được miễn chấp hành án phạt tù, Tú “khỉ” trở thành trùm giang hồ tại Hưng Yên, thu thập hàng chục đàn em, thực hiện việc cưỡng đoạt tài sản, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Thậm chí khi bị bắt khẩn cấp, Phạm Khắc Tú còn tàng trữ một khẩu súng K59 và hàng chục viên đạn.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu trung tâm Pháp y - Viện Khoa học hình sự bộ Công an giám định bệnh lý đối với Phạm Khắc Tú. Kết quả giám định cho thấy, Phạm Khắc Tú không bị bệnh xơ gan cổ chướng nên việc TAND tỉnh Hưng Yên ra quyết định miễn thi hành án phạt tù là không có cơ sở.

Rõ ràng về mặt pháp lý Tú được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án và VKS tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, việc xem xét để miễn chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật là một quy trình rất chặt chẽ. Thế nhưng không hiểu vì sao Tú lại “lọt lưới” một cách dễ dàng?!

Chân dung trùm xã hội đen Tú “khỉ”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Tú “khỉ” được che chở bởi lá chắn pháp lý, hay do hắn có biệt tài “ngụy trang” nên suốt thời gian qua y ung dung ngoài vòng pháp luật. Chỉ đến khi hắn bị bắt, sự thật mới được phơi bày. Điều này khiến dư luận hoài nghi vào cơ quan công quyền của Hưng Yên.

Nhận định về vấn đề trên, TS. Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Đào tạo Luật sư, học viện Tư pháp cho rằng: Việc miễn thi hành án phạt tù trong những trường hợp cụ thể nói chung để đảm bảo tính nhân văn và sự khoan hồng của pháp luật được quy định rất rõ tại Điều 57 BLHS. Cụ thể, đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì theo đề nghị của Viện trưởng VKSND, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

“Thế nhưng, trong vụ việc này, đối tượng Phạm Khắc Tú được miễn chấp hành hình phạt tù là chưa đúng với quy định của pháp luật. Điều trước tiên cần xem xét lại trách nhiệm của VKSND, TAND tỉnh Hưng Yên”, TS. Điệp nói.

“Tuy nhiên, cho dù vì động cơ gì thì việc những người thực thi pháp luật của tỉnh Hưng Yên lại làm không đúng pháp luật là điều không thể chấp nhận. Việc làm của cơ quan tư pháp tỉnh Hưng Yên đã vô tình tạo điều kiện cho Tú được ở ngoài xã hội, tiếp tục gây thêm một vụ án khác. Sự việc này không chỉ tạo đà cho tội phạm khác làm theo, coi thường luật pháp mà còn khiến người dân mất niềm tin vào cán cân công lý, gây bất ổn xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cần được xử lý nghiêm khắc”, TS. Điệp cho biết thêm.

Ôtô do băng nhóm này mang đi gây án.

Cần quy trách nhiệm từng cá nhân

Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc quy trách nhiệm cá nhân cần được làm rõ và dựa trên căn cứ là những văn bản, những quyết định mà cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ký, phê duyệt.

Đồng tình với nhận định trên, ông Ngụy Thế Hùng, cán bộ VKSND Tối cao cho rằng, việc VKSND, TAND tỉnh Hưng Yên có liên quan tới việc ra quyết định bằng văn bản về việc miễn chấp hành hình phạt tù đối với Tú. Theo quy định của pháp luật, về quy trình, cả hai cơ quan này đều phải có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của Tú xem có đủ điều kiện để miễn chấp hành án phạt tù hay không.

Về quy trình, có cả một hội đồng xét duyệt do toà án chủ trì có kiểm sát viên tham dự. Trong trường hợp này, rõ ràng là trách nhiệm thuộc về tòa án và VKSND tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là người đề nghị.

Theo Luật sư Phạm Xuân Anh, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang: Việc miễn chấp hành hình phạt tù được quy định rất chặt chẽ, từ thủ tục, điều kiện đến thẩm quyền của từng cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định hồ sơ trước khi đưa ra quyết định miễn chấp hành hình phạt. Cụ thể quy định rõ tại Điều 257- 269 BLTTHS.

“Trong trường hợp tội phạm mắc bệnh hiểm nghèo, để đảm bảo tính nhân đạo và nhân văn, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ điều kiện được miễn thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, những đối tượng bị mắc bệnh hiểm nghèo phải được bệnh viện cấp tỉnh trở lên chứng nhận. Trường hợp của Phạm Khắc Tú, theo kết luận của VKSND Tối cao thì việc miễn chấp hành hình phạt đối với Tú là có “vấn đề” và không minh bạch. Việc này cần làm rõ trách nhiệm cũng như quy kết trách nhiệm của từng cá nhân”, Luật sư Xuân Anh nói.

Kẽ hở chết người

Ông Vũ Việt Hùng nguyên Phó Vụ trưởng vụ 1A, VKSND tối cao cho rằng: “Nếu pháp luật không được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, người phải chấp hành sẽ ỷ vào thế đó, dẫn đến coi thường pháp luật. Đây chính là kẽ hở chết người. Nếu những đối tượng là những tên cộm cán, lợi dụng triệt để chiêu thức nay làm tha hóa cán bộ, công chức Nhà nước. Lúc đó luật pháp chỉ còn là bình phong. Để giải quyết vấn đề trên, cần xem xét kỹ tới cá nhân nào, cơ quan nào đề xuất, miễn thi hành án phạt tù đối với Phạm Khắc Tú, đó là vấn đề mấu chốt”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại